Doanh nghiệp, người lao động đuối sau Covid-19: Cùng chăm lo cho người mất việc

Bên cạnh tiếp tục hỗ trợ cho người lao động mất việc, cần tập trung giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất để tái bố trí việc làm cho người lao động

Sau thời gian dài tập trung phòng chống dịch Covid-19, cùng với TP HCM, nhiều địa phương đang bắt tay thực hiện các biện pháp khôi phục kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động (NLĐ).

Giúp doanh nghiệp vượt khó

Báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận cho biết trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu của các DN trong các KCN tại tỉnh Bình Thuận ước khoảng 22 triệu USD, đạt 19,1% kế hoạch năm, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay, hầu hết DN bị đình trệ sản xuất do đứt gãy nguồn cung nguyên liệu sản xuất nhập từ Trung Quốc; trong khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu, Mỹ bị gián đoạn. Hệ quả là từ ngày 1-8 đến nay, hàng loạt DN tạm ngưng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, như Công ty TNHH Quốc tế Right Rich, Công ty Hoằng Phú, Công ty IST Việt Nam, Công ty Rau quả sấy 12B... Doanh thu từ khu vực DN này trong 9 tháng qua ước đạt 3.050 tỉ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tình hình sản xuất của DN khó khăn tác động trực tiếp đến việc làm của NLĐ. Số lao động trong các KCN của tỉnh Bình Thuận đã bị cắt giảm hơn đến nay là 1.650 trường hợp và hơn 2.000 trường hợp đang bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì việc làm cho người lao động Ảnh: QUANG LUẬT

Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì việc làm cho người lao động Ảnh: QUANG LUẬT

Ông Phùng Hữu Cư, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận, thông tin dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng đa số DN thực hiện tương đối tốt các quy định của nhà nước về chính sách lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng cho NLĐ. Một số DN cũng đang khôi phục sản xuất, bố trí việc làm trở lại cho NLĐ. "Chúng tôi kiến nghị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể, hữu hiệu để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các gói hỗ trợ cho NLĐ; kéo dài thời gian hỗ trợ cho NLĐ bị tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương" - ông Cư đề xuất.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, đến nay tỉnh Bình Thuận đã chi hỗ trợ cho hơn 15.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm do dịch Covid-19, với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm và hộ kinh doanh cá thể. Tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục rà soát, cập nhật những lao động bị ảnh hưởng việc làm trong toàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ.

Thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ

Theo báo cáo thống kê kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2020 của TP Đà Nẵng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP trong 8 tháng đầu năm 2020 giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Thống kê TP Đà Nẵng nhận định hoạt động sản xuất công nghiệp của TP trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi thị trường xuất khẩu hàng hóa bị đứt gãy, DN ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu đầu vào.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các KCN TP Đà Nẵng, trong tổng số 489 dự án được cấp đăng ký đầu tư trong các khu CNC, KCN, hiện có 145 DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở nhiều mức độ, trong đó có 38 DN hoạt động cầm chừng, 22 DN tạm dừng hoạt động. Dịch Covid-19 đợt 2 khiến hơn 1.500 NLĐ tại đây bị cắt giảm số giờ làm việc, tạm thời ngừng việc hoặc mất việc.

Không chỉ khu vực này, báo cáo thống kê của Cục Thống kê Đà Nẵng cho thấy chỉ số sử dụng lao động giảm hầu hết ở các loại hình kinh tế. Trong đó, khu vực DN nhà nước giảm 4,7%; DN dân doanh giảm 4,6%; DN có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,9%. Tính đến giữa tháng 8 vừa qua, đã có hơn 56.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN TP Đà Nẵng, cho rằng trong thời điểm này, cần chung sức đồng lòng để hỗ trợ DN, NLĐ vượt qua khó khăn. "Đa số DN cố gắng duy trì được hoạt động sản xuất, việc làm cho NLĐ. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện về thông thương hàng hóa, nguồn lao động để DN khôi phục sản xuất, tích cực thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ" - ông Sơn nhấn mạnh.

Đến nay, Đà Nẵng đã chi hơn 124 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong gói 62.000 tỉ đồng. Riêng hỗ trợ NLĐ, có 23.598 trường hợp được phê duyệt danh sách với kinh phí chi trả gần 24 tỉ đồng, trong đó đã chi trả được 18.761 trường hợp. Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản về triển khai chính sách hỗ trợ tháng 8 và tháng 9-2020 cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (đợt 2) theo quy định tại Nghị quyết 42 của Chính phủ, Quyết định số 15 của Thủ tướng.

TP HCM: Các cấp Công đoàn cùng vào cuộc

Lường trước những khó khăn mà NLĐ có thể gặp phải khi dịch bệnh lan rộng, ngay khi đợt dịch đầu tiên bùng phát tại Việt Nam, các cấp Công đoàn (CĐ) TP HCM đã khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của DN cũng như đời sống NLĐ, qua đó tham mưu cho LĐLĐ TP thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các cấp CĐ, ngày 7-3, đợt hỗ trợ đầu tiên cho 742 đoàn viên là giáo viên mẫu giáo, mầm non công lập và dân lập, nhóm trẻ tư thục trên toàn TP với mức 1,2 triệu đồng/người. Dự đoán tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngày 11-3, LĐLĐ TP HCM thống nhất tiếp tục triển khai kế hoạch chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sau hơn 3 tháng triển khai, lồng ghép thực hiện với chương trình "Phúc lợi đoàn viên", đã tiếp sức thêm 19.137 đoàn viên, trong đó có trên 50% là nữ công nhân mang thai và nuôi con nhỏ với tổng số tiền chăm lo trên 22,9 tỉ đồng.

Không chỉ LĐLĐ TP mà cả hệ thống CĐ đều vào cuộc. Đến tháng 7-2020, có 2.179 CĐ cơ sở tổ chức hoạt động chăm lo cho 638.495 đoàn viên, CNVC-LĐ.

Nguồn: [Link nguồn]

DOANH NGHIỆP, NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐUỐI SAU COVID-19: Đi thì dở, ở chẳng xong

Việc đồng nghĩa mất nguồn thu nhập chính khiến nhiều lao động lớn tuổi đối diện hàng tá khó khăn nhưng khó khăn lớn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG LUẬT - HỢP PHỐ ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN