Doanh thu bán nội thất về 0 vì Covid-19, giám đốc đi bán rau, livestream chốt 500 đơn/ngày
“Tôi đã thức cả đêm để suy nghĩ, làm sao để cứu doanh nghiệp của mình cùng với gần 100 nhân viên. Tôi ngồi họp online với các trưởng bộ phận mà vợ tôi ngồi cạnh bật khóc ngay tại chỗ, không dám họp với mọi người”.
Đó là chia sẻ của anh Vũ Trung Anh Rim, Giám đốc một doanh nghiệp khá tên tuổi chuyên về nội thất gia đình về những khó khăn mà mình đã gặp phải khi chứng kiến đợt dịch thứ 4 ập đến.
Đã từng vừa quản lý một chi nhánh ngân hàng với hơn 40 nhân viên vừa gây dựng thương hiệu về nội thất cho riêng mình từ năm 2017. Đến năm 2019, khi đội ngũ nhân sự của công ty riêng đạt đến con số 40 nhân viên, anh buộc phải đứng giữa 2 lựa chọn và anh đã chọn nghỉ việc ở ngân hàng để về kinh doanh riêng.
Là một Giám đốc của một doanh nghiệp chuyên về nội thất gia đình, anh Rim cũng đã gặp phải nhiều khó khăn khi dịch bệnh ập đến.
Khi đó, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nội thất của anh vừa có nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng, showroom bán hàng vừa bán online và mở các gian hàng kí gửi tại một số hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Vào tháng 3/2020, khi đợt dịch Covid-19 thứ nhất ập đến, chúng tôi phải đóng cửa toàn bộ showroom và các gian hàng tại hệ thống siêu thị đã khiến doanh số bán hàng sụt giảm đáng kể. Tôi quyết định chuyển sang bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Điều đó đã khiến doanh số của công ty tăng lên 5-6 lần chỉ trong vòng 1 tháng và vượt qua được khó khăn”, anh Rim chia sẻ.
Trải qua hơn 1 năm sống chung với đại dịch, chưa khi nào anh phải cắt giảm lương nhân viên vì anh nghĩ, khi không còn sự lựa chọn nào khác mới bắt buộc phải giảm. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ 4 ập đến, công ty gặp khó khăn gấp 10 lần năm trước vì lệnh giãn cách toàn thành phố, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động.
Mặt hàng kinh doanh nội thất gần như đóng băng, doanh số của công ty anh giảm đến 70%. Khi đó, anh quyết định co cụm nhân viên về hết kho và xưởng sản xuất để livestream bán hàng.
Để bán được hàng và giúp công ty vượt qua khó khăn, anh Rim đã trực tiếp bán hàng bằng việc livestream tại kho hàng.
“Tôi livestream liên tục, liên tục nhằm giúp khách hàng cảm nhận được sản phẩm thật và tiếp cận nhiều hơn với khách hàng. Có ngày livestream từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều giữa kho hàng nội thất 1.000m2. Thời tiết ngoài trời thì nắng nóng vô cùng. Tôi đứng livestream, anh em nhân viên đứng đằng sau hỗ trợ mặc dù không ai biết gì về Sale hay Marketing”, anh Rim nói.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần, thành phố ra chỉ thị mới, không được việc vận chuyển hàng không thiết yếu trên địa bàn thành phố. Những đơn hàng trên sàn Thương mại Điện tử cũng rất khó khăn khi họ chỉ đồng ý vận chuyển các sản phẩm dưới 6kg. Trong khi đó, đến 99% sản phẩm nội thất của doanh nghiệp anh có trọng lượng trên 6kg nên anh dừng luôn.
“Doanh số khi ấy gần như bằng 0. Trong đêm đó, tôi thức cả đêm để suy nghĩ, làm sao để cứu doanh nghiệp của mình bây giờ khi chi phí vận hàng mỗi tháng hết khoảng 1,5 tỷ đồng. Anh em nhân viên không có việc làm rồi sẽ lấy gì sinh sống? Vì vậy, tôi ngồi họp lại với các trưởng bộ phận và quyết định bán hàng thực phẩm”, anh Rim kể.
Anh Rim đã đánh cược hết uy tín của bản thân và thương hiệu mình gây dựng suốt hơn 4 năm để đi bán rau.
Nhận thấy quê vợ là Đà Lạt, có nguồn rau-củ-quả tươi ngon và dồi dào trong khi đây lại là mặt hàng thành phố đang thiếu. Vì vậy, anh đã quyết định cùng đội ngũ nhân viên bán rau-củ-quả và đặt mục tiêu trong 48 giờ phải có đơn hàng đầu tiên.
Bắt tay vào làm với suy nghĩ, ai giỏi gì làm đó, anh đứng ra thành lập các team chuyên trách như kỹ thuật vận hành, thu mua, vận chuyển và sơ chế. Trong 24 giờ, đội ngũ kỹ thuật đã thành lập được website có thể bán được hàng trên sàn thương mại điện tử, xin được giấy phép bán thực phẩm.
