Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “kêu đói”, đề nghị chia lại lợi nhuận định mức
Trong đơn kiến nghị gửi tới Bộ Công Thương- Tài chính ngày 14/3 một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và quy định cụ thể chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, trong đơn gửi tới Bộ Công Thương- Tài chính, ông Giang Chấn Tây- Giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (tỉnh Trà Vinh) cho biết, trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 của Bộ Tài chính ngày 18-11-2021 đều có liệt kê tính gồm: Chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300đ/lít.
Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này. Họ phân chia cho doanh nghiệp bán lẻ theo dạng “ban phát”.
Doanh nghiệp bán lẻ đòi phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định.
Theo ông Giang Chấn Tây, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải dùng tiền túi để bù lỗ, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Cùng có kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Sơn, người đại diện pháp luật Công ty TNHH Xăng dầu Thọ Khang (Đồng Tháp) cho hay, đây là nguyên nhân khiến hơn 1 năm qua, các doanh nghiệp bán lẻ phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. Ban đầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ nghĩ sự việc sẽ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng tình trạng này đã kéo dài hơn 1 năm qua khiến họ thua lỗ nặng.
Theo các vị đại diện trên, doanh nghiệp bán lẻ phải tự kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách Nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng.
“Doanh nghiệp bán lẻ mua hàng của doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối theo dạng mua đứt bán đoạn và có nhiều tháng thù lao bằng 0 đồng, thậm chí là âm, nên về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý. Như vậy, doanh nghiệp bán lẻ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định. Liên bộ Tài Chính- Công Thương cần thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu đồng?
Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ chưa được hưởng”.
Liên quan đến vấn đề chiết khấu, tại tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do Báo Tiền Phong tổ chức mới đây, ông Lê Văn Báu - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ là người làm thuê cho nhà cung cấp nhưng lại không được nhận lương. Các chủ cây xăng đang phải tự bỏ tiền túi ra trả lương cho người lao động. Ông Báu kiến nghị cần có quy định chiết khấu 5-6% trên giá bán và doanh nghiệp bán lẻ phải được lấy nhiều đầu mối.
Về những ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đại diện cho Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 95, 83 cho rằng, về vấn đề chiết khấu, phải đặt ngược lại là tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra? Chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho... Chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học.
“Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000 đồng/lít. Tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng?”, ông Đông nói.
Về chi phí lợi nhuận định mức, để tính đúng tính đủ, tính kịp thời, ông Đông khẳng định rằng, Bộ Tài chính thời gian qua đã rất nỗ lực phối hợp với Bộ Công Thương cố gắng tính toán để mức này sát với diễn biễn của thị trường trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, thời gian qua, tần suất biến động về giá rất nhanh, mạnh và liên tục nên cũng cần thông cảm cho các cơ quan quản lý không thể theo kịp biến động của thị trường.
Đối với kiến nghị Nhà nước phân chia chiết khấu cho các khâu, ông Đông cho rằng, vấn đề này nếu quy định tức nhà nhà nước sẽ đi quá sâu vào hoạt động và quan hệ dân sự của từng doanh nghiệp. Còn giải pháp triệt để để tránh chiết khấu 0 đồng thì yếu tố gì là khách quan, biến động hàng ngày thì trả về nhiều hơn cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tự chủ hoạt động của mình nhiều hơn, tự khắc câu chuyện chiết khấu sẽ được xử lý.
Về hướng sắp tới, ông Đông cho rằng, ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ để sửa Nghị định 83 và 95.
Về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết, doanh nghiệp phản ánh chi phí thấp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.
Thời gian qua, Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công Thương và cơ quan liên quan trong quá trình vận hành thị trường và Bộ Tài chính thực hiện nghiêm túc công bố thông tin về tính giá cơ sở. “Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Chúng tôi rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, rà soát để các khâu trong tính giá cơ sở, công khai tới doanh nghiệp”, ông Tiến nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Để góp 95% vốn tại CTCP Di chuyển xanh và Thông minh GSM (GSM JSC), tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp chuyển đổi lượng cổ phiếu tương đương giá trị 2.850 tỷ đồng.