Đóng bảo hiểm xã hội cao được hưởng lương hưu cao?
Góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, một số cơ quan, đơn vị đề xuất tính toán lại mức đóng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo luật là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu quan điểm ngược lại.
Nêu quan điểm liên quan tới tỷ lệ tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá: Chính sách BHXH ở mỗi quốc gia được thiết kế khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, lịch sử của mỗi nước.
Một số quốc gia quy định các chế độ bảo hiểm ngắn hạn, như bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau, thai sản... không thực hiện đóng vào quỹ BHXH. Các quỹ này hoàn toàn do người sử dụng lao động bỏ chi phí chi trả khi người lao động bị ốm đau, thai sản (như Malaysia, Singapore...); hoặc khi người lao động bị thất nghiệp (như Philippines và Singapore chưa thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp).
Tỷ lệ tiền lương tính đóng BHXH ở Việt Nam thuộc diện cao nhất khu vực, nhưng số lương tuyệt đối tính đóng lại rất thấp, nên không thể giảm.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức đóng BHXH gồm tỷ lệ đóng và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trên cơ sở: Tương quan, phù hợp với mức hưởng các chế độ BHXH; giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH; thời gian đóng và thời gian hưởng, độ bao phủ của các chế độ BHXH.
Tổng tỷ lệ đóng các loại bảo hiểm của người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam hiện bằng 32% tiền lương tháng. Trong đó, đóng BHXH bắt buộc bằng 25,5% tiền lương (người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17,5%); đóng BHYT là 4,5% (người lao động đóng 1,5%, người lao động đóng 3%); đóng Bảo hiểm thất nghiệp 2% (người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1%).
Với tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam kể trên, xét về số tương đối là cao so với các nước trong khu vực, chỉ sau Singapore (tỷ lệ đóng 37%). Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới, khi mức hưởng lương hưu tối đa bằng 75% tiền lương tính đóng, trong khi lương hưu các nước chỉ bằng khoảng 40% tiền lương tính đóng.
Dù tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao, nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không cao (bình quân năm 2022 là 5,73 triệu đồng/tháng), nên mức lương hưu bình quân tại Việt Nam hiện chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2021, số người tham gia BHXH bắt buộc hơn 15 triệu người, lương bình quân tính đóng BHXH hơn 5,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2016).
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, việc tăng mức lương tính đóng BHXH thời gian qua nhờ Luật BHXH năm 2014 đã thay đổi cách tính tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và tăng lương tối thiểu vùng hằng năm. Cụ thể, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động. Điều này cho thấy việc tăng trong thu BHXH hằng năm không thể hiện được mối liên kết với công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH và không thể sử dụng mức tăng trong thu BHXH như là một chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Giai đoạn 2016-2021, qua so sánh số liệu do Tổng Cục thống kê công bố hàng năm, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc bằng khoảng 75-76% thu nhập thực tế của người lao động.
“Như vậy, việc đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng BHXH, đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH, lương hưu. Điều này dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ BHXH của người lao động sẽ còn thấp hơn so với hiện hành, nên không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay”, Bộ LĐ-TB&XH nêu quan điểm.
Cùng với đề xuất sửa đổi quy định liên quan tới chế độ bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi còn đưa ra 5 quyền lợi mới mà người lao...
Nguồn: [Link nguồn]