Đổ xô đào tiền Pi: Coi chừng vỡ mộng!

Với tâm lý không mất gì, nhiều người đang ra sức đào tiền ảo Pi với kỳ vọng tiền tỉ sẽ rơi vào ví trong tương lai.

Cơn sốt đào tiền ảo Pi, một loại tiền ảo mới đang diễn ra rầm rộ tại Việt Nam. Nhiều tổ chức, cá nhân đang ra sức chiêu dụ mọi người tham gia đào tiền Pi. Loại tiền ảo này được giới thiệu là có thể khai thác trên điện thoại thông minh, thông qua ứng dụng miễn phí Pi Network (đơn vị thành lập ra Pi) và người dùng không phải tốn bất kỳ chi phí nào mà vẫn có thể làm giàu.

Nhiều người tham gia đào tiền ảo Pi với ước mơ thành tỉ phú mà không cần tốn tiền đầu tư. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều người tham gia đào tiền ảo Pi với ước mơ thành tỉ phú mà không cần tốn tiền đầu tư. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cơn sốt đào tiền ảo Pi lan rộng

Anh Tuấn, một nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM, khoe đang sở hữu trong tay vài trăm đồng tiền ảo Pi. Anh cho biết mình chơi Pi từ lời mời của một người bạn và cũng vì thao tác quá đơn giản. 

“Đào tiền ảo Pi cũng giống như sử dụng các ứng dụng khác trên điện thoại. Chỉ cần tải ứng dụng vào điện thoại, thực hiện vài dòng đăng nhập và xác thực, sau đó bật ứng dụng và để máy tự đào. Mỗi ngày, điều cần làm là bật ứng dụng lên để điểm danh là xong, còn việc đào tiền ảo sẽ do hệ thống đảm nhiệm” - anh Tuấn nói. 

Anh Tuấn cũng cho hay từ khi đồng tiền bitcoin tăng giá lên đến hơn 50.000 USD/bitcoin, anh kỳ vọng tiền ảo Pi đến lúc nào đó cũng có giá trị tương tự. 

Theo cộng đồng đào tiền ảo Pi, dự án tiền ảo Pi Network do nhóm các tiến sĩ tại ĐH Stanford thực hiện với tham vọng trở thành đồng tiền số phổ biến trên thế giới. Một điểm đặc biệt của đồng tiền Pi là khai thác trên điện thoại và chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng mỗi ngày. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn vào việc chào mời để kiếm thêm tiền thì đào Pi không khác gì mô hình đa cấp. Vì ứng dụng Pi giới hạn một người chỉ đào được 0,12 Pi/giờ, tương đương khoảng 2,88 Pi/ngày. Như vậy để tăng tốc độ đào tiền, người chơi phải tìm mọi cách lôi kéo thêm người mới vào mạng lưới tiền ảo này. 

Đồng tiền ảo Pi.

Đồng tiền ảo Pi.

Rầm rộ mời gọi, quán lẩu khuyến mãi

Tại Việt Nam đã hình thành nhiều nhóm, câu lạc bộ… để chiêu dụ người mới tham gia vào mạng lưới của mình, thu hút hàng chục ngàn thành viên. Chẳng hạn, một quán lẩu tại TP.HCM tuyên bố sẵn sàng giảm 15% trị giá hóa đơn nếu người ăn chấp nhận cài đặt làm thành viên. 

Trên các trang Facebook, YouTube, tại mục bình luận tràn ngập các thành viên Pi đi rải mã (code) mời người tham gia đào Pi. Càng nhiều người mới sử dụng mã của người hiện hữu thì họ sẽ hưởng lợi lớn nhất khi số tiền đào cao hơn. 

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhìn nhận sở dĩ đồng tiền này đang thu hút nhiều người quan tâm vì mọi thứ “đang hoàn toàn miễn phí” và không gặp rào cản gia nhập. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất là nhiều người nghĩ rằng đồng tiền này sẽ có giá trị cao trong tương lai tương tự như đồng tiền ảo bitcoin

“Vào năm 2010, giá một đồng bitcoin chỉ là 0,08 USD nhưng đến năm 2020-2021 đã vượt mốc 50.000 USD. Mọi người kỳ vọng đến thời điểm nào đó đồng tiền Pi cũng có giá trị như bitcoin và họ sẽ có tiền tấn” - ông Phương nói.

Làm rõ vấn đề quản lý 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay: Hiện các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo và tài sản ảo.  

Không có “bữa ăn miễn phí”

Chủ dự án Pi Network khi viết trên sách trắng cho hay sẽ kết nối tiền ảo Pi lên sàn giao dịch để đổi lấy các loại tiền tệ khác cũng như dùng tiền Pi là vật ngang giá để trao đổi hàng hóa. Tuy vậy, ông Cem Dilmegani, Giám đốc Công ty AIMultiple, cho biết đến bây giờ chẳng ai biết chủ dự án Pi đang thực hiện giai đoạn nào như họ đã viết trong sách trắng. 

