Dòng tiền đầu tư sẽ đi đâu sau động thái Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu?
Ngày 6/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện đáo hạn cho lô tín phiếu cuối cùng trong đợt phát hành có tổng quy mô 360.345 tỷ đồng bắt đầu từ tháng 9. Động thái này đã chấm dứt việc hút tiền qua tín phiếu, hạ lãi suất liên ngân hàng, song lại mở ra hướng đi tích cực cho kênh cổ phiếu dịp cuối năm.
Sau kỳ huy động tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng trở lại mức thấp
Đứng trước bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, NHNN đã tiến hành phát hành tín phiếu bắt đầu từ ngày 21/9 đến 9/11 gồm 35 phiên liên tiếp với tổng giá trị 360.345 tỷ đồng. Mục đích của đợt tín phiếu này là nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá. Ngoài ra, cũng nhờ có tín phiếu của NHNN, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của nền kinh tế trong quý 3 vừa qua đã tăng 3,9% so với quý trước. Vào cuối tháng 9, tổng lượng trái phiếu đang lưu hành đạt 108,6 tỷ USD.
Trên thực tế, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 4/12 là 0,16%/năm – tương đương giai đoạn tiền rẻ duy trì trong giai đoạn COVID. Áp lực tỷ giá giữa đồng USD và VND cũng được “hạ nhiệt” nhờ việc FED tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo, nên NHNN có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế và không cần thiết phải sử dụng công cụ tín phiếu để hỗ trợ tiền đồng nên. Vì vậy, ngày 6/12, NHNN đã tiến hành đáo hạn lô tín phiếu cuối cùng trị giá 5.000 tỷ đồng, trả lại cho hệ thống ngân hàng toàn bộ số tiền đã hút về qua kênh tín phiếu, đưa lượng lưu hành về mức 0.
NHNN cho biết đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, tương đương với mức tăng 11,2% so với cùng kỳ. Như vậy, tín dụng đã bắt đầu cho thấy sự phục hồi khi lần đầu tiên kể từ tháng 2/2023, tăng trưởng tín dụng đạt mức tăng 2 con số. Mức tăng trưởng này tuy thấp hơn so với mục tiêu là 14% nhưng được giới chuyên gia đánh giá là phù hợp với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 6,5% trong năm 2023. Tại thời điểm hiện tại, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp 0,15%. Chênh lệch giữa lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm ở mức -500 điểm cơ bản.
Kênh cổ phiếu với nhiều tiềm năng dịp cuối năm
Để chuẩn bị cho thời kỳ cao điểm cuối năm, Chính phủ đã tổ chức "Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô" diễn ra ngày 7/12 vừa qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho NHNN 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong tăng trưởng tín dụng. Trong đó, nhóm thứ chín bao gồm việc phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ngay lập tức, thị trường chứng khoán tuần qua đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ với khối lượng có xu hướng gia tăng đột biến trong một số phiên trong tuần cho thấy dòng tiền đã có xu hướng quay trở lại. Chỉ số VN-Index nhiều phiên kết ở mức xanh, được dự báo có thể tiếp tục duy trì xu hướng tích lũy và đi lên từ từ nhằm hướng tới vùng kháng cự 1.140 - 1.150 điểm trong những tuần cuối tháng 12. Ngày 8/12, UOB đã công bố dự báo về mức tăng trường 7% của kinh tế Việt Nam trong quý IV nhờ sự cải thiện trong hoạt động xuất nhập khẩu thương mại, sản xuất và tiêu dùng nội địa, sau thời gian gặp khó khăn. Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,1% so với cùng kỳ trong tháng 11 từ mức 7,0% trong tháng 10 và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 5.
Được biết, thời điểm cuối năm cũng là “mùa vụ” sôi động của ngành bán lẻ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn, tiêu biểu là WinCommerce, công ty thành viên của Masan Group. Đơn vị này cho biết nhu cầu mua sắm các tháng cuối năm thường tăng cao hơn các tháng khác trong năm, trung bình tăng 20%. Tập đoàn này tuần qua cũng vừa đón nhận thêm thông tin tích cực khi Bain Capital, quỹ đầu quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới đã gia tăng khoản đầu tư vốn cổ phần vào Masan Group lên 250 triệu USD. Cổ phiếu MSN đã chứng kiến sự gia tăng cả về điểm số và khối lượng thanh khoản trong tuần qua với 4/5 phiên đóng cửa ở sắc xanh, sự chú ý từ các nhà đầu tư.
Nguồn: [Link nguồn]