Lưu bài Bỏ lưu bài

Đồng Yên mất giá kỷ lục: Người lao động và doanh nghiệp Việt “kẻ khóc người cười”

Đồng yên mất giá khiến nhiều người lao động Việt có ý định rời bỏ Nhật Bản, một số khác có ý định tìm kiếm cơ hội việc làm từ các nước khác để tăng thu nhập; nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang hợp tác với thị trường này cũng đều “ngao ngán”.

Đồng Yên Nhật xuống thấp nhất trong 38 năm

Phiên giao dịch ngày 26/6, đồng yên rớt giá xuống mức 160,88 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1986. Thậm chí đến sáng ngày 28/6 ở thị trường châu Á, đồng yên tiếp tục giảm mạnh xuống 161,30 yên đổi 1 USD trước khi ổn định ở quanh mức 161 yên đổi 1 USD. Trong khi ba năm trước đó, con số này là 110 yên/USD. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là "ngưỡng đau đớn" của đồng tiền Nhật Bản.

Đồng yên đã mất giá khoảng 2% trong tháng 6 và giảm 12% kể từ đầu năm so với đồng USD. Đây là "ngưỡng đau đớn" của đồng tiền Nhật Bản.

Đồng yên đã mất giá khoảng 2% trong tháng 6 và giảm 12% kể từ đầu năm so với đồng USD, trong bối cảnh tỷ giá USD tăng vững vì kỳ vọng về thời điểm Fed bắt đầu giảm lãi suất liên tục bị đẩy lùi.

Đồng yên của Nhật Bản phá vỡ mức 160 yên đổi 1 USD mà không có sự can thiệp nào

Đồng yên của Nhật Bản phá vỡ mức 160 yên đổi 1 USD mà không có sự can thiệp nào

Nguyên nhân chính của việc yên mất giá so với USD là chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Việc lãi suất ngắn hạn của Fed là 5,25-5,5% và của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là 0-0,1% đã khiến đồng yên trở thành đồng tiền cấp vốn (funding currency) hấp dẫn trong giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade).

Ở mức tỷ giá gần 161 yên đổi 1 USD, đồng tiền này đã giảm giá quá mức trong khi nhà chức trách Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường ngoại hối hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5. Điều này có nghĩa là nỗ lực chi hơn 60 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá đồng yên của Tokyo đã “xôi hỏng bỏng không”, may ra chỉ là hãm bớt tốc độ mất giá của yên.

Theo Bloomberg, giới đầu tư toàn cầu hiểu rằng đồng yên còn đương đầu áp lực giảm giá chừng nào lãi suất đồng USD còn cao. “Tất cả vấn đề nằm ở Fed. Lãi suất cao hơn, lâu hơn ở Mỹ đang hút tiền về phía Mỹ và khiến đồng USD tăng mạnh”, trưởng chiến lược đầu tư trái phiếu của công ty NatAlliance Securities LLC, ông Andrew Brenner, nhận định.

Trong bối cảnh như vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda, quan chức cấp cao nhất phụ trách vấn đề tỷ giá của nước này, tiếp tục nhắc lại rằng nhà chức trách đang theo dõi thị trường tiền tệ với một tinh thần cấp bách và sẵn sàng can thiệp bất kỳ lúc nào.

Citigroup ước tính Nhật Bản còn khoảng 200 - 300 tỷ USD để tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối

Citigroup ước tính Nhật Bản còn khoảng 200 - 300 tỷ USD để tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối

Trước việc đồng yên liên tục giảm sâu và phá kỷ lục “mất giá” trong gần 4 thập kỷ, Citigroup ước tính nền kinh tế lớn thứ hai châu Á còn khoảng 200 - 300 tỷ USD để tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dù Nhật Bản có can thiệp vào thị trường lần nữa thì hiệu quả mang lại cũng không đáng kể.

“Tôi không cho là việc can thiệp có thể mang lại kết quả chừng nào Fed chưa thực sự nới lỏng chính sách tiền tệ của họ. Trong bức tranh lớn, nhu cầu đối với đồng USD cần giảm xuống. Để có được điều đó, lãi suất ở Nhật phải đủ cao, hoặc lãi suất ở Mỹ phải đủ thấp. Hiện tại, cả hai yếu tố này đều không tồn tại”, chiến lược gia trưởng Bob Savage của công ty BNY Mellon Capital Markets nhận định.

