DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐUỐI SAU COVID-19: Đi thì dở, ở chẳng xong
Việc đồng nghĩa mất nguồn thu nhập chính khiến nhiều lao động lớn tuổi đối diện hàng tá khó khăn nhưng khó khăn lớn nhất của họ là tìm được việc làm mới
Một thực tế đáng buồn là đa phần lao động bị cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp (DN) thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là lao động nữ lớn tuổi. Phần đông trong số này là lao động nhập cư, phải ở nhà thuê trọ, cuộc sống khó khăn. Họ có thâm niên, có kinh nghiệm, tay nghề nhưng lại rất khó tiếp cận công việc mới...
Trụ lại chờ cơ hội
Thực tiễn từ việc cắt giảm lao động vừa qua tại nhiều DN ở TP HCM cho thấy mất việc khi đã lớn tuổi là nỗi lo thường trực của nhóm lao động dễ bị tổn thương này.
Nữ công nhân (CN) Nguyễn Thị Sương (45 tuổi) làm việc lâu năm tại Công ty TNHH Parapex (KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân). Dịch bệnh bùng phát khiến công ty mất đơn hàng, sản xuất đình trệ, buộc phải cắt giảm lao động từ tháng 4. Chị Sương cùng nhiều CN lớn tuổi khác bị cho nghỉ việc. Hai tháng lương hỗ trợ mất việc chẳng giúp nữ CN này bảo đảm cuộc sống tối thiểu, chi tiêu sinh hoạt.
Chị Nguyễn Thị Kiều cùng mớ rau cho bữa ăn tối. Kể từ khi bị cho thôi việc ở Công ty CP Giày da Huê Phong, chị chi tiêu rất tiết kiệm để lo cho các con .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Công ty hứa khi đơn hàng được phục hồi thì sẽ ưu tiên bố trí lại việc làm nhưng với tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp tục kéo dài thế này, việc trở lại làm việc là không khả thi" - chị Sương lo lắng.
Chị Sương vốn là mẹ đơn thân, từ khi vợ chồng đường ai nấy đi, chị gửi con ở nhà nội nhưng mọi chi phí sinh hoạt, học tập của con, chị một mình lo cả. Bản thân chị suốt nhiều năm vẫn ở tại căn phòng trọ vài mét vuông với giá thuê 500.000 đồng/tháng. Lúc trước, ngoài đi làm ở công ty, chị còn bán hàng online để có thể dành cho con mọi thứ tốt nhất. Giờ thì công việc cho thu nhập ổn định đã mất, việc buôn bán cũng chững lại. Chị Sương đang rơi vào ngõ cụt. Chị chia sẻ thêm: "Thời gian đầu khi nghỉ việc, tôi lên Củ Chi sống nhờ nhà trọ của người bạn. Tận dụng khoảnh đất nhỏ, tôi trồng rau củ để ăn, tiết kiệm được một khoản chi phí sinh hoạt trong lúc không có việc làm. Chờ khi tình hình ổn định, tôi tiếp tục lấy quần áo về buôn bán chứ giờ về quê thì lấy tiền đâu ra nuôi con và trả nợ".
Trường hợp của chị Lâm Thị Thanh (quê Trà Vinh) cũng tương tự chị Sương. Chị Thanh năm nay đã 46 tuổi, chồng bỏ đi, để lại cho chị 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Với đồng lương CN may, chị vẫn có thể trang trải được cho cả 3 mẹ con. Nhưng rồi "bão" Covid-19 cuốn phăng việc làm của chị. Những tháng thất nghiệp đã khiến cho cuộc sống vốn đầy tiếng cười của 3 mẹ con chị bị xáo trộn. Gửi 2 con về quê cho ông bà ngoại già yếu, chị quyết tâm bám trụ lại thành phố tìm cơ hội mới bởi ở quê đất đai không có, chị chẳng thể làm gì.
"Tôi vừa được nhận vào làm CN vệ sinh cho một tòa nhà, lương 3,6 triệu đồng nhưng chỉ làm từ 6 giờ sáng đến 14 giờ. Sau đó tôi đi lượm và mua ve chai. Cơ bản đã vượt qua chuỗi ngày 3 mẹ con chỉ ăn mì gói, cơm rắc bột nêm. Tháng này tôi sẽ gửi về quê một ít cho ông bà ngoại và chuẩn bị cho việc chuyển trường về quê cho các con. Khó khăn chắc còn dài dài nhưng không còn cách nào khác anh ạ" - chị Thanh bộc bạch.
Mong dịch bệnh sớm qua
Nhiều CN của Công ty CP Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp) cũng đang rơi vào cảnh khó khăn vì không tìm được việc làm mới sau khi bị cho thôi việc. Trong đó có nữ CN Nguyễn Thị Kiều, quê Quảng Nam.
Chị Kiều cho biết từ sau Tết, công ty buộc phải giảm giờ làm và cắt giảm lao động 2 lần do không có đơn hàng. Đợt cắt giảm đầu tiên không có tên chị nhưng công việc ít đi, lương giảm chỉ còn hơn 3,2 triệu đồng/tháng. Biết công ty khó khăn nên dù thu nhập không đủ chi tiêu cho 3 mẹ con, chị vẫn cố cầm cự. Thế nhưng, đến cuối tháng 6, công ty tiếp tục cắt giảm lao động đợt 2, lần này chị nằm trong danh sách.
"Rời khỏi nơi mình làm việc suốt 8 năm khi đã 41 tuổi nên tôi vô cùng lo lắng. Từ đó đến nay, tôi đã đi nhiều nơi tìm việc nhưng chưa có công việc nào phù hợp. Nhiều lúc nghĩ muốn về quê nhưng vì con gái lớn chuẩn bị lên lớp 12, lo con chuyển trường vào năm học quan trọng này sẽ khó thích nghi nên tôi phải cố gắng bám trụ, tìm mọi cách để xoay trở" - chị Kiều nói.
Chị Kiều còn kể lúc nghỉ việc, chị được công ty hỗ trợ 2 tháng tiền lương. Do chưa có việc làm nên chị phải dùng hết sức tiết kiệm với số tiền đó bởi chỉ tính riêng tiền nhà trọ, điện, nước mỗi tháng đã ngốn hết của chị hơn 1 triệu đồng. Giờ một mình chị nuôi con mà không có sự hỗ trợ gì từ chồng cũ nên để cầm cự, chị nhận hàng về gia công tại nhà. "Từ lâu rồi, tổng chi cho 3 bữa ăn sáng, trưa, tối của 3 mẹ con tôi không được vượt quá 50.000 đồng. Giờ tôi chỉ mong dịch bệnh sớm qua, có việc làm ổn định để bữa ăn của các con được cải thiện, có sức mà học tập" - chị Kiều rơm rớm nước mắt.
Sau khủng hoảng bởi dịch Covid-19, những trường hợp như chị Kiều không phải ít. Cuộc sống gia đình của hàng ngàn CN, lao động tự do khác bị mất việc đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Với lao động nữ lớn tuổi, họ đang tự cứu mình trong khe cửa hẹp. Vì thế, họ đang cần những cánh tay nối dài, tiếp thêm sức mạnh để cùng họ vượt khó khăn này.
Kỳ tới: Cùng chăm lo cho người mất việc
Dễ bị tổn thương hơn Đã có hơn 30 triệu người trên cả nước bị ảnh hưởng việc làm do dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng qua và theo dự báo con số này chưa dừng lại khi phải mất 1-2 năm nữa DN mới khôi phục sản xuất. Trong vòng xoáy thất nghiệp, từ khu vực kinh tế chính thức, sản xuất công nghiệp, một bộ phận lớn công nhân, lao động lớn tuổi sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm lao động phi chính thức, cuộc sống sẽ càng bấp bênh và dễ bị tổn thương hơn. |
Sau 2 giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không đủ sức cầm cự buộc phải giải thể, đóng cửa nhà máy khiến công...
Nguồn: [Link nguồn]