Đồng Yên mất giá, lao động Việt tại Nhật chật vật
Việc đồng Yên liên tục mất giá xuống mức thấp nhất 20 năm trở lại đây đang khiến hàng trăm nghìn lao động Việt Nam bị đảo lộn cuộc sống. Nhiều lao động cho biết, đã làm quần quật nhưng vẫn không đủ tiền để trả nợ nên không còn mặn mà gia hạn hợp đồng và chọn cách trở về nước.
Hơn 2 năm làm việc vẫn chưa hết nợ
Đầu năm 2021, anh Đặng Văn Hân (27 tuổi, Yên Thành, Nghệ An) sang Nhật Bản làm thực tập sinh ngành chế biến thực phẩm với hi vọng kiếm chút vốn. Khi đó, tiền lương của anh khoảng 135.000 Yên, tương đương khoảng 30 triệu đồng/tháng. Anh ước tính, sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, sẽ gửi về gia đình được khoảng 20 triệu đồng/tháng và sẽ sớm trả hết số tiền nợ 200 triệu đồng vay để sang Nhật.
Tuy nhiên, mọi tính toán của anh Hân đều đổ bể do từ năm 2021 đến nay, đồng Yên liên tục mất giá khiến thu nhập của anh sụt giảm mạnh. Hiện 1 Yên chỉ còn tương đương khoảng 163 đồng, giảm 30% so với trước. Với mức lương trên, giờ anh Hân chỉ còn thực nhận 22 triệu đồng/tháng.
Lạm phát tăng cao, chi phí đắt đỏ, nhiều lao động Việt ở Nhật đã chọn cách về nước. Ảnh: VAMAS
“Tính ra cả năm tôi bị hụt gần 100 triệu đồng tiền gửi về cho gia đình. Tình trạng bão giá ở Nhật đang khiến chi phí sinh hoạt trở nên rất đắt đỏ. Những tưởng sang đây khoảng hơn 1 năm sẽ kiếm được tiền trả hết nợ, nhưng mãi đến tháng 4 vừa qua, sau gần 2,5 năm làm việc tôi mới kiếm đủ số tiền trả nợ”, anh Hân tâm sự.
Trước thực tế này, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị phía Nhật Bản: Tăng lương tối thiểu, đặc biệt là miễn thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam bình đẳng như ở phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử khác; Quan tâm thực chất đến quyền lợi người lao động vì mục tiêu hài hòa lợi ích của 2 quốc gia trong thời gian tới.
Hơn 4 năm làm việc tại Nhật, chị Lê Thị Thủy (34 tuổi, Can Lộc, Hà Tĩnh) chia sẻ, chưa bao giờ người lao động Việt phải đối mặt với tình cảnh khó khăn như hiện nay. Theo chị Thủy, trước đây, giá một chục quả trứng ở Nhật chỉ 35.000 đồng. Giờ lên tới 55.000 đồng. Giá rau cũng tăng hơn 30%, tiền điện tăng hơn 40%. Hiện tại, mỗi tháng tiền ăn, tiền sinh hoạt cũng hết khoảng 50.000 Yên, khoảng 8 triệu đồng.
“Lao động Việt giờ muốn đi siêu thị cũng phải chờ lúc hàng giảm giá, khuyến mại mới dám đi. Còn không, anh, em cứ mỳ tôm với trứng ăn cả tuần”, chị Thủy nói và cho biết thêm, sắp tới chị hết hợp đồng và được công ty thông báo gia hạn nhưng chị dự định về nước, vì trong bối cảnh này, làm quần quật cũng không thể tiết kiệm được tiền để gửi về nhà. “Nửa năm nay, tôi chưa gửi tiền về quê. Yên Nhật đổi ra tiền Việt giờ bốc hơi tới 30% nên rất tiếc”, chị Thủy chia sẻ.
Lao động đua nhau chọn về nước
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp phái cử thừa nhận việc đồng Yên mất giá kỷ lục khiến người lao động tại Nhật đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo vị này, những lao động sang Nhật thường rất quan tâm đến tỷ giá đồng Yên và tiền Việt vì ảnh hưởng sát sườn đến thu nhập. Thời gian qua, cả trăm lao động do công ty phái cử hết hạn hợp đồng với doanh nghiệp Nhật đã không gia hạn hoặc chuyển đổi visa để tiếp tục làm việc mà chọn về nước.
“Lao động ở trong nước cũng không quá mặn mà với thị trường Nhật do đồng Yên mất giá nên dù doanh nghiệp liên tục tuyển từ đầu năm, con số đăng ký rất hạn chế. Hiện tại, tình hình phái cử lao động của Việt Nam sang Nhật khá giống với sang Trung Quốc 10 năm trước khi thị trường này không còn hấp dẫn với người lao động. Nhiều doanh nghiệp Nhật đang có xu hướng chuyển hướng sang một số thị trường mới nổi khác, như Indonesia, Malaysia...”, vị này cho hay.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai cho rằng, không chỉ người lao động, tình hình khó khăn hiện nay ở Nhật khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc giữa việc tiếp tục khai thác thị trường Nhật hay đặt trọng tâm vào thị trường mới. “Hiện tại, người Việt có xu hướng lựa chọn sang lao động ở Hàn Quốc hoặc các nước như Hungary, Úc, Đức… vì mức lương cao, ổn định hơn. Trong bối cảnh này, chúng ta phải tìm cách đa dạng hóa thị trường”, ông Sơn cho hay.
Theo số liệu của Cục Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), đến nay có hơn 370.000 thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Lao động Việt chiếm khoảng 1/4 lao động nước ngoài đang làm việc tại đây và trở thành lực lượng lao động nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản.
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 72.300 lao động ra nước ngoài làm việc, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản có khoảng 34.500 người.
Tổng cục Thuế khuyến cáo, tình trạng lừa đảo qua tin nhắn, trang web, ứng dụng mạo danh cơ quan thuế ngày càng gia tăng. Các hình thức lừa đảo phổ biến như ủy quyền đóng...
Nguồn: [Link nguồn]