Doanh nghiệp từng gây 'bỏng mắt' với dàn soái ca diễu phố báo lỗ lớn
Vua Nệm - một thương hiệu khá nổi tiếng cũng báo lỗ vài chục tỷ đồng năm 2022. Cuối tháng 11/2021, Vua Nệm từng tung màn quảng cáo gây “bỏng mắt” với dàn “soái ca" đạp xe đạp diễu hành trên các tuyến phố TPHCM.
Vua Nệm lỗ ra sao?
Công ty cổ phần Vua Nệm vừa có báo cáo sơ bộ thông tin tài chính năm 2022. Báo cáo không đưa ra con số doanh thu, nhưng hé lộ khoản lợi nhuận sau thuế âm 54,5 tỷ đồng của Vua Nệm năm 2022.
Việc thua lỗ liên tiếp khiến vốn chủ sở hữu của hãng chỉ còn 105 tỷ đồng, giảm 34% so với con số 160 tỷ đồng năm trước.
Vua Nệm từng có nhiều màn quảng cáo "bỏng mắt" (Ảnh: Vua Nệm).
Kéo theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu - 41,2%, trong khi năm trước vẫn là 5,2%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã tăng từ mức 0,8 (năm 2021) lên 2,8 (năm 2022). Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 1,42.
Vua Nệm là doanh nghiệp chủ yếu bán lẻ đệm, chăn, rèm, vật liệu phủ tường và sàn trong các cửa hàng chuyên doanh.
Khởi đầu chỉ với một cửa hàng bán nệm nhỏ trên phố Xã Đàn, Hà Nội, tính đến tháng 1/2021, Vua Nệm có tới 115 cửa hàng trên toàn quốc. Theo ghi nhận, nhiều cửa hàng của Vua Nệm có diện tích lớn, vị trí đắc địa. Việc thuê các cửa hàng có vị trí tốt nhưng khi nhu cầu mua sắm ảnh hưởng nhiều do dịch, doanh nghiệp khó tránh khỏi khó khăn.
Vua Nệm cũng từng nổi tiếng với nhiều chiến dịch quảng cáo. Hồi cuối tháng 11/2021, người dân tại TPHCM được dịp “bỏng mắt” với dàn “soái ca" đạp xe đạp diễu hành trên các tuyến phố. Đứng sau màn quảng cáo táo bạo này chính là Vua Nệm.
Trước đó, năm 2017, Mekong Capital đã rót vào Vua Nệm 58 tỷ đồng. Cú bắt tay này thúc đẩy Vua Nệm sáp nhập hai cái tên Dem.vn và Vuanem.com lại thành một thương hiệu duy nhất là Vua Nệm, như một cách tập trung và tối ưu hóa các nguồn lực.
Loạt tên tuổi bán lẻ lỗ khủng
Công ty CP Seedcom - một doanh nghiệp chưa đại chúng - cũng vừa có báo cáo về tình hình tài chính cơ bản bán niên 2022. Theo đó, trong nửa năm 2022, doanh nghiệp này báo lỗ tới 287 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 258 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cuối kỳ báo cáo là 278 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 4,38 lần, giảm so với con số 10,32 kỳ trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là âm 103%.
Được biết, Seedcom được thành lập năm 2014 với mục tiêu phát triển mô hình bán lẻ kiểu mới (new retail) - ứng dụng công nghệ ngành bán lẻ và sản xuất để mang đến trải nghiệm xuyên suốt từ online đến offline.
Doanh nghiệp này không chỉ đầu tư tài chính mà còn tham gia vào vận hành, phát triển sản phẩm và dịch vụ tại các công ty trong hệ sinh thái. Đến nay, Seedcom đang điều hành nhiều thương hiệu như The Coffee House, AhaMove, Giao Hàng Nhanh, Juno, Hnoss, Kingfoodmart, Haravan.
Là doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái bán lẻ gồm nhiều tên tuổi nổi tiếng nhưng tình hình kinh doanh của Seedcom những năm qua lại nhuốm màu ảm đạm, trong đó có phần hệ quả từ dịch COVID-19.
Trong đó, năm 2020, Seedcom lỗ ròng gần 193 tỷ đồng, năm 2021 lỗ ròng 240 tỷ đồng, nửa năm 2022 lỗ tới 287 tỷ đồng. Trong năm 2023, Seedcom đã trả tổng cộng 249.7 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu cho 2 lô trái phiếu.
Một doanh nghiệp khác khá nổi tiếng trong ngành thực phẩm là Công ty CP Cá tầm Việt Nam cũng báo lỗ năm 2022. Doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu là 162 tỷ đồng tính đến cuối năm 2022, giảm nhẹ so với con số 175 kỳ trước.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty Cá tầm Việt Nam là 10,2 lần. Trong khi dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 9,08. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu - 4%...
Nguồn: [Link nguồn]
Việt Nam chỉ còn 6 đại diện trong danh sách những tỷ phú USD thế giới. Khối tài sản của những tỷ phú USD Việt Nam cũng giảm mạnh cùng đà giảm của thị trường chứng khoán...