Ông Dominic Konstam, Giám đốc chiến lược vĩ mô của Mizuho Securities USA, nói với Bloomberg Radio rằng sự can thiệp của giới chức trách Nhật Bản cũng chỉ có thể “làm chậm quá trình yên rơi xuống đáy sâu nhất” khi chờ ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ. Ông phân tích: “Rắc rối của Nhật Bản là họ đang can thiệp sai hướng. Nhật Bản có kho dự trữ ngoại hối hữu hạn, họ không thể cứ chi hàng trăm tỷ USD để bảo vệ đồng nội tệ”.

Theo Bloomberg, các nhà quản lý quỹ vẫn đang đổ xô đặt cược vào sự mất giá của yên. Tuần trước, sự đặt cược này tăng lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi lại vào năm 2006 - theo Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC).

Kinh tế Nhật Bản đối mặt nhiều khó khăn

Tỷ giá đồng yên đang ở mức thấp nhất gần 40 năm so với đồng USD là một tin tốt với nền kinh tế nếu nhìn từ góc độ của ngành du lịch. Đồng yên yếu khuyến khích du khách nước ngoài thăm Nhật và mua sắm mạnh tay hơn trong chuyến đi. Trong quý 1/2024, du khách quốc tế đã chi tiêu 1,75 nghìn tỷ yên (11,1 tỷ USD) – một con số kỷ lục, theo số liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO).

Theo dữ liệu thống kê chính phủ được công bố tuần trước, trong ba tháng liên tiếp tới tháng 5, Nhật đã đón hơn 3 triệu du khách. Tháng 5, lượng du khách quốc tế tới Nhật tăng 60% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,6% so với tháng 5/2019. Năm 2019, nước này đón lượng du khách kỷ lục 31,9 triệu lượt ngay trước khi hạn chế nhập cảnh để phòng dịch.

Ngành du lịch Nhật Bản hưởng lợi do đồng yên xuống thấp

Ngành du lịch Nhật Bản hưởng lợi do đồng yên xuống thấp

Tuy nhiên, đồng yên yếu là con dao hai lưỡi, tuy mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty xuất khẩu, phát triển ngành du lịch nhưng lại khiến các doanh nghiệp nhập khẩu (dựa vào năng lượng, lương thực và nguyên liệu nước ngoài) chịu tổn thất nặng nề. Quốc đảo này phải nhập khẩu nhiều hàng hóa và nguyên liệu thô, trong đó hầu hết được định giá bằng đồng USD, khiến nhiều mặt hàng trong nước trở nên đắt đỏ hơn.

Song, đồng yên yếu là con dao hai lưỡi ảnh hưởng tới kinh tế Nhật Bản...

Khó khăn lớn nhất kinh tế Nhật Bản đang đối mặt là tiêu dùng cá nhân sụt giảm do giá hàng tiêu dùng tăng vọt. Thu nhập của người dân cũng tăng nhưng không theo kịp lạm phát. Tỷ lệ lạm phát năm 2024 dự báo khoảng 3%, trong khi lương thực tế trong tháng 1/2024 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng yên mất giá không chỉ làm sụt giảm tiêu dùng cá nhân của người Nhật mà còn dẫn tới “chảy máu” lao động lành nghề. Nhiều công nhân lành nghề của Nhật Bản đang chuyển tới Mỹ và châu Âu, nơi họ nhận được lương cao hơn khi làm cùng loại công việc.

Trong buổi thuyết trình tại Thượng Hải hồi tháng trước, ông Masato Sampei, Chủ tịch công ty hỗ trợ tuyển dụng nhân sự Asia to Japan, đã nhận được câu hỏi từ một sinh viên rằng: "Liệu mức lương 3 triệu yên/năm (khoảng 19.100 USD/năm) có đủ để trang trải cuộc sống ở Tokyo?". Khi ông Sampei giải thích về chi phí sinh hoạt ở Tokyo và mức lương khởi điểm thường thấy tại các công ty Nhật Bản, nét mặt của các sinh viên trở nên ảm đạm. Đây là một sự thay đổi lớn so với khoảng 10 năm trước, khi mức lương tiềm năng tại các công ty Nhật Bản từng là chủ đề thu hút sự chú ý.

Ông Sampei cho rằng đồng Yên sụt giảm gần đây là một đòn giáng vào nền kinh tế vì điều này khiến việc tuyển dụng sinh viên tài năng từ các khu vực lân cận như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc khó khăn.

Tuy nhiên đồng yên mất giá cũng khiến nền kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh

Tuy nhiên đồng yên mất giá cũng khiến nền kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh

Mức lương của Nhật Bản vốn đã thấp so với các nước phát triển khác. Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình của Nhật Bản tính bằng đồng USD xếp thứ 25 trong số 38 quốc gia. Con số này thậm chí còn bị tụt hậu so với các quốc gia như Slovenia và Lithuania kể từ khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ.

Với các nhà đầu tư, sự trượt giá của đồng yên cũng đã trở thành vấn đề. Chỉ số chứng khoán chủ chốt của Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225, hiện cao hơn khoảng 16% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản đang thấy lợi nhuận của họ giảm đáng kể, do hiệu ứng của sự giảm giá của đồng yên. Các cổ phiếu tiêu chuẩn của Nhật Bản tạo ra ít lợi nhuận hơn so với các cổ phiếu “blue-chip” của Đức…

Người lao động và doanh nghiệp Việt “kẻ khóc người cười”

Không chỉ giảm giá mạnh so với đồng USD của Mỹ, so với tiền Việt Nam, đồng Yên Nhật cũng mất giá khá nhiều, khoảng hơn 6%. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, cuộc sống của lao động Việt Nam ở Nhật Bản. Đặc biệt, do chịu thiệt hại nặng nề, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hợp tác cùng doanh nghiệp phía Nhật Bản cho hay, họ cũng phải chuyển hướng, tìm những phương án hợp tác từ các thị trường khác để thay thế.

Chị Nguyễn Thị Bích (quê Hà Nam) hiện đang là lao động làm việc tại tỉnh Hokkaido (Nhật Bản) cho biết trước đây, 1 Yên đổi được hơn 208 đồng, hiện nay chưa được 160 đồng, tương ứng mức giảm khoảng hơn 6%.

Nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng gặp khó khi đồng yên giảm mạnh so với USD

Nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản cũng gặp khó khi đồng yên giảm mạnh so với USD

“Giờ đây thu nhập chẳng khác Việt Nam là mấy. Đã nửa năm nay, tôi không gửi tiền về cho gia đình”, chị Nguyễn Thị Bích (người lao động tại Nhật, quê Hà Nam)

Trong khi đó, khoảng hơn một năm nay, tại công ty mà chị Bích đang làm việc không có chế độ tăng ca nên thu nhập bị hạn chế rất nhiều. Sau khi quy đổi sang tiền Việt với tỷ giá hiện nay, tổng thu nhập hàng tháng của chị Bích chỉ khoảng hơn 16 triệu đồng/tháng.

"Bình thường lao động Việt sang Nhật mong chờ rất nhiều vào việc tăng ca. Trong 1 giờ làm tăng ca đêm của ngày lễ, lương sẽ tăng 135%, còn ngày bình thường là 125% nhưng từ lâu rồi công ty tôi không còn việc làm thêm. Càng đi làm, giá trị đồng yên càng giảm, giờ đây thu nhập chẳng khác Việt Nam là mấy. Đã nửa năm nay, tôi không gửi tiền về cho gia đình trừ khi nhà có việc quan trọng", chị Bích nói.

Tình trạng khó khăn tương tự cũng là bối cảnh chung của nhiều người Việt đang lao động và làm việc tại Nhật thời điểm này.

Với thời gian 5 năm làm việc tại Nhật Bản, chị Kiều Thị Vân làm chế biến thực phẩm tại tỉnh Chiba, Nhật Bản cho hay đang lên kế hoạch quay về Việt Nam làm ăn. Chị Vân cho biết, 2 năm qua, đồng yên giảm giá, chi phí tiền ăn, nhà trọ ngày càng tăng, thu nhập hạn hẹp khiến cuộc sống trở nên khó khăn.

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Nhật Bản cũng đối mặt nhiều thách thức, khó khăn bởi biến động tỷ giá của đồng yên

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Nhật Bản cũng đối mặt nhiều thách thức, khó khăn bởi biến động tỷ giá của đồng yên

“Nếu một thời gian nữa không có sự tiến triển, tôi quyết định về Việt Nam và tìm hướng làm ăn khác" - chị Kiều Thị Vân, một lao động khác đang làm việc tại Nhật.

"Chi phí sinh hoạt cao, tính riêng thực phẩm giá đã cao gấp 3-4 lần tại Việt Nam. Trong khi tiền làm ra không được bao nhiêu, nên tiền dư để gửi về cho gia đình không còn được nhiều như xưa. Tôi sẽ chờ đến cuối năm, nếu không có sự tiến triển, tôi quyết định về Việt Nam để tìm hướng làm ăn khác" - chị Vân nói.

Nếu như người lao động khó khăn một thì các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động sang thị trường này khó khăn gấp nhiều lần. Ông Nguyễn Thanh B., Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động (quận Hà Đông, Hà Nội), cho biết, tính đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đối tác ở Nhật vẫn có việc làm đều, các bạn người Việt Nam lao động bên đó cũng vẫn đang làm ổn. Tuy nhiên, việc giá trị đồng yên xuống thấp trong thời gian qua đã ảnh hưởng ít nhiều tổng thu nhập của người lao động.

“Giá đồng yên thấp trong khi USD lại lên cao, khó khăn của doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động thị trường Nhật như chúng tôi khó chồng khó. Khoảng một năm trở lại đây, các hợp đồng đi Nhật giảm nhiều, đặc biệt việc tìm kiếm lao động đi làm thị trường này ngày càng khó khăn” – ông B. thông tin.

“Thực sự là khó chồng khó. Việc tìm kiếm lao động đi làm thị trường Nhật ngày càng khó khăn” – ông Nguyễn Thanh B., Chủ tịch HĐQT DN chuyên xuất khẩu lao động.

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp này, đồng yên giảm giá trong thời gian khá dài, khá nhiều người lao động và các doanh nghiệp hợp tác với Nhật đều hy vọng điều đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng gần 2 năm trôi qua tình hình không được cải thiện.

Để duy trì và tìm kiếm đầu ra cho người lao động trong nước, ông B. cho hay đang từng bước chuyển hướng và mở rộng sang Hàn Quốc, Đài Loan và các nước châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang nỗ lực mở rộng thị trường ngoài Nhật Bản

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang nỗ lực mở rộng thị trường ngoài Nhật Bản

“Cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này, tôi và một số anh em sẽ sang Hàn Quốc để tiếp tục đàm phán cho kế hoạch hợp tác cung cấp người lao động sang các doanh nghiệp nước này” – vị Chủ tịch nói thêm.

Giá trị đồng yên Nhật giảm sâu, khiến doanh nghiệp gia công xuất khẩu phần mềm cho đối tác Nhật cũng phải đối mặt hiện trạng giảm doanh thu. Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Quang L., Tổng Giám đốc một công ty phần mềm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thẳng thắn cho biết doanh nghiệp của ông cũng bị giảm doanh thu VND tương đương với mức độ giảm giá của đồng yên.

Bàn về giải pháp đối phó với sự suy giảm doanh thu khi đồng yên giảm giá, ông L. phân tích: "Doanh nghiệp nhỏ thường ít khách hàng, kế hoạch kinh doanh ổn định lâu dài nên chỉ cần tăng giá ở mức tương đương trong các đơn hàng gia công xuất khẩu phần mềm là xong. Còn với những doanh nghiệp lớn thì không đơn giản như vậy, khi đã có nhiều khách hàng hợp tác kinh doanh trong suốt nhiều năm thì giải pháp chỉ có thể là kiên nhẫn, tiết kiệm chi phí và từng bước đề xuất tăng giá dần dần để giảm thiệt hại. Đồng thời cũng phải tìm các giải pháp song song như mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác là các nước khác"...

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ nghịch với giá trị đem lại cho doanh nghiệp Nhật, việc giảm giá đồng Yên khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm Việt Nam đang thực hiện các đơn hàng gia công xuất khẩu phần mềm cho khách hàng, đối tác Nhật Bản phải đối mặt với câu chuyện giảm doanh thu. Càng là "ông lớn" sở hữu những hợp đồng khủng thì nguy cơ mất tiền càng nhiều.

Tuy nhiên, việc đồng yên giảm giá đang khiến nhiều mặt hàng tại các siêu thị bán đồ Nhật giảm giá bán từ 15 - 20%. Anh Nguyễn Thái Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mới mua một bộ golf từ Nhật có giá 30 man. Nếu quy đổi ra VND, trước đây khoảng 60 triệu nhưng hiện chỉ còn gần 50 triệu” – anh Nam cho hay. Bên cạnh đó, những công ty lữ hành và người Việt sang Nhật du lịch thời điểm này cũng được hưởng lợi, chi phí sẽ rẻ đáng kể do đồng yên giảm giá.

Đồng Yên mất giá kỷ lục: Người lao động và doanh nghiệp Việt “kẻ khóc người cười” - 8

Hồng Hương – Trung kiên

Thứ Hai, ngày 01/07/2024 13:07 PM (GMT+7)
Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])