Gần 32% dư nợ ngân hàng liên quan BĐS: Ngân hàng siết cho vay BĐS thế nào?
“Các tổ chức tín dụng không thiếu vốn và cũng không dừng cho vay bất động sản, mà sẽ chỉ cho vay những chủ đầu tư đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ, thủ tục...”
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dư luận đối với Dự thảo Thông tư thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó có một số nội dung như giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống còn 30%; áp dụng hệ số rủi ro 150% đối với các khoản vay cá nhân dư nợ trên 3 tỷ đồng.
Ảnh minh họa.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia Hiệp hội bất động sản, những quy định trên sẽ siết chặt tín dụng với bất động sản, tác động không nhỏ đến thị trường này.
Cụ thể, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản đã giảm từ năm 2017, tín dụng chung tăng 18% nhưng bất động sản chỉ tăng 12%. Năm 2018, tín dụng chung 12%, bất động sản còn có 5% và tới quý IV/2018 thậm chí tín dụng bất động sản còn giảm 0,8%. Dòng vốn vào thị trường bất động sản với chiều hướng như vậy sẽ rất khó khăn.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn nhưng không có nghĩa ngân hàng hạn chế cho vay. Việc hạn chế rủi ro của ngân hàng bằng cách lựa chọn dự án hiệu quả, chọn chủ đầu tư đủ năng lực mới xem xét cho vay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN).
Theo ông Hùng, tín dụng bất động sản gồm 2 dạng, thứ nhất là cho vay trực tiếp các chủ đầu tư bất động sản, thứ hai là cho vay tiêu dùng để mua bất động sản.
Đến cuối 2018, tổng dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản là 31,7%, trong đó vay trực tiếp đối với chủ đầu tư chững lại, nhưng cho vay phục vụ người dân mua nhà lại tăng. Ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bất động sản đạt 3,24% so với 2018.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy nguồn tiêu thụ cho các dự án bất động sản hiện nay. Thậm chí, các ngân hàng sẵn sàng bảo lãnh nhà hình thành trong tương lai để phục vụ nhu cầu thực tế của người dân.
Đồng thời, điều kiện tín dụng vào phân khúc 1-3 tỷ đồng/căn hộ nhằm tạo điều kiện để chủ đầu tư hướng vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, tạo điều kiện để người dân có thể vay tiền ngân hàng mua căn hộ phục vụ cuộc sống.
Bởi hiện nay đang có tình trạng mất cân đối, có quá nhiều dự án nhà ở thương mại cao cấp, nghỉ dưỡng nhưng lại thiếu nhà ở xã hội.
Ngoài ra, tình trạng các địa phương ven biển có dự án bất động sản nhưng không thể vay vốn ngân hàng do vướng mắc ở hồ sơ quy hoạch đất đai. Với các dự án đáp ứng đủ điều kiện, ngân hàng sẽ giải ngân nhanh chóng.
Về việc sửa đổi Thông tư 36, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là phải đảm bảo an toàn hệ thống. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không chỉ áp dụng với lĩnh vực bất động sản mà với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Lộ trình của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp.
“Các tổ chức tín dụng không thiếu vốn và cũng không dừng cho vay bất động sản, mà sẽ chỉ cho vay những chủ đầu tư đủ điều kiện, đáp ứng hồ sơ, thủ tục... Chủ đầu tư có đất sạch, có khả năng sinh lợi nhuận thì ngân hàng sẵn sàng cho vay”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Hiện nay, đa số ngân hàng không mặn mà với vay tín chấp. Người vay có nhu cầu nhiều khi phải tìm đến tín dụng đen với...