48 giờ, chuyến hàng đầu tiên từ Đà Lạt có mặt tại kho dã chiến và thực hiện các đơn hàng đầu tiên.
“May quá khách hàng thương, nhất là số khách hàng đã từng mua nội thất của bên tôi ủng hộ. Ngày đầu tiên vận hành là ngày 31/7, chúng tôi chốt được gần 500 đơn đặt hàng. Vừa đào tạo, hoàn thiện đội ngũ vừa bán hàng, suốt 10 ngày chúng tôi không mất một đồng Marketing nào luôn”, anh Rim bày tỏ.
Kho hàng nội thất chính là điểm tập kết hàng và là nơi đào tạo gấp rút nhân sự phục vụ công việc bán rau.
Ngay ngày đầu tiên vận hành bán hàng, hệ thống của anh Rim đã chốt được gần 500 đơn đặt hàng.
Ngày nào, anh cũng đi nhập hàng từ 10 giờ đêm đến 4 giờ sáng hôm sau. Hàng về đến kho rồi thì từ 4 giờ sáng đến 2 giờ chiều sẽ là thời gian chuẩn bị hàng, sơ chế và đi giao.
Gần 10 ngày, hầu như anh Rim không thể ngủ vì hệ thống vận hành chưa ổn định, đơn đặt hàng quá nhiều mà khâu vận chuyển, giao hàng vẫn chưa được như mong đợi.
“Tôi đặt cược hết uy tín của bản thân tôi và thương hiệu nội thất tôi gây dựng suốt hơn 4 năm qua để bán rau. Nếu khách hàng không hài lòng điều gì thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tôi nhưng đây là lựa chọn từ đầu của mình nên tôi phải chấp nhận”, anh Rim nói.
Anh là người trực tiếp bán hàng.
Và cả giao hàng.
Anh Rim cho biết, giao nhân viên đi nhập hàng thì ở trong kho, anh ở lại nhưng không ngủ được cứ đi ra đi vào. Nghĩ đến anh em có được ngủ đâu mà mình ngủ. Chờ anh em về rồi lại sơ chế, chia đơn.
Thậm chí sau khi hệ thống đi vào ổn định rồi, anh thì ngủ được nhưng có những anh em lại chỉ chợp mắt mỗi ngày 1-2 giờ mà không ai ép buộc. “Toàn những người anh em hiền lành, chất phác, hết mình vì doanh nghiệp khiến tôi cảm động vô cùng”, anh Rim bộc bạch.
Sau 10 ngày hoạt động ổn định, anh Rim mới bắt đầu chạy quảng cáo, liên hệ lại khách hàng cũ để bán. Với khoảng 500 đơn hàng/ngày, công ty anh Rim hiện tại tiêu thụ được khoảng 5 tấn thực phẩm/ngày, tạo công ăn việc làm cho nhân viên, duy trì dòng tiền, đủ bù chi phí vận hành.
Toàn bộ nhân viên giao hàng đều mặc quần áo bảo hộ y tế, sát khuẩn thường xuyên và vận chuyển bằng ô tô đến các địa điểm bị phong tỏa.
Nói về khó khăn trong việc kinh doanh rau-củ-quả và thực phẩm tươi sống, anh Rim cho biết, bán thực phẩm rất khó khăn vì rau củ rất khó bảo quản và vận chuyển nhất là trong thời gian dịch bệnh phức tạp.
“Có ngày tôi phải đổ bỏ hơn 1 tấn rau củ vì bị hỏng do thời gian di chuyển từ Đà Lạt về TP.HCM nhiều khi không được thuận lợi, gấp đôi thời gian bình thường. Toàn bộ nhân viên cũng phải mặc quần áo bảo hộ y tế kín mít từ đầu đến chân, sát khuẩn thường xuyên và giao hàng đa phần bằng xe tải và ô tô, thanh toán online để hạn chế tiếp xúc”, anh Rim phân tích.
Ngoài tiếp nhận đơn hàng 24/24 giờ và giao hàng cả đến những khu phong tỏa, nơi mà các hộ dân không thể đi chợ, anh Rim cùng với các cộng sự của mình còn cùng nhau làm thiện nguyện, tặng thực phẩm, rau củ cho các khu phong tỏa, những người vô gia cư hoặc các hoàn cảnh khó khăn.
“Qua câu chuyện của mình, tôi muốn lan tỏa để một số người đang gặp khó khăn trong công việc kinh doanh sẽ nhìn thấy đâu đó một con đường mới cho mình trong thời điểm dịch bệnh này. Mình bán gì không quan trọng, thương hiệu đến từ con người, từ đội ngũ, từ văn hóa, miễn là mang lại giá trị cho bản thân và cộng đồng”, anh Rim bày tỏ.
Nguồn: [Link nguồn]
Khởi nghiệp khi còn đang là học sinh lớp 12, sau 3 năm, chàng trai này đã sở hữu 4 cửa hàng từ Bắc vào Nam, doanh thu trung...