Doanh nghiệp FDI: Khai báo lỗ mất vốn vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo số liệu từ Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chính sách ưu đãi tài chính của Bộ Tài chính, có đến 1.590 DN FDI báo lỗ mất vốn vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, theo báo cáo, trong 16.718 DN FDI, có 8.646 DN kê khai lỗ (chiếm 52% DN) với trị giá lỗ là 86.180 tỷ đồng, có 10.582 DN lỗ lũy kế (chiếm 63%) với trị giá lỗ lũy kế là 397.996 tỷ đồng, và có 2.673 DN lỗ mất vốn (chiếm 16% DN) với trị giá vốn chủ sở hữu là âm (-) 85.604 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 2.673 DN lỗ mất vốn năm 2017 có đến 1.590 DN lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp FDI: Khai báo lỗ mất vốn vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh - 1

Metro là một doanh nghiệp bị “điểm mặt” chuyển giá trốn thuế.

Điểm lại số liệu phân tích báo cáo tài chính DN FDI từ năm 2012 đến năm 2017 cho thấy, số lượng DN FDI báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 52%, đặc biệt năm 2017 lên cao nhất là 52% trên số lượng DN có báo cáo.

Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng, phức tạp.

Cùng với đó, hình thức chuyển giá cũng có sự “phát triển” theo. Bên cạnh hiện tượng chuyển giá từ Việt Nam ra nước ngoài, còn xuất hiện hiện tượng chuyển giá, chuyển lợi nhuận ngược từ nước ngoài vào Việt Nam của một bộ phận DN FDI trong nước được hưởng ưu đãi lớn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thời gian miễn, giảm thuế TNDN.

Ngoài ra, một vấn đề đáng lưu ý nữa đối với khối DN FDI là hiện tượng vay vốn nước ngoài đẩy nợ nước ngoài của quốc gia tăng cao. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trong báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI đến năm 2030” cho biết, số lượng DN FDI hiện chỉ chiếm 3% tổng số DN trong nước, nhưng quy mô tổng tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng. Trong tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng này, tổng vốn chủ sở hữu của các DN FDI là 1,5 triệu tỷ đồng, bao gồm cả vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và phần vốn đi vay.

Theo NHNN, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thành lập hiện diện thương mại là người cư trú ở Việt Nam, sau đó đi vay nước ngoài. Điều này không chỉ làm tăng nợ nước ngoài của quốc gia mà còn có hạn chế là làm cho việc chuyển vốn ra nước ngoài của nhà đầu tư dễ dàng hơn nhiều.

Với thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc thu hút vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, song để xảy ra những vấn đề như chuyển giá, vay nợ rõ ràng đang làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của nước ta, bên cạnh việc thất thu ngân sách nhà nước.

Để hạn chế tình trạng này, một trong các giải pháp được đề xuất là rà soát, điều chỉnh theo hướng thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế.

Bởi, một trong những nguyên nhân dẫn đến chuyển giá là có sự chênh lệch thuế  thu nhập DN giữa các quốc gia, hay trong một quốc gia do áp dụng các chính sách ưu đãi. Hiện, thuế TNDN của DN FDI chỉ khoảng 10 – 10,6%, trong khi thuế TNDN phổ thông khoảng 20%.

Ngoài ra, mặc dù áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, nhưng khu vực FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các thành phần DN khác: Tỷ trọng thuế TNDN FDI được miễn, giảm trên tổng số thuế được miễn giảm là 76%. Tỷ lệ về thuế TNDN được miễn, giảm của DN FDI trên tổng số thuế TNDN phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%. Trong khi đó, tỷ lệ này của DN nhà nước là 4,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%...

Phía Bộ Tài chính thì cho rằng trong thời gian tới, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát để hạn chế các DN FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế. Mặt khác cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt về DN FDI để các cơ quan Trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến DN FDI để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực giám sát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN FDI của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, công khai minh bạch thông tin về hoạt động và tình hình tài chính của các DN FDI, để sớm phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ gây bất ổn kinh tế - xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN