Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động dịp Tết

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nguyên nhân khó tuyển lao động dịp cuối năm là do thời điểm dịch bùng phát đúng vào thời điểm tuyển dụng cho sản xuất cuối năm.

Nhằm đáp ứng tiến độ các đơn hàng cuối năm cũng như chuẩn bị cho kế hoạch năm mới, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao, dành nhiều đãi ngộ song vẫn rất khó tìm được lao động thời điểm này.

Điều kiện dễ dãi vẫn không ai ứng tuyển

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đàm phán với đãi ngộ tốt hơn song vẫn rất khó tìm được lao động thời điểm hiện nay

Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đàm phán với đãi ngộ tốt hơn song vẫn rất khó tìm được lao động thời điểm hiện nay

Để mở rộng sản xuất nhằm cung cấp đủ số lượng hàng tăng đột biến từ đối tác Mỹ, đồng thời sản xuất đơn hàng cho năm 2022, Phó giám đốc nhà máy của Tập đoàn Sunhouse Trần Văn Đạt cho biết, nếu như mọi năm, chỉ cần thông báo là có cả chồng hồ sơ xếp hàng nhưng nay thì mọi chuyện đã khác.

Ông Đạt cho biết, từ tháng 9, nhà máy tại Quốc Oai, Hà Nội cần tuyển thêm 40 người, không cần tay nghề để đáp ứng đơn hàng tăng đột biến. Tuy nhiên đến nay mới chỉ tuyển được chưa đầy 30 người.

“Trước đây 1-2 năm, công ty chỉ cần thông báo tuyển dụng trên trang web của tập đoàn, nhân sự cũng chỉ lấy loanh quanh mạn Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây là đủ. Đến nay, việc tìm người mở rộng ra cả khu vực miền Trung nhưng cũng rất khó”, ông Đạt kể và cho biết do doanh thu tăng trưởng khá lớn, khoảng 25% nên nhu cầu tuyển lên tới hàng nghìn người. Dù vậy, hồ sơ ứng tuyển mà công ty nhận được chỉ lác đác.

Thiếu lao động trong khi nhu cầu đơn hàng tăng 3-4 lần, 7 nhà máy ở Hà Nội của công ty chỉ còn cách phải dồn hết lực để kịp sản xuất đơn hàng xuất khẩu, chấp nhận bỏ đơn với thị trường nội địa.

Các nhà máy liên tục hoạt động 24/24h, đổi ca liên tục. Các dây chuyền sản xuất phải “bốc” người từ nhà máy này qua nhà máy kia.

Tập trung ưu tiên cho những công đoạn gấp. Nếu không tuyển được người, kế hoạch năm 2022 chắc chắn bị ảnh hưởng.

Tương tự, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, hiện công ty đang tất bật sản xuất các đơn hàng cuối năm và chuẩn bị kế hoạch năm 2022 nên cần tuyển hàng trăm công nhân.

Tuy nhiên, cả mấy tháng qua cũng chỉ được vài chục người.

Tình thế đó khiến công ty bắt buộc phải chấp nhận phương án “chỉ nhận đủ đơn hàng theo số lượng người hiện có”.

Dù vậy, toàn bộ phân xưởng, máy móc đều phải hoạt động 24/24h và công nhân cũng phải chia 3 ca để sản xuất cả ngày lẫn đêm.

Ông Phạm Thế Toàn, Giám đốc nhân sự hành chính, Công ty CP Thực phẩm Cholimex Food cũng cho hay, đang cần tuyển khoảng 500 lao động để bổ sung nhân lực vào các khâu sản xuất cuối năm.

Điều kiện dễ dãi đến mức chỉ cần có nhu cầu làm việc thì đều được công ty nhận và không đòi hỏi tay nghề, thậm chí sẵn sàng đàm phán với mức lương cao hơn mặt bằng hiện tại…

Tuy nhiên, đến nay công ty không thể nào tuyển đủ một phần số lượng so với nhu cầu.

Theo bà Kiều Thị Tiên Dung, Giám đốc Nhân sự Công ty Chuyển phát nhanh J&T Express, để giữ chân người lao động cũng như đáp ứng nhu cầu hoạt động mùa kinh doanh cuối năm, J&T Express đã nhanh chóng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho đội ngũ hơn 25.000 người tại hơn 1.000 bưu cục khắp 63 tỉnh, thành.

Điều đó không chỉ giúp đảm bảo an toàn để duy trì việc vận chuyển trong mùa dịch, mà còn giúp đội ngũ nhân sự thêm gắn bó với công ty lâu dài.

Hiểu rõ mối lo thu nhập bị ảnh hưởng của người lao động, J&T Express cũng đã nhanh chóng thành lập “Quỹ hỗ trợ J&T Care” với tổng số tiền lên tới 5 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ các trường hợp người lao động và gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Khó tuyển vì đâu?

Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân khó tuyển lao động dịp cuối năm là do thời điểm dịch bùng phát đúng vào thời điểm tuyển dụng cho sản xuất cuối năm.

Mặt khác, phần lớn lượng lao động không muốn đi làm thời điểm này do lo ngại dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường.

Hơn nữa, một phần lao động về quê không muốn quay lại thành phố đi làm nữa, nên dù có mời chào hấp dẫn đến đâu thì họ cũng không mặn mà.

Đại diện trang chuyên đăng tin tuyển dụng Việc Làm Tốt cho biết, khảo sát cho thấy, có đến 48% người sau khi về quê không muốn quay lại thành phố.

Do đó, với việc một số người chưa muốn quay lại thành phố làm việc, mức độ cạnh tranh của các nhà tuyển dụng càng thêm phần gia tăng.

Thậm chí, để nhanh chóng quay lại guồng sản xuất, nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn để thu hút ứng viên. Trên Việc Làm Tốt, mức lương trung bình của các công việc đăng tuyển đã cao hơn 7-10% so với tháng trước dịch.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ, TB&XH Hà Nội) cho biết, hiện nay, các phiên giao dịch việc làm trực tuyến mỗi ngày thu hút khoảng 80 doanh nghiệp, hơn 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng từ điểm cầu trực tuyến ở 6 tỉnh, thành phố. Riêng tại Hà Nội, Ban tổ chức đã tiếp nhận yêu cầu tuyển dụng của 30 doanh nghiệp.

Theo ông Thành, năm nay, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cả lao động toàn thời gian và bán thời gian. Yêu cầu đặt ra với các ứng viên không cao về kỹ năng, kinh nghiệm, quan trọng là sự chăm chỉ, sức khỏe tốt.

Một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng lớn dịp cuối năm như công nhân sản xuất, may mặc, điện, điện tử, giao nhận, thương mại dịch vụ, bán lẻ…

“Qua đánh giá, trung tâm nhận thấy khoảng cách các phân khúc lương trong tuyển dụng khá rõ. Điều này cho thấy rõ các nhu cầu và mối quan tâm của các nhà tuyển dụng về nhân sự”, ông Thành đánh giá.

Theo đó, năm nay mức lương “mở” được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà tuyển dụng và ứng viên tăng cao, có tới hàng trăm chỉ tiêu.

Tiêu chí chủ yếu của nhóm lương thỏa thuận trên là ứng viên có kinh nghiệm đảm trách những vị trí cao, chịu áp lực lớn, nhiều kinh nghiệm và tích hợp nhiều kỹ năng quản lý.

Ngoài ra, ứng viên có thể nhận thêm nhiều phúc lợi đi kèm với vị trí công việc. Mức lương cao nhất thuộc nhóm này khoảng 30-60 triệu đồng/tháng hoặc có thể cao hơn nữa, tùy sự đáp ứng yêu cầu từ ứng viên.

Nhóm thứ 2, từ 10 triệu đồng/tháng trở lên chiếm tỷ lệ 25,7% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc…

Nhóm thấp hơn với mức lương từ trên 7-10 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ 32,1% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Mức lương này dành cho các vị trí kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.

Thấp nhất là mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng chiếm 22% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.

Ông Thành đánh giá, số lượng việc tìm người đang nhiều hơn người tìm việc. Điều này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt lao động cuối năm nay.

“Có thể một bộ phận lao động sẽ xác định không tìm việc thời điểm này, mà theo dõi tình hình dịch bệnh để đưa ra quyết định của mình. Khảo sát cũng cho thấy, doanh nghiệp đang phục hồi và tăng tuyển dụng lao động toàn thời gian. Còn lao động phần lớn mong muốn làm theo ca, gần nhà”, ông Thành thông tin.

Theo nghiên cứu chung của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tại Việt Nam (nhận định được đưa ra dựa trên số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam cung cấp), khoảng 4,4% người lao động được tuyển dụng chính thức đã bị mất việc làm theo ghi nhận hồi quý III (tương ứng 1.800.000 người mất việc, tăng hơn 700.000 người so với quý II và 620.000 người so với cùng kỳ năm 2020).

Trong số đó, khoảng 90% ra khỏi lực lượng lao động và 9% trở thành người thất nghiệp sau khi đăng ký hưởng chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân cũng cho thấy, 55% người lao động cho biết chưa xác định được thời điểm sẽ quay trở lại tìm việc, điều này cho thấy sự thiếu chủ động của người lao động. Có thể họ vẫn mong muốn trở lại nơi làm việc cũ, việc này phụ thuộc vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp họ làm trước đó.

Nguồn: [Link nguồn]

Người lao động mưu sinh giữa đêm 12 độ: “Tiền bạc đâu quan trọng bằng nơi để về”

Chị Thu vòng tay ôm cái Mai vào lòng, siết thật chặt để con nằm sát cạnh mình. Chị sợ gió lùa vào trong chăn sẽ làm cái...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN