Gần 150.000 lao động mất việc trong 3 tháng, chủ yếu ngành dệt may

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Quý I vừa qua, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng tiếp diễn, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Ba tháng đầu năm, cả nước có gần 150.000 lao động mất việc, gần 300.000 người bị giãn việc

Hôm nay (6/4), Tổng cục Thống kê công bố tình hình lao động việc làm quý I. Theo đó, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước, cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, số lao động mất việc, thiếu việc làm ở vùng Đông Nam Bộ, trong đó có TPHCM lại tăng lên. Điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.

“Trước khi COVID-19 xuất hiện, Đông Nam Bộ thường là vùng có tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất cả nước (dưới 0,6% ở cả 4 quý năm 2019). Tuy nhiên, đến quý I năm nay, ngược với xu hướng chung của cả nước, tỷ lệ thiếu việc làm ở vùng này tăng lên 1,75% (quý trước 1,52%). Điều này chứng tỏ tình trạng thiếu đơn hàng của nhiều doanh nghiệp lớn ở vùng Đông Nam Bộ đã ảnh hưởng tới tình trạng thiếu việc làm của người lao động”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Tỷ lệ thiếu việc làm theo vùng (đơn vị tính: %).

Tỷ lệ thiếu việc làm theo vùng (đơn vị tính: %).

Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7 triệu đồng, tăng so với quý trước, tuy nhiên tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của quý I/2022. Thu nhập bình quân của lao động ở một số địa phương tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TPHCM, Bắc Ninh... ghi nhận sụt giảm. Lao động trong các ngành kinh doanh bất động sản, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và xây dựng cũng bị giảm thu nhập.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.600 người so với quý trước. So với quý trước, số lao động nghỉ giãn việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng trong quý đầu năm giảm, trong khi đó số lao động mất việc tăng lên.

Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc trong quý I là gần 300.000 người, giảm 2.000 người so với quý trước. Đa số lao động tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%), chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%.

Các địa phương có nhiều lao động nghỉ giãn việc là Thanh Hóa hơn 62.000 người, Bình Dương khoảng hơn 36.000 người, Đồng Nai khoảng 35.000 người, Tây Ninh gần 22.000 người, TPHCM gần 20.000 người...

Quý I năm nay, cả nước có gần 150.000 lao động bị mất việc. Trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may. Nhóm da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%.

Lao động mất việc tập trung ở các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai khoảng gần 32.600 người, Bình Dương gần 22.000 người), Bắc Ninh 14.000 người, Bắc Giang khoảng 7.700 người…

Trước tình hình hiện nay, Tổng cục Thống kê đề xuất tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. "Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử...", Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều lao động mất việc gặp stress vì số dư tài khoản không đủ để duy trì cuộc sống

Theo thống kê trong giai đoạn đầu năm nay, đã có hàng ngàn lao đông mất việc vì nền kinh tế có nhiều biến động, doanh nghiệp không nhận được đơn hàng nên buộc phải cắt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN