Doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu cả tỷ USD/ngày: chuyên gia lên tiếng
Chuyên gia kinh tế đưa ra một số lưu ý để tránh rủi ro trong đầu tư trái phiếu. - Báo Giao Thông
Agribank ngày 24/9 công bố phát hành tổng số 5 triệu trái phiếu trong đợt phát hành ra công chúng năm 2019 với kỳ hạn 7 năm. Ảnh: K.Linh
Theo thống kê hoạt động phát hành trái phiếu, tính đến 2/10, khoảng 83.800 tỷ đồng đã đổ vào thị trường trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8, chiếm gần 28% giá trị huy động từ đầu năm đến nay. Trong đó, 65.760 tỷ đồng trái phiếu được phát hành vào 10 ngày cuối tháng 8, riêng ngày 31/8 là 22.400 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Đây là kỷ lục về khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tính theo tháng và theo ngày.
Trả lời PV Báo Giao thông (10/10) về việc nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền mua trái phiếu doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, lý do nhà đầu tư đổ tiền ồ ạt vào trái phiếu là vì né một số quy định siết thị trường trái phiếu mới có hiệu lực.
Cũng theo ông Hiếu, những trái phiếu có lãi suất cao được ví như vẻ bề ngoài hào nhoáng, đó là là một dấu hiệu của "cạm bẫy" dành cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, không phải nhà đầu tư nào, nhất là các nhà đầu tư riêng lẻ, cũng có đủ khả năng nghiên cứu thị trường trái phiếu.
Do vậy, để giảm rủi ro trong đầu tư trái phiếu, ông Hiếu khuyên rằng, khi quyết định đầu tư phải nghiên cứu "sức khoẻ" của đơn vị phát hành. Nghiên cứu thông qua báo cáo tài chính, chiến lược thậm chí là phong thái, tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra có thể tham khảo các đơn vị môi giới, tư vấn thông qua kết quả nghiên cứu thị trường của họ.
Cùng với đó phải có các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng để giảm thiểu tối đa rủi ro. "Quan trọng nhất là phải có chiến lược rút lui. Khi cảm thấy không an toàn hoặc cần thiết phải bán đi được để thu hồi vốn. Đó là một kinh nghiệm quan trọng", ông Hiếu nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng phân tích, hầu hết doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, bản cáo bạch phát hành lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro lớn với nhà đầu tư là khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh.
Một rủi ro nữa là về thanh khoản, bởi thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển khiến người nắm giữ không dễ thoái vốn khi cần.
Cửa vay vốn ngân hàng hẹp lại, nhiều DN bất động sản tìm cách huy động tiền qua kênh trái phiếu để mở rộng kinh doanh...
Nguồn: [Link nguồn]