Doanh thu tăng gần 5 lần, Vietnam Airlines lỗ 2.547 tỉ đồng trong quý 3

Quý 3 năm nay, Vietnam Airlines báo lỗ 2.547 tỉ đồng, giảm so với con số của quý 3 năm ngoái (3.531 tỉ đồng).

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu đạt 21.267 tỉ đồng, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (4.754 tỉ đồng). Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ bắt đầu dương trở lại với 165 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 3.011 tỉ đồng).

Tuy nhiên, các chi phí đều tăng, trong đó chi phí tài chính tăng gấp 3 lần lên 1.464 tỉ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng gấp 3 lần lên 851 tỉ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 44% lên 503 tỉ đồng.

Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ 2.547 tỉ đồng trong quý 3, giảm so với con số của quý 3 năm ngoái (3.531 tỉ đồng).

Theo Vietnam Airlines, đây là kết quả bước đầu khả quan sau khi triển khai hàng loạt các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh COVID-19, cải thiện kết quả sản xuất, kinh doanh và bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính như tỉ giá, lãi suất gia tăng nên hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022.

Tại thời điểm ngày 30-9, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.576 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu âm 7.511 tỉ đồng và lỗ lũy kế 31.547 tỉ đồng.

Theo Đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất.

Trong đó có việc cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính dể gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức lương của lãnh đạo Vietnam Airlines hiện ra sao

Cũng tại báo cáo này, Vietnam Airlines cho biết tổng tiền lương và thù lao của HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Điều hành 9 tháng là 6,4 tỉ đồng, bằng 79,4% so với cả năm 2021 (3,6 tỉ đồng).

Trong đó, tiền lương bình quân của HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành 9 tháng qua là 60 triệu đồng/người/tháng. Thù lao bình quân của HĐQT, Ban Kiểm soát là 10,3 triệu đồng/người/tháng.

Người nhận mức tiền lương, thù lao cao nhất HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành là Tổng giám đốc Lê Hồng Hà với gần 699 triệu đồng trong 9 tháng (gần 78 triệu đồng/tháng). Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa đứng thứ hai với hơn 592 triệu đồng (gần 66 triệu đồng/tháng).

3 Phó tổng giám đốc là Trịnh Ngọc Thành, Trịnh Hồng Quang, Nguyễn Chiến Thắng và Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền có mức lương, thù lao 562 triệu đồng (trên 62 triệu đồng/tháng)

Trưởng Ban Kiểm soát bà Nguyễn Thị Thiên Kim và 2 thành viên HĐQT là ông Tạ Mạnh Hùng và ông Lê Trường Giang nhận lương, thù lao 495 triệu đồng trong 9 tháng (55 triệu đồng/tháng)

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28-6, đại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines dự kiến quỹ tiền lương, thù lao của lãnh đạo doanh nghiệp trong năm nay ở mức 4,15 tỉ đồng. Trong đó, quỹ tiền lương là hơn 3,6 tỉ đồng, còn quỹ thù lao là 552 triệu đồng.

Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa cho biết năm 2020, thu nhập của cán bộ công nhân viên của Vietnam Airlines chỉ bằng 60% so với năm 2019. Năm 2022, khi thị trường đang phục hồi, Vietnam Airlines cũng cố gắng đảm bảo thu nhập của cán bộ công nhân viên bằng 65% so với năm 2019.

Vietnam Airlines báo cáo cấp có thẩm quyền việc tách riêng tiền lương của phi công do theo quy định quỹ tiền lương không thay đổi, trong khi phi công là lao động đặc thù, kỹ thuật cao nên nếu tăng lương phi công thì quỹ lương chung không có nguồn bổ sung. Vì vậy, phải tách lương của phi công thì mới có thể tăng được thu nhập cho các cán bộ, công nhân viên và người lao động khác.

Hiện nay, 30% người lao động của Vietnam Airlines đang nghỉ việc dài hạn, hợp đồng lao động phải tạm dừng. Lực lượng lao động còn lại được chi trả lương theo khả năng, đóng góp và áp dụng biện pháp giảm lương cố định, tăng lương hiệu quả công việc.

Lợi nhuận Gelex đi lùi, hơn 1000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán

Sau giai đoạn tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, dư nợ trái phiếu của Gelex giảm mạnh so với thời điểm đầu năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Ngọc ([Tên nguồn])
Tin tức doanh nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN