Doanh nghiệp ngóng gói 350.000 tỷ từng ngày

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Doanh nghiệp mong giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh...

Sẽ có 1 triệu tỷ đồng được giảm 2% lãi suất

Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được Chính phủ ban hành từ tháng 1, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai gì ngoài chính sách giảm thuế VAT về 8%.

Tập đoàn rất quan tâm tới gói vay với lãi suất ưu đãi 2%/năm, song hiện gói này mới có dự thảo nên chưa có thông tin chi tiết.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng được hưởng lãi suất dưới 2%/năm. Ảnh: Tạ Hải

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ có khoảng 1 triệu tỷ đồng được hưởng lãi suất dưới 2%/năm. Ảnh: Tạ Hải

“Để phục hồi kinh tế nhanh chóng, cần có hướng dẫn càng sớm càng tốt, tránh việc đưa ra quá nhiều thủ tục, yêu cầu như chính sách trước đây, doanh nghiệp khó tiếp cận”, ông Đức Anh kiến nghị.

Theo đại diện Công ty Du lịch Châu Á Tour, doanh nghiệp đã thiệt hại hàng chục tỷ đồng do Covid-19, có lúc bên bờ vực phá sản. Hiện công ty vẫn nợ ngân hàng hàng tỷ đồng, mỗi năm phải trả tới 300 triệu đồng tiền lãi. Nếu không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay sẽ khó khăn để vực dậy.

“Chúng tôi đang mong ngóng gói chính sách mới từng ngày nhưng cũng lo lắng, bởi điều kiện tiên quyết được vay là phải có tài sản cố định, trong khi với ngành du lịch, tài sản phần lớn chỉ là các tour”, vị này băn khoăn.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022 và 2023 từ ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Với chính sách này, sẽ có một lượng vốn mồi tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng có khả năng trả nợ cũng như phục hồi…

Như vậy, mỗi năm có khoảng 20.000 tỷ đồng vốn mồi được tung ra, tương ứng lượng tín dụng cung ứng ra nền kinh tế khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm với lãi suất thấp hơn 2%.

Các doanh nghiệp được hưởng lợi thuộc các ngành như: Hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính...

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, sẽ điều tiết để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói hỗ trợ này.

Đồng thời, sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai cấp bù lãi suất đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục hạn chế của các gói hỗ trợ trước.

Ngoài chính sách hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giải ngân 50% gói 350.000 tỷ trong năm 2022

Việc áp dụng giảm thuế VAT được đánh giá dễ dàng áp dụng nhất, tuy nhiên cũng có khó khăn nhất định cho một số doanh nghiệp.

Giám đốc một công ty thiết bị điện có tiếng cho biết, để áp dụng, công ty phải thực hiện thêm nhiều thủ tục, nhiều công đoạn, văn bản giấy tờ, rồi sai sót...

Công ty phải mất thêm thời gian rà lại hợp đồng, làm thêm phụ lục hợp đồng và các công văn thông báo, lượng việc tăng gấp đôi.

Ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Với quy mô 350.000 tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Đối tượng được hỗ trợ là người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện trong 2 năm (2022-2023), một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực tuỳ diễn biến của dịch bệnh. Nghị quyết đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có các giải pháp như hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng các chính sách giảm thuế, lãi suất; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn và giải ngân nhanh, hấp thụ ngay; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Đau đầu nhất là nhiều công trình, dự án có những sản phẩm đang chịu mức thuế suất khác nhau.

Đơn cử, một công trình điện, hợp đồng có các loại thiết bị như cầu dao, máy cắt, tủ hạ thế...

Trong đó, theo quy định thuế mới, cầu dao là mặt hàng chịu thuế 10%; máy cắt 8%; tủ hạ thế đầu ra 10% nhưng thiết bị đầu vào lại có thiết bị thuộc nhóm 8% và có cái lại chịu 10%...

Điều này khiến việc xử lý hồ sơ và kê khai nghiệp vụ kế toán rất rối. Chưa kể sau 1 hóa đơn xuất ra của ngành điện thì kèm theo sau nó là cả chồng giấy tờ giải trình. “Hiện nay, cứ làm đã, còn đúng sai chưa biết được”, vị giám đốc nói.

Chia sẻ băn khoăn, lo lắng này, bà Lê Thị Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo nguyên tắc, khi bán hàng doanh nghiệp phải xuất hoá đơn theo hàng hoá và thời điểm bán.

Trường hợp đầu vào của hàng hoá có linh kiện, phụ tùng… cấu thành mà chịu thuế VAT 10%, trong khi hàng hoá đầu ra lại chịu thuế 8% thì doanh nghiệp vẫn phải xuất hoá đơn 8%.

Với phần chênh lệch thuế VAT, doanh nghiệp sẽ kê khai và được khấu trừ vào kỳ tính thuế tiếp theo.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế thông tin thêm, mục đích lớn nhất của chính sách miễn, giảm thuế VAT từ 10% về 8% từ 1/2/2022 với một số mặt hàng là để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng.

Nói về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, một đại diện Bộ Tài chính cho biết, đây là gói hỗ trợ lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Trong đó có thể nói giảm thuế VAT là “phát súng” đầu tiên.

Tính đến hết 30/3/2022, thu ngân sách đạt 449.093 tỷ đồng, đạt 31,81% dự toán. Trong đó, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu (74.414 tỷ đồng) cũng đã trừ phần hoàn thuế VAT là 32.886 tỷ đồng. Dự toán số hoàn thuế VAT cả năm 2022 là 153.000 tỷ đồng.

Theo đại diện Bộ Tài chính, sau thuế VAT, cơ quan này tiếp tục thực hiện chỉ đạo giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu để góp phần trực tiếp giảm giá bán xăng dầu trong nước ngay từ 1/4.

Tiếp theo đó, Bộ Tài chính sẽ trình đề xuất lùi thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022. Dự kiến số tiền được gia hạn khoảng 125.000 tỷ đồng.

“Với số tiền thuế được gia hạn này, các doanh nghiệp có thể tận dụng vốn để quay vòng vốn, phát triển sản xuất kinh doanh”, vị này cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đang chuẩn bị báo cáo để trình Chính phủ về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm nay sẽ giải ngân 50% gói này.

Riêng với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xác định doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề nhất định để được hỗ trợ; trong đó có nhóm doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi và nhóm doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển cho tương lai như công nghệ thông tin, công nghệ số.

3,4 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ, TB&XH cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11, Bộ LĐ, TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08 quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo trình tự thủ tục rút gọn.

Ước tính ban đầu, có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng, chi trả hàng tháng.

Để được hỗ trợ 500.000 – 1 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà, người lao động cần làm gì?

Gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định trên dự kiến hỗ trợ từ 500.000 – triệu đồng/người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Thủy - Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN