Doanh nghiệp chấp nhận "kịch bản cay đắng" trước nguy cơ phá sản
Trước nguy cơ phá sản vì không còn nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp chấp nhận “kịch bản cay đắng” là thay đổi nguồn, chuỗi cung ứng.
Ngành da giày đang gặp khó khăn kép vì thiếu hụt nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc và hẹp đầu ra khi cánh cửa xuất khẩu châu Âu khép lại
Dù khó khăn còn phía trước, song sự thay đổi sống còn này đã giúp họ gieo những hạt mầm hy vọng…
“Thay đổi xong mới cảm nhận mình còn sống”
Không còn nhiều lựa chọn khi công ty đang đứng trên bờ vực phá sản vì phải cắt giảm hơn 50% sản xuất, rồi dừng hoạt động một thời gian để chờ nguyên liệu từ phía Trung Quốc, ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty DVC Hà Nội chia sẻ, doanh nghiệp (DN) nếu không lựa chọn thay đổi thì chính mình đang tự tìm đường chết.
Theo ông Quân, ngành nhựa có đặc thù là gần như 100% nguyên liệu và thiết bị phải nhập khẩu. Hiện, thị trường trong nước chỉ cung cấp khoảng 300.000 tấn nguyên liệu/năm song nhu cầu là hơn 2 triệu tấn các loại. Do đó, nguyên liệu sản xuất chiếu nhựa của DVC Hà Nội cũng không ngoại lệ, 100% hạt nhựa được nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Khủng hoảng chung từ dịch Covid-19 làm công ty thiệt hại hàng trăm triệu mỗi ngày và phải tính đến việc thay đổi nguyên liệu, là bài toán cực chẳng đã để tồn tại”, ông Quân bày tỏ.
Khác với những phương án mà các DN khác lựa chọn để sống sót qua mùa dịch Covid-19 như: Cắt giảm nhân sự, tìm thêm việc mới cho nhân viên hay đổi sản phẩm, cách thức kinh doanh… thì theo ông Quân, việc thay đổi nguyên liệu là “kịch bản cay đắng nhất” mà các DN phải đối mặt.
Ông Quân lý giải, để có được một nguyên liệu đầu vào đúng quy chuẩn hiện có là một khoảng thời gian kỳ công nghiên cứu, thử nghiệm, lựa chọn để đưa sản phẩm ra thị trường và mất rất nhiều chi phí, đối mặt với nhiều rủi ro. Do vậy, nếu trong điều kiện bình thường, “thay đổi nguyên liệu” sẽ hiếm khi xuất hiện trong kế hoạch phát triển thường kỳ của DN. Họ chỉ lựa chọn khi không còn con đường nào khác.
Ông Quân cho biết, tuy nhập khẩu cùng mã sản phẩm là HD (hạt nhựa) nhưng sản phẩm của Trung Quốc có hàm lượng hạt nhớt nhiều hơn, còn sản phẩm của Thái Lan hàm lượng hạt khô là chủ yếu nên khi ra sản phẩm, chiếu bị cứng hơn, thô hơn, dẫn đến giảm độ bóng khoảng 10%. Việc chuyển hướng nguyên liệu kéo theo nhiều yêu cầu phải thay đổi như kỹ thuật, giá thành... Đặc biệt là rủi ro từ niềm tin của người dùng…
“Để tạo thêm độ bóng cho sản phẩm, ngoài dùng nguyên liệu của Thái Lan, chúng tôi đã phải mua thêm mã nhựa bóng của Hàn Quốc để trộn vào, việc thử nghiệm cũng mất cả trăm triệu để tạo ra được sản phẩm giống nhất, đảm bảo về tiêu chuẩn để mắt thường không nhận thấy được sự “khập khiễng” với sản phẩm cũ”, ông Quân kể.
Chưa hết, sau khi ra được sản phẩm tương đối thì giá thành mới đội lên 7% so với sản phẩm cũ do nguồn nguyên liệu nhập vào tăng 5%, khấu hao chi phí thêm 2%. Ông Quân tính nhanh, để sản xuất ra được 2.000 cái chiếu, phải chi thêm gần 20 triệu đồng/ngày, như vậy mỗi tháng cùng số lượng hàng, công ty phải mất thêm 600 triệu đồng với giá bán giữ nguyên mức cũ.
“Chính lúc khó khăn đường cùng công ty mới dám thay đổi và chính sự thay đổi lại mở ra một con đường mới về nguyên liệu để cảm nhận mình vẫn còn sống”, ông Quân lạc quan.
Lợi ích kép từ phá rào cản độc quyền
Dù cực chẳng đã, song nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn của dịch bệnh cũng là động lực để DN kích hoạt sự sáng tạo và bản lĩnh lãnh đạo để nhìn thấy “trong nguy có cơ”. Đó cũng là một may mắn mà ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ DN tư nhân Hùng Dũng (Hà Nội) đang có được.
Kể về chặng đường chèo chống trước khó khăn khi thiếu nguyên liệu sản xuất mà vẫn quyết duy trì 50 nhân công dù chi phí ngốn đến 300 triệu đồng/ngày, ông Nghĩa cho rằng: “Khi bị dồn đến chân tường, chúng ta phải bật dậy và tiếp tục sống, đó là khả năng sinh tồn trong phản xạ tự nhiên của mỗi người. Và tôi bắt mình phải tự chiến thắng trong khoảnh khắc ấy”.
Ông Nghĩa chia sẻ: “Sau khi hàng từ Trung Quốc gần như không thể sang được, tôi đã dành hết thời gian liên hệ với các đối tác mới, đàm phán về giá cả bởi đây là khâu không hề dễ. Sau hàng tuần trao đổi qua lại với hơn 10 DN củaThái Lan, cân đo đong đếm giá, tôi đã tìm được một đối tác có mức giá vừa phải, chỉ cao hơn giá nhập từ Trung Quốc khoảng 1.000 đồng/kg nguyên liệu mà từ trước tôi không bao giờ nghĩ có được mức giá này. Chuyến hàng chuyển đến tay đạt kỳ vọng…”.
Song đó chưa phải tín hiệu mừng mà lại phát sinh thêm mối lo khi nhập hàng từ Thái Lan, đối tác yêu cầu lấy số lượng nhiều, mỗi đơn phải trên 40 tấn trở lên, tương đương 2 tỷ đồng/lần, trong khi DN đang chồng chất khó khăn, dòng vốn cần chia mỏng để giảm thiệt hại. Trong khi trước đó, phía Trung Quốc chỉ cần ký kết đơn hàng 200 triệu đồng trở lên.
Và điều kỳ diệu tiếp theo đã xảy ra: Trong thời điểm xuất khẩu trên thế giới đóng băng do dịch bệnh bùng phát nhanh tại châu Âu, cơ hội đã được trao cho Hùng Dũng khi đối tác quyết định nới lỏng quy định tài chính, cho phép nhập khẩu với giá trị đơn hàng thấp hơn. “Đây là cơ hội hiếm có nhưng nó đã xảy ra trong chính những thời điểm khó khăn nhất”, ông Nghĩa nói.
Sau khi giải quyết được nguồn nguyên liệu thì thị trường Trung Quốc cũng đang trên đà phục hồi. Thay vì trước đây chỉ nhìn vào một phía, trông chờ vào động thái của thị trường này thì giờ công ty đã tự tin để đàm phán, ra điều kiện nguyên liệu với các đối tác, phá vỡ rào cản độc quyền từ chính trong tư tưởng.
Ông Nghĩa kể: “Sau khi tình hình bớt căng thẳng, chúng tôi đã bắt đầu lấy hàng lại từ đối tác Trung Quốc, mỗi tuần 1 chuyến trị giá khoảng 200 triệu đồng. Thay vì để đối tác định giá như trước đây, công ty đã mạnh dạn trả giá và mua được giá thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg, điều chưa bao giờ có”.
Tuy nhiên, nỗi lo về nguyên liệu chưa kịp thở phào thì thị trường trong nước đóng cửa hoàn toàn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vào tháng 3. “Song khó khăn này không còn đáng ngại khi đã tìm được con đường sinh tồn thì việc duy trì theo hơi thở xã hội là điều cần chấp nhận để điều phối mức thiệt hại thấp nhất”, ông Nghĩa tự tin.
Trước mắt, chưa tính đến đầu ra, Hùng Dũng vẫn ưu tiên giữ nhân viên và duy trì hoạt động mặc dù sản phẩm làm ra chủ yếu lưu kho, đồng nghĩa với việc mỗi ngày phải chi một khoản chi phí cả trăm triệu đồng. “Để đào tạo ra một công nhân có tay nghề tốt, gắn bó lâu dài với mình còn khó khăn hơn việc không bán được hàng. Hiện, công nhân vẫn làm cả giờ hành chính và tăng ca tùy vào từng bộ phận”, ông Nghĩa chia sẻ.
Không thay đổi: điêu đứng vì thiếu nguyên liệu
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, DVC hay Hùng Dũng chỉ là số ít các doanh nghiệp thay đổi được nguồn cung nguyên liệu bởi theo báo cáo của Bộ Công thương, đến thời điểm này vẫn có tới 70-80% DN phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Sản lượng sản xuất công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm qua. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2/2020 - mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn 4 năm qua.
Đơn cử như tại Làng nghề giày da Phú Xuyên (Hà Nội), có truyền thống cả trăm năm với sản lượng sản xuất hơn 6 triệu đôi giày/ năm, đóng góp 70% ngân sách cho xã. Tuy nhiên, việc thiếu nguyên liệu đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của làng điêu đứng khi hàng nghìn hộ sản xuất phải đóng cửa.
Là chủ một cơ sở sản xuất giày da ở Phú Xuyên, cũng là người trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất tại đây, ông Nguyễn Lương Chiều cho biết: “Nguyên liệu sản xuất như hàng giả da, sản phẩm chất liệu PU, keo dính chuyên dụng cho da… 100% nhập khẩu từ Trung Quốc song hiện tại chỉ lấy được khoảng 30% lượng hàng. Nếu vài tháng tới không khả quan thì đóng cửa cả loạt. Dù có tính đến việc nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường khác nhưng giá quá đắt, thủ tục phức tạp”.
Theo nhận định của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), có 3 vấn đề lớn mà DN cần đối mặt để tồn tại: Đầu tiên là nguồn cung nguyên liệu bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc dừng hay tiếp tục hoạt động. Tiếp đến là việc các DN đã sản xuất xong đơn hàng nhưng lại không được giao nhận, khả năng khách hàng sẽ hủy đơn hàng là rất cao. Sau cùng, phải tính đến việc khách hàng không tiếp tục đặt hàng do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tổng kim ngạch XNK hàng hóa cả nước trong quý I ước đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK ước đạt hơn 59 tỷ USD, tăng 0,5% và nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%. Các mặt hàng NK chủ yếu trong quý I là sản phẩm và linh kiện, thiết bị phục vụ sản XNK như vải các loại, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày… |
Nguồn: [Link nguồn]
Khi các nền kinh tế liên tiếp tung các gói kích thích nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, giá vàng được dự báo sẽ còn...