Doanh nghiệp đóng cửa, nhân viên mất việc, cả nghìn dự án bất động sản 'chết lâm sàng'
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, hiện thị trường “tắc” nguồn vốn tín dụng , nguồn vốn trái phiếu và “tắc” cả nguồn vốn huy động từ khách hàng. Số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả nghìn dự án, với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội…
Sa thải nhân viên, doanh nghiệp đóng cửa
Trước thềm Hội nghị với Thủ tướng về thị trường bất động sản vào sáng mai (17/2), nhiều hiệp hội, doanh nghiệp bày tỏ những lo ngại về thị trường bất động sản hiện nay. Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản gia tăng và ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Cương Quyết - Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Bắc - chia sẻ, trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp cho 50% nhân viên nghỉ việc và hiện tiếp tục cắt giảm. “Thị trường khó khăn quá tôi tính đến phương án đóng cửa một thời gian”, ông Quyết nói.
Số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước nhưng phải tạm dừng lên đến cả ngàn dự án, tương đương 30 tỷ USD (Ảnh: Như Ý).
Ông Quyết cho rằng, hiện những người mua nhà ở thật rất cần vay vốn ngân hàng nhưng điều kiện vay khó khăn và lãi suất tăng cao. Theo đó, ông Quyết kiến nghị ngân hàng cho người dân vay không ràng buộc những thủ tục phát sinh như bảo hiểm và nhiều loại phí. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm và cho vay giảm để kích cầu người dân mua nhà.
“Lãi suất tiết kiệm hiện nay cao hơn 10% khiến người dân thích gửi tiết kiệm hơn. Trong khi đó, người mua nhà ở thật sợ không dám mua vì lãi suất vay cao không trả nổi”, ông Quyết nói.
Trong khi đó, một doanh nghiệp top 10 trong giới bất động sản cũng đã cắt giảm 90% nhân sự. Nhiều nhà thầu nợ lương công nhân vì chủ đầu tư không có tiền thanh toán.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến cuối năm 2022, có gần 1.200 doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Từ quý IV/2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới ít.
Các doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động phải phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, lực lượng lao động.
Doanh nghiệp môi giới lỗ nặng. Nhiều đơn vị thiếu dòng tiền, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng. Trong tháng 1/2023, không ít chủ doanh nghiệp môi giới vừa và nhỏ đã phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng. Hàng chục vạn môi giới, chiếm tới 80% lực lượng đã phải dừng hoạt động.
Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhà máy, công xưởng của hơn 30 ngành nghề liên quan cũng phải ngưng hoạt động, hàng triệu lao động thất nghiệp do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng chậm thanh toán của các chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho biết, hiện thị trường “tắc” nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu và “tắc” cả nguồn vốn huy động từ khách hàng. Số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả nghìn dự án, với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội…
Cần "bơm vốn" vào dự án khả thi
Ông Nguyễn Văn Đính đề nghị Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy nhanh việc "bơm vốn" cho nền kinh tế, trong đó có hoạt động phát triển bất động sản để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền, hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp và những dự án ưu tiên.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch COVID-19; hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội.
Đặc biệt, ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc mua lại trái phiếu đã phát hành mà doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn và chứng minh được việc sử dụng nguồn tiền trái phiếu phát hành đúng mục đích.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã được trao nhiều quyền quyết định, nhưng làm thế nào để “thượng phương bảo kiếm” này phát huy hiệu quả và tìm ra được vấn đề nóng cần tháo gỡ là điều được quan tâm đặc biệt.
“Tổ công tác cần sâu sát hơn, bằng cách nên đi xuống các địa phương có nhiều dự án đang vướng mắc, đưa ra phương án giải quyết thí điểm và lắng nghe doanh nghiệp xem họ đang vướng mắc cụ thể ở đâu. Bởi vướng mắc của mỗi địa phương là khác nhau nên Tổ công tác cần linh động đưa ra nhiều giải pháp, còn tháo gỡ chung chung thì không giải quyết được vấn đề” - ông Hiệp đề xuất.
Nguồn: [Link nguồn]
Trái ngược với cơn bão sa thải nhân sự gần đây, doanh nghiệp được ví như “gà đẻ trứng vàng” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại gây bất ngờ khi muốn tuyển dụng hàng...