FED giữ lãi suất cao nhất 22 năm, Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Đêm qua 1-11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần thứ 2 liên tiếp giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25%-5,5%, mức cao nhất 22 năm qua. Việc này có thể tác động nhất định đến chính sách tiền tệ tại Việt Nam.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã hạ nhiệt. Ảnh tư liệu
Phản ứng thông tin trên, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước biến động trái chiều. Chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế giảm từ 107 điểm xuống còn 106,33 điểm. Thế nhưng, đồng USD vẫn neo giá cao so với nhiều ngoại tệ mạnh khác.
Tại Việt Nam, tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 10 đồng/USD lên 24.099 đồng/USD. Thế nhưng giá USD các ngân hàng thương mại lại giảm 30 đồng/USD, mua vào 24.410 đồng/USD và bán ra 24.720 đồng/USD.
Trước những biến động này, nhiều người băn khoăn chính sách tiền tệ của nước ta linh hoạt ra sao để phù hợp với diễn biến với thị trường quốc tế?
Theo TS. Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, để công tác điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả cần bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính. Công tác phối hợp này có thể thực hiện theo ba tình huống.
Trường hợp mức độ rủi ro của hệ thống tài chính ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước có thể tập trung vào thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Trong khi đó, các công cụ ổn định tài chính sẽ được thực thi để giảm thiểu rủi ro trên thị trường như cho vay tái cấp vốn, các chương trình cho vay khẩn cấp…
Trường hợp mức độ rủi ro ở mức độ trung bình, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về ổn định tài chính nói riêng và các thị trường có tính đầu cơ cao.
Thực tế, dù Ngân hàng Nhà nước có thể cung ứng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nhưng có rất ít khả năng can thiệp thị trường chứng khoán và tới các chủ thể kinh tế trên các thị trường khác. Lúc này, các doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán và bất động sản cần được sự hỗ trợ từ chính các cơ quan quản lý nhà nước. Nguồn lực trực tiếp từ ngân sách hoặc gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư, doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp giảm thiểu rủi ro ngày một lớn dần trên thị trường tài chính và các thị trường có tính đầu cơ cao.
Trường hợp mức độ rủi ro ở mức độ cao, Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để tập trung vào các giải pháp xử lý khủng hoảng, tạo sự ổn định rồi mới sử dụng các công cụ để kiểm soát lạm phát. Chỉ khi hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung hoạt động ổn định thì chính sách tiền tệ mới có thể truyền tải được một cách hiệu quả tới nền kinh tế.
"Trong điều kiện hiện nay, việc chỉ sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ như giảm lãi suất điều hành và nghiệp vụ thị trường mở chỉ mang lại một phần hiệu quả giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Muốn đạt được mục tiêu giảm tiếp lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn như dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để cung ứng một lượng vốn với lãi suất thấp và có tính ổn định hơn vào hệ thống ngân hàng thương mại.
Các giấy tờ có giá, hồ sơ tín dụng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định sẽ được các ngân hàng thương mại sử dụng để tiếp cận với một lượng vốn với chi phí thấp hơn đáng kể so với huy động từ thị trường, từ đó làm giảm chi phí huy động vốn bình quân và kéo giảm lãi suất cho vay" – ông Phước nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Đứng như thị trường dự đoán, Fed lần thứ 2 liên tiếp giữ lãi suất ổn định ở mức cao nhất suốt 22 năm qua.