Gần 6,7 triệu tỷ đồng 'đổ' vào ngân hàng dù lãi suất thấp
Dù lãi suất giữ mức thấp, người dân vẫn đem gần 6,7 triệu tỷ đồng gửi ngân hàng trong tháng 3 - mức kỷ lục từ trước đến nay.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lượng tiền gửi của cá nhân, tổ chức của tháng 3 tăng lên mức dương so với mức âm hồi tháng 2.
Theo đó, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng từ 104.000 tỷ đồng, lên 6,627 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên so với cuối năm 2023, các tổ chức kinh tế gửi tiền vào hệ thống tín dụng vẫn ghi nhận mức âm 3,14% (tháng 2 âm 4,66%, tháng 1 âm 2,41%). Trong khi đó, lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tiếp tục tăng thêm 39.000 tỷ đồng so với cuối tháng 2 (lên 6,676 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2,2% so với cuối năm 2023).
Thống kê tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế qua 1 năm (ảnh: Ngọc Mai).
Như vậy, tính đến cuối tháng 3, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm 214.000 tỷ đồng, còn cá nhân tăng 144.000 tỷ đồng. Tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 3 tăng 0,09%, thêm 14.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (lên 16,012 triệu tỷ đồng). Trước đó, tháng 2, tổng phương tiện thanh toán vẫn ở trạng thái âm, giảm 0,53% so với cuối năm 2023, ở mức 15,914 triệu tỷ đồng. Vào thời điểm tháng 3, lãi suất huy động tiền đồng của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức thấp, dao động từ 2 - 5%/năm ở các kỳ hạn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng công bố tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán của tháng 3 tiếp tục giảm, còn 9,78% thay vì mức 10% của tháng 2. Riêng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, nhà điều hành công bố dữ liệu tháng 4 tăng 2,01% so với cuối năm 2023, lên 13,842 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng tăng trưởng nhanh nhất thuộc ngành công nghiệp (tăng 3,75%); thương mại (tăng 2,77%); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 1,16%); vận tải và viễn thông (tăng 1,05%)…
Từ đầu tháng 3 đến nay, lãi suất huy động các ngân hàng có xu hướng tăng trở lại nhưng vẫn duy trì mức thấp. Theo thống kê, có hai ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất trên 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là NCB (5,05%/năm) và CBBank (5,15%/năm).
Với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng, mức lãi suất từ 5%/năm được niêm yết tại BaoViet Bank, Bac A Bank, và Kien Long Bank (5%/năm), CBBank và Nam A Bank (5,1%/năm), GPBank (5,2%/năm), NCB (5,25%). Tại kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, mức lãi suất từ 5%/năm xuất hiện ngày một nhiều. Trong đó, lãi suất ngân hàng cao nhất của kỳ hạn tiền gửi 12 tháng 5,75%/năm (GPBank)...
Nhóm ngân hàng trả lãi suất cao cho kỳ hạn 18 tháng gồm: OceanBank (5,9%/năm), GPBank (5,85%/năm) và BVBank, BaoViet Bank, VietBank (5,8%/năm).
Tại kỳ hạn 24 và 36 tháng 6,1%/năm cũng đang là mức lãi suất cao nhất đối với tiền gửi kỳ hạn gồm NCB, HDBank, OceanBank.
Theo các chuyên gia, bất chấp lãi suất thấp nhưng tiền gửi người dân vẫn quay lại hệ thống ngân hàng bởi nhiều kênh đầu tư khác không sinh lời và kinh tế còn khó khăn. Kênh đầu tư vàng nổi lên từ đầu năm nhưng hiện người dân có tiền cũng khó mua được.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo từ nay đến cuối năm tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân.
Nguồn: [Link nguồn]