Dự kiến lãi hàng chục nghìn tỷ đồng, đại gia thép Việt bất ngờ được "săn lùng"
Thị trường chứng khoán vừa có phiên giao dịch khởi sắc, tuy nhiên kết quả tại 2 sàn lại có phần trái chiều.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 9,98 điểm (1,21%) lên 837,01 điểm; UPCom-Index tăng 0,145% lên 53,29 điểm và chỉ có HNX-Index giảm 0,49% xuống 108,54 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao với giá trị khớp lệnh 3 sàn gần 5.385 tỷ đồng.
VN-Index tăng 9,98 điểm (1,21%) lên 837,01 điểm
Toàn thị trường có 316 mã tăng giá cùng 49 mã tăng trần. Trong khi đó chỉ có 261 mã giảm giá cùng 28 mã giảm sàn.
Ở nhóm Bluechips, BVH, FPT, GAS, HPG, MSN, VNM, SAB, PLX, VRE, PNJ, MWG… cùng các cổ phiếu ngân hàng ACB, BID, CTG, MBB, VCB, VPB, HDB, TCB… đồng loạt tăng mạnh và là động lực chính giúp thị trường bứt phá.
Ngoài ra, các cổ phiếu khu công nghiệp như NTC, PHR, DPR, SZL, D2D, SIP… cũng thu hút dòng tiền khá tốt với kỳ vọng làn sóng FDI dịch chuyển mạnh về Việt Nam.
Trong phiên, VCB, GAS và HPG là 3 mã cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index khi đóng góp lần lượt 2,7; 1,46 và 1,33 điểm. Ở chiều ngược lại, bộ ba VIC, HVN và TPB tác động tiêu cực tới thị trường khi lấy đi của thị trường 0,48; 0,19 và 0,07 điểm.
Tính chung qua 1 tháng HPG tăng ấn tượng 21,26% giá trị.
Đáng chú ý, cổ phiếu HPG của "vua thép" Trần Đình Long vừa có phiên tăng trần nhờ kết quả kinh doanh khả quan cũng như kỳ vọng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công.
Chốt phiên, HPG tăng mạnh tới 1.600 đồng/cổ phiếu (tương đương với 6,81%) lên mốc 25.100 đồng/cổ phiếu. HPG xanh trong toàn phiên với dư mua lên tới 2,3 triệu cổ phiếu và không hề có dư bán.
Đây là phiên tăng mạnh trở lại của HPG sau 2 phiên giảm nhẹ. Như vậy, tính chung qua 1 tháng HPG tăng ấn tượng 21,26% giá trị. Lần gần đây nhất cổ phiếu HPG tăng trần là phiên 6/4 sau khi công ty cho biết sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 3 cao kỉ lục.
"Vua thép" Trần Đình Long đặt kì vọng lợi nhuận "khủng" trong năm 2020.
Được biết, mới đây ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết HĐQT công ty dự kiến trình đại hội cổ đông thường niên phương án kinh doanh với doanh thu khoảng 85.000 - 95.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.000 - 10.000 tỉ đồng.
Đối với lĩnh vực kinh doanh thép, lãnh đạo Hòa Phát chia sẻ, đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, soán ngôi Formosa. Hiện tại thị phần thép xây dựng Hòa Phát đã đạt 31,4%, dẫn đầu cả nước.
Đánh giá về tác động của COVID-19, Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng ngành thép ít bị ảnh hưởng, sau khi các nền kinh tế phong tỏa thì hậu tái thiết sẽ phải đầu tư công rất nhiều. Gói đầu tư công 700.000 tỉ của Việt Nam chủ yếu giải ngân vào đường xá cầu cống, thì thép sẽ tiêu thụ tương đối tốt.
Thực tế như thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới, nhưng ông Long cho rằng "năm 2020 tăng trưởng tiêu thụ thép sẽ là số dương chứ không phải số âm".
Nguồn: [Link nguồn]
Công ty dự kiến sẽ phát hành tối đa 12,000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với 2 loại hình trái phiếu trong năm 2020.