“Có một điều rõ ràng là chủ dự án sẽ đợi quy mô người chơi Pi nhiều lên, đạt đến một mức giá trị có thể kiếm tiền cho chính họ. Đó là họ sẽ kiếm được tiền từ các nhà quảng cáo. Vì thông thường các nhà quảng cáo rất thích thú các ứng dụng có lượt người tải và sử dụng cao, cũng như có thông tin rõ ràng và một mạng lưới kết nối rộng khắp” - vị giám đốc AIMultiple phân tích.

Nhiều người đang tham gia đào tiền ảo Pi cũng thừa nhận ở thời điểm này giá trị của đồng tiền này vẫn bằng 0. “Đến giờ tôi chưa thể dùng tiền Pi để đổi lấy hàng hóa, hay quy ra tiền nhưng tôi tin rằng một lúc nào đó tiền Pi này có giá trị quy đổi ra tiền thật” - anh Tuấn Anh, một người chơi Pi thừa nhận.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Đình Phương nhìn nhận thị trường ngày càng chứng kiến nhiều cuộc cách mạng công nghệ ra đời. Chẳng hạn, trước đây không ai nghĩ đến đồng tiền ảo bitcoin có thể mua được cả ô tô, biến người trẻ thành tỉ phú. 

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý cần cảnh giác hiện tượng lừa đảo xảy ra. Đó là một số đối tượng chào mời mua tiền Pi bằng tiền thật, chiêu dụ nạp tiền vào hệ thống kiếm lãi cao theo kiểu mô hình đa cấp bằng cách lấy tiền của người trước trả lãi cho người sau. Đến một lúc nào đó thì chủ sàn đa cấp bỏ chạy, nhà đầu tư trắng tay.

“Nếu người chơi cảm thấy chia sẻ thông tin lên ứng dụng Pi không có ảnh hưởng đến cá nhân thì có thể xem xét tham gia. Ngược lại, nếu cảm thấy phần mềm này có thể bị lợi dụng để hack các thông tin, tài khoản ngân hàng thì phải loại bỏ ra khỏi điện thoại ngay lập tức” - ông Phương khuyên.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cũng lưu ý rằng nhiều công ty lợi dụng bitcoin tăng giá và phát hành ra đồng tiền mới như Pi. Nhiều người thấy như vậy đã đổ xô tham gia mà không quan tâm đến nó xuất phát từ đâu, ai đứng sau. 

“Thực tế, nhiều đồng tiền số, tiền ảo không khác rác kỹ thuật, không có giá trị công nghệ và tài sản. Mặt khác, người bán có thể bị kẻ xấu lừa mất tài khoản, còn người mua mất tiền mà không thể sử dụng Pi. Nếu lấy tiền thật để mua đồng tiền số kiểu này mà thiếu sự hiểu biết sẽ tạo ra rất nhiều rủi ro cho người chơi, vừa mất tiền vừa không được luật pháp bảo vệ” - ông Hải cảnh báo.•

 Ngân hàng Nhà nước: Không phải là tiền pháp lệnh

Đổ xô đào tiền Pi: Coi chừng vỡ mộng! - 3

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2-3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú (ảnh) đánh giá gần đây vấn đề về tiền ảo và đầu tư vào tiền ảo đang rộ lên. 

“Chúng tôi khẳng định tiền ảo bitcoin hoặc một số loại tiền khác không phải đồng tiền pháp lệnh (hình thức tiền tệ do chính phủ ban hành và được Việt Nam xem là hợp pháp - PV). Nó là loại tài sản ảo, tiền ảo được mã hóa, là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghiệp” - ông Tú nói.

Phó Thống đốc cũng cho rằng đây không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam. Chính vì thế, việc sử dụng đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán hay làm phương tiện chức năng như đồng tiền của Việt Nam hiện nay là vi phạm pháp luật.

Bộ Tài chính: Đầu tư trái phép Bộ Tài chính vừa phát đi cảnh báo nêu rõ: Hiện nay các sàn giao dịch tiền ảo chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép, do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức.

Điển hình như mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỉ giá... Đây không phải là một loại chứng khoán.

Bộ Tài chính khẳng định hiện tại chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

“Việt Nam cũng chưa có quy định pháp lý về việc phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Việt Nam cũng chưa có quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo” - Bộ Tài chính khẳng định.

Nguồn: [Link nguồn]

Bitcoin tăng giá, hàng chục đồng tiền ảo khác “làm mưa làm gió”

Hàng loạt những lời mời chào, lôi kéo bằng hình thức trả thưởng, hoa hồng cao dành cho người khác tham gia, thậm chí người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG MINH ([Tên nguồn])
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN