Dừng thí điểm, xe công nghệ sẽ mở rộng hoạt động ra nhiều địa phương
Từ 1/4/2020, xe công nghệ sẽ chính thức hoạt động theo hành lang pháp lý mới là Nghị định 10/200/NĐ-CP của Chính Phủ, đây được nhìn nhận là bước tiến để xe công nghệ thoát hoàn tất việc thí điểm, mở rộng hoạt động ra nhiều địa phương khác.
Xe công nghệ đi vào cuộc sống, người tiêu dùng hưởng lợi
Bộ GTVT vừa có Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Như vậy, từ ngày 1/4/2020 tới đây, xe công nghệ như Grab, Go-Viet, Be sẽ rộng đường để hoạt động vì đã có hành lang pháp lý rõ ràng, không còn bó gọn trong việc thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố theo Đề án 24.
Đặc biệt, từ ngày 1/4/2020, xe công nghệ sẽ được phép mở rộng mạng lưới hoạt động của mình tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, chỉ với điều kiện được địa phương đó thông qua. Đây là bước tiến rất lớn sau nhiều năm loại hình vận chuyển này xuất hiện ở Việt Nam.
Trước thông tin xe công nghệ sẽ hoạt động theo Nghị định 10, và khi có Quyết định số 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, khá nhiều lái xe công nghệ lại băn khoăn, rằng xe công nghệ sẽ đi về đâu. Thực tế, xe công nghệ vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí, sẽ được mở rộng phạm vị hoạt động toàn quốc, có chăng chỉ là điều chỉnh một chút về logo dán trên xe và một vài thủ tục nhỏ.
Theo đó, Nghị định 10 có quy định, xe hợp đồng phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm;
Trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử, lái xe phải có thiết bị để truy cập được nội dung của hợp đồng điện tử và danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
Cũng tại Điều 36 của Nghị định 10 quy định, đối với xe hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe), xe ô tô vận tải khách du lịch có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu hoặc biển hiệu theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo quy định tại Nghị định này và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021.
Chia sẻ về triển vọng phát triển của xe công nghệ sau bước chuyển từ thí điểm sang hoạt động chính thức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù còn khá sớm để đưa ra nhận định về hiệu quả kinh tế mà bước chuyển này mang lại, nhưng rõ ràng, xe công nghệ được mở rộng hoạt động, được công nhận chính thức như một loại hình vận tải trong cuộc sống, không còn là thí điểm nữa sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng trên cả nước, chứ không còn gói gọn tại 5 tỉnh, thành thí điểm nữa sẽ được tiếp cận và sử dụng một phương thức đi lại khác với các phương thức truyền thống bấy lâu. Tuy vậy, điều này cũng đặt ra vấn đề, xe công nghệ sẽ cạnh tranh với các phương thức vận tải truyền thống khác như taxi tại các địa phương mà nó hoạt động. Song, gút lại, Nghị định 10 của Chính phủ vẫn là bước tiến dài trong vấn đề quản lý và tiếp cận của Bộ GTVT.
“Còn quá sớm để đưa ra nhận định về việc xe công nghệ được mở rộng hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế, nhưng rõ ràng nó mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng, người dân tham gia giao thông. Vì người dân có nhiều lựa chọn cho phương thức đi lại của mình với mức giá hợp lý, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, dễ dàng trong vấn đề gọi xe”- chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, phải cần thời gian để Nghị định 10 đi vào cuộc sống thì mới đánh giá được tác động ra sao tới nền kinh tế. Song, việc cơ quan quản lý Nhà nước đã kết hợp truyền thống với công nghệ trong thị trường vận tải là một bước tiến đáng ghi nhận và phù hợp xu thế phát triển.
Tới đây, tại tất cả các địa phương thì xe công nghệ đều có thể hoạt động nếu được địa phương đồng ý, và như vậy, sẽ mở rộng hoạt động cho loại hình này và chắc chắn Nghị định 10 tạo hành lang pháp lý cho xe công nghệ hoạt động sẽ đi vào cuộc sống, dù ít nhiều sẽ còn khúc mắc, quan điểm chưa đồng nhất.
“Nghị định 10 tạo hành lang pháp lý, cơ sở để xe công nghệ chính thức hoạt động sẽ tạo điều kiện cho hoạt động của các loại hình GTVT đường bộ phát triển, đây là điều rất mong muốn, đồng thời sẽ ứng dụng cái mới vào trong quản lý Nhà nước, trong cách vận hành”- chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước thông tin về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ dừng việc thí điểm kinh doanh taxi công nghệ Grab, Vato, Emdi, FastGo...