Gần 17 tỷ USD vốn ngoại “rót” vào Việt Nam trong 8 tháng
Dù vốn đăng ký mới chưa phục hồi hoàn toàn sau Covid-19 nhưng vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng tích cực, lần lượt là 50,7% và 3,6%.
Cơ quan này cho biết, trong 8 tháng qua, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt trên 6,35 tỷ USD, giảm 43,9% so với cùng kỳ.
Nhận xét về con số này, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, mặc dù vốn đăng ý mới trong 8 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ song số dự án đầu tư mới đang tăng lên theo từng tháng kể từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong tháng 8. Số dự án đăng ký mới của 8 tháng năm nay đã bằng với 8 tháng năm ngoái.
Như vậy, việc vốn đăng ký mới giảm chủ yếu là do 8 tháng qua không có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn trên 100 triệu USD như cùng kỳ năm 2021. Riêng các dự án quy mô lớn đã chiếm tới 62,3% tổng vốn đăng ký mới của 8 tháng năm 2021.
Đặc biệt, năm ngoái còn có các dự án tỷ USD như Nhà máy điện LNG Long An I và II, vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD; Nhiệt điện Ô Môn II, 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, 8 tháng 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư của 8 tháng.
Thêm nữa, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021. Do vậy, đã ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.
Ngược với xu hướng đăng ký mới, 8 tháng qua, có 676 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,8% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,5 tỷ USD (tăng 50,7% so với cùng kỳ).
Cục Đầu tư nước ngoài cũng thông tin, mức tăng 50,7% tuy giảm 8,3 điểm phần trăm so với 7 tháng song vẫn là con số khá ấn tượng, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Điều đáng mừng là, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 8 tháng đầu năm.
Chẳng hạn, Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD và 267 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.
Trong khi đó, tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt trên 2,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Tuy vậy, số lượt góp vốn, mua cổ phần chỉ là 2.425 lượt, giảm 10,8% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2022 (Ảnh: Phạm Tùng).
Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 8 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Xét về đối tác, Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,53 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,5 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, xét theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất trong 8 tháng năm 2022 (chiếm 21,9% số dự án mới, 36,8% số lượt điều chỉnh và 34,9% số lượt góp vốn, mua cổ phần).
Điểm tích cực khác, đó là vốn đầu tư thực hiện trong 8 tháng đầu năm đã đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm. Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Giá nhà liền kề, biệt thự tại nhiều dự án bất động sản Hà Nội đã tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy 2 năm. Thậm chí, dù những căn nhà bỏ hoang, chưa có sổ đỏ cũng được...
Nguồn: [Link nguồn]