Đồng yên mất giá, Nhật Bản bỗng vụt sáng thành thiên đường săn đồ hiệu
Khách du lịch đã tận dụng lợi thế đồng yên yếu để mua sắm hàng hiệu với giá rẻ hơn.
Theo báo cáo từ tờ Nikkei Asian Review, Nhật Bản đã nổi lên như một điểm sáng giữa bức tranh toàn cầu ảm đạm của các tập đoàn xa xỉ như LVMH và Kering. Nguyên nhân chính bất ngờ đến từ sự suy yếu của đồng yên và du khách Trung Quốc đã tận dụng điều đó để mua sắm hàng hiệu với giá rẻ hơn.
Du khách Trung Quốc đổ xô tới Nhật Bản mua hàng xa xỉ
Trong tháng này, một nữ du khách Trung Quốc 30 tuổi tên là Snow đã mua một chiếc túi xách và hai món phụ kiện tại cửa hàng Gucci trong trung tâm thương mại Matsuya ở quận Ginza, Tokyo, với tổng số tiền khoảng 520.000 yên (tương đương 3.390 USD). Đây là lần đầu tiên Snow đến Nhật Bản cùng bạn trai, nhưng trong suốt bảy ngày ở Tokyo, họ không tham quan bất kỳ địa điểm nào mà chỉ tập trung vào mua sắm.
Snow không phải là trường hợp duy nhất tận dụng lợi thế từ đồng yên yếu để săn hàng xa xỉ. Một thanh niên 22 tuổi đến từ Trung Quốc, người đã đến Nhật Bản vào tháng 6, chia sẻ: "Với tác động của đồng yên yếu, việc mua sắm trở nên rất hợp lý. Bạn có thể mua một chiếc vòng cổ Bulgari có giá 368.000 yên ở Trung Quốc chỉ với 300.000 yên tại Nhật Bản. Bộ quần áo tôi mua với giá 80.000 yên khi đến Nhật Bản năm 2018 có giá 5.000 nhân dân tệ vào thời điểm đó, nhưng giờ đây chỉ còn 4.000 nhân dân tệ."
Sự ảnh hưởng của Nhật Bản đã thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh của các tập đoàn xa xỉ trong quý kết thúc vào tháng 6.
Burberry đã báo cáo doanh số bán hàng khá "bết bát" tại các cửa hàng so với cùng kỳ năm trước giảm 21%, không tính đến tác động của tỷ giá hối đoái. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực bán hàng lớn nhất của tập đoàn, doanh số giảm 23%. Tuy nhiên, chỉ riêng tại Nhật Bản, doanh số tăng 6%, nhờ vào chi tiêu mạnh mẽ từ du khách châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc, mặc dù nhu cầu từ người dân địa phương vẫn yếu.
LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton cũng ghi nhận doanh số giảm tại Châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, nơi duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, phần lớn nhờ vào việc mua sắm của du khách Trung Quốc.
Nhật Bản bỗng vụt sáng thành thiên đường săn đồ hiệu
Mặc dù chi tiêu cho hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã giảm do nền kinh tế mất đà, nhưng các thương hiệu xa xỉ vẫn thu hút được sự quan tâm từ người tiêu dùng nước này, bởi vậy nhiều người đã chọn Nhật Bản làm điểm đến để mua sắm.
Theo số liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, trong nửa đầu năm, khoảng 17,8 triệu người đã đến thăm Nhật Bản, phá kỷ lục về tổng số du khách trong nửa đầu năm từ trước đến nay. Du khách Hàn Quốc chiếm phần lớn, tiếp theo là Trung Quốc và Mỹ. Từ tháng 4 đến tháng 6, chi tiêu của du khách nước ngoài tại Nhật Bản đạt mức 2,14 nghìn tỷ yên, cũng là một kỷ lục theo quý.
Các trung tâm thương mại Nhật Bản đã hưởng lợi lớn từ hoạt động mua sắm xa xỉ của khách du lịch. Ba trung tâm mua sắm lớn nhất của Isetan Mitsukoshi Holdings tại Tokyo, đã ghi nhận doanh số tăng 20,2% chỉ trong nửa đầu tháng 7/2024. Những mặt hàng bán chạy nhất là túi xách và ví hàng hiệu giúp doanh số miễn thuế tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trung tâm thương mại Daimaru Matsuzakaya thuộc tập đoàn J. Front Retailing cũng đạt mức tăng 21,9% trong doanh số sản phẩm cho du khách được miễn thuế so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Trung tâm thương mại Nhật Bản, doanh số miễn thuế tại các trung tâm thương mại trong năm tài chính 2023 đạt 428,2 tỷ yên, gần gấp 3 lần so với năm trước, lần đầu tiên vượt 400 tỷ yên trong một năm tài chính kể từ tháng 10 năm 2014.
Nguồn: [Link nguồn]
Ronaldo dẫn đầu danh sách người nổi tiếng kiếm được nhiều tiền nhất trên Instagram.