Đồng tiền bitcoin sẽ thay thế vàng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Không có những thế mạnh vật chất tương tự vàng nên đồng bitcoin khó có thể trở thành phương tiện dự trữ giá trị cho người sở hữu.

Những ngày gần đây, bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới với hơn 360 tỉ USD liên tiếp lập đỉnh mới. Sau khi vượt mốc lịch sử 20.000 USD, đồng tiền này tiếp tục bật lên mốc 23.650 USD/bitcoin, tương đương 550 triệu đồng/bitcoin. 

Vàng đã có một lịch sử giao dịch lâu đời, được giới tài chính đánh giá là một kênh trú ẩn an toàn Ảnh: THÙY LINH

Vàng đã có một lịch sử giao dịch lâu đời, được giới tài chính đánh giá là một kênh trú ẩn an toàn Ảnh: THÙY LINH

Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá đồng tiền này đã tăng trên 300% giá trị. Trong khi giá vàng tăng khoảng 25% so với đầu năm. 

Bùng nổ trào lưu tiền kỹ thuật số 

Giới phân tích nhận định đồng tiền kỹ thuật số bùng nổ thời gian gần đây do có nhiều yếu tố hỗ trợ. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và các gói tài chính với quy mô lớn chưa từng có nhằm kích thích kinh tế liên tục bung ra khiến các nhà đầu tư lo ngại lạm phát. Từ đó, họ có nhu cầu dịch chuyển dòng tiền vào vàng, chứng khoán, mà nhất là đồng bitcoin. 

Thêm nữa, các định chế tài chính lớn trên thế giới đang dần đón nhận đồng tiền kỹ thuật số trong năm nay. Chẳng hạn, mới đây mạng thanh toán nổi tiếng toàn cầu PayPal hiện có khoảng 346 triệu tài khoản đang hoạt động, cho phép khách hàng được mua bán bitcoin. 

Đặc biệt, khác với trước đây, tiền kỹ thuật số bị phản đối thì giờ đây, góc nhìn của nhiều ngân hàng trung ương tại nhiều nước trên thế giới đã thay đổi. Ví dụ, Singapore mới đây đã chính thức khai trương sàn giao dịch số đầu tiên mang tên DBS Digital Exchange dành cho các đồng tiền định danh do ngân hàng trung ương phát hành và tiền kỹ thuật số. 

Sàn giao dịch số này được xem là bước đi chiến lược để đón làn sóng đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số. Tại sàn này, các nhà buôn, nhà môi giới có thể chuyển đổi giữa các đồng đôla của Singapore, Mỹ, Hong Kong cùng đồng yen Nhật Bản với bốn loại tiền số gồm bitcoin, ethereum, bitcoincash và XRP. 

Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Campuchia… cho biết đang xem xét, thử nghiệm hoặc phát hành các loại tiền kỹ thuật số. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số vào năm 2021. 

Một số nước đã chấp nhận đồng tiền ảo bitcoin. Ảnh: T.L

Một số nước đã chấp nhận đồng tiền ảo bitcoin. Ảnh: T.L

Phân vân giữa bitcoin với vàng

Giá trị của đồng bitcoin ngày càng gia tăng, phổ biến và đang dần được thừa nhận là một loại tài sản trên thị trường thế giới. Chính vì vậy, thị trường đang dấy lên dự báo rằng đồng bitcoin sẽ thay thế vàng trong tương lai. 

Anh Tuấn Minh (quận Tân Bình, TP.HCM), nhà đầu tư vào tiền kỹ thuật số, nhận định rằng: “Vàng thực sự là tài sản an toàn của thế giới trong quá khứ nhưng bây giờ nó đang được thay thế bằng các tài sản như bitcoin”.

Nhiều nhà đầu tư, tổ chức trên thế giới cũng có góc nhìn tương tự. Ông Rick Rieder, Giám đốc điều hành Quỹ BlackRock của Mỹ, cho rằng đồng tiền bitcoin có tiềm năng thay thế vàng ở mức độ rất lớn trong việc giữ giá trị tài sản. “Giao dịch bitcoin có nhiều chức năng hơn dịch chuyển một thỏi vàng” - ông nói.

Ngân hàng JPMorgan cũng đánh giá: Giới trẻ đang ngày càng hào hứng dùng bitcoin khiến đồng tiền kỹ thuật số chứa đựng hai giá trị cốt lõi vừa là phương tiện thanh toán, vừa bảo toàn được giá trị. Thực tế, nhiều quỹ đầu tư đang thoát vàng để lấy tiền đầu tư vào thị trường tiền kỹ thuật số. 

Chẳng hạn, kể từ ngày 6-11 đến nay, các quỹ đầu tư vàng lớn đã bán ra 93 tấn vàng, tương đương giá trị khoảng 5 tỉ USD. “Sự tăng giá đáng kể của bitcoin đã giúp nó vượt mặt vàng là một loại tiền tệ có thể thay thế về giá trị” - Ngân hàng JPMorgan cho biết.

Chỉ là tài sản đầu cơ, rủi ro rất lớn

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh chia sẻ: Từ năm đến sáu năm trước đã có quan điểm cho rằng bitcoin sẽ là phiên bản hai của vàng vật chất. Bởi họ nhận định vàng vật chất được nhà đầu tư cá nhân cũng như nhà đầu tư tổ chức tích trữ, đầu tư nhằm phòng ngừa rủi ro về lạm phát, sự mất giá của tiền tệ và bitcoin cũng được xem là có những giá trị tương tự. 

Tuy nhiên, bản thân đồng bitcoin không có tiềm năng, không tạo ra giá trị để ứng dụng trong thực tế và việc tăng giá của đồng tiền này chỉ do yếu tố tích trữ đầu cơ mà ra. Những người đang sở hữu đồng bitcoin tại Việt Nam chỉ mua và chờ tăng giá để hưởng chênh lệch, chứ không ai sử dụng nó như một phương tiện thanh toán. 

“Đã có ai lấy đồng bitcoin ra để mua phở, cà phê, rau muống… bao giờ chưa? Hơn nữa, giá trị của đồng bitcoin vô cùng lớn, có thời điểm tương đương trên 550 triệu đồng thì liệu có ông chủ nào sử dụng nó để chi trả tiền lương? Còn nếu xé nhỏ ra thì các mức phí chuyển đổi cũng rất tốn kém và người nhận cũng không thể tiêu xài rộng rãi được” - ông Khánh đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng khẳng định: Dù có tăng giá đến mức nào đi nữa thì loại tiền kỹ thuật số cũng không thể thay thế cho vàng. Bởi lẽ vàng là vật chất không bao giờ thay đổi và cho dù năng lực sản xuất vàng có tăng đến đâu thì số lượng vàng sản xuất mới cũng chỉ chiếm tỉ lệ không đáng kể so với khối lượng vàng hiện hữu. Điều đó có nghĩa là vàng không thay đổi nguồn cung bao nhiêu. 

Do đó, vàng vẫn sẽ là phương tiện dự trữ giá trị cho những người sở hữu. Đây là lý do các quốc gia trên thế giới vẫn gia tăng nguồn dự trữ vàng trong nhiều năm trở lại đây và chưa có động thái bán ra. Trong khi đó, đồng bitcoin hoàn toàn không có những tính năng tương tự vàng nên không có chuyện nó sẽ thay thế vàng vật chất.

Hơn nữa, vàng đã có một lịch sử giao dịch lâu đời và được giới tài chính đánh giá là một kênh trú ẩn an toàn, chứ không phải là bitcoin. Đó là chưa kể rủi ro từ tiền kỹ thuật số là quá lớn.•

 Nhà đầu tư không được bảo vệ

 Dù đã khuyến cáo rất nhiều nhưng số lượng nhà đầu tư Việt Nam lao vào lĩnh vực tiền kỹ thuật số, trong đó có đồng bitcoin nói riêng và các loại tiền ảo nói chung vẫn không ngừng tăng. 

Phần lớn những nhà đầu tư đổ vốn vào tiền ảo đều vì lòng tham, muốn làm giàu nhanh. Chỉ đến khi họ bị mất trắng, bị lừa đảo thì mới la lên. Thực tế, trước đây khi đồng bitcoin tăng phi mã đã xảy ra nhiều hệ lụy như lừa đảo kiểu đa cấp, huy động vốn trái phép.

Tại Việt Nam, hoạt động giao dịch liên quan đến tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Do vậy, nhà đầu tư đều phải tự mình gánh chịu mọi rủi ro mà không được bảo vệ.

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế 

Giá Bitcoin tăng phi mã có ảnh hưởng đến giá vàng không?

Theo Goldman Sachs, Bitcoin không phải là mối đe dọa đối với vị thế của vàng. Ngân hàng cho biết đợt bán tháo vàng gần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÙY LINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN