DN thanh toán không dùng tiền mặt: Nhiều người dân ở nông thôn chỉ tiêu tiền mặt, DN phải làm sao?
Cơ quan thuế đề xuất bắt buộc các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay.
Trước đề xuất trên của Cục Thuế TP. HCM, nhiều chuyên gia ủng hộ quy định buộc doanh nghiệp (DN) phải thanh toán không dùng tiền mặt để tăng minh bạch dòng tiền, nhưng bên cạnh đó nhiều DN lại lo ngại sẽ gặp khó do hạ tầng thanh toán chưa đồng bộ, những khách hàng là cá nhân tại nhiều địa phương chưa có tài khoản, quyết toán các chi phí tiếp khách...
An toàn, tiện lợi
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội khẳng định, thanh toán không dùng tiền mặt có một vai trò quan trọng trong việc giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và giảm bớt chi phí cho các chủ thể tham gia.
Thanh toán tiền mặt nhanh chóng, an toàn và tiện lợi
Các nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt đều được thực hiện thông qua hệ thống các ngân hàng, do đó góp phần giúp cho Ngân hàng Trung ương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm soát được nạn “rửa tiền” , kiểm soát hoạt động của các đơn vị kinh tế của các ngành nghề một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời đưa ra các giải pháp giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt và bền vững.
Tuy nhiên, cũng theo ông Mạc Quốc Anh thì “bất cứ quy định pháp luật nào ra đời cũng đều cần có thời gian để người dân và doanh nghiệp thích ứng, dù việc sàng lọc và loại bỏ những tiêu cực đối với minh bạch tài chính, quản lý thuế rất quan trọng và càng cần thiết ở giai đoạn hiện nay”.
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng cần có lộ trình áp dụng vào triển khai ở tại những khu vực có hạ tầng công nghệ thanh toán đồng bộ vì nhiều tỉnh thành, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp nhỏ nên giữ quy định như hiện nay chứ không thể bắt buộc không thanh toán tiền mặt sẽ gây khó khăn.
"Theo tôi, bản thân các doanh nghiệp hiện nay đều chọn thanh toán qua ngân hàng, vì vậy quy định vẫn nên khuyến khích chứ không thể bắt buộc vì hạ tầng về công nghệ thanh toán nước ta chưa đồng bộ", ông Thịnh nói.
Sẽ làm khó doanh nghiệp!
Ông Phạm Thế Khương – Giám đốc công ty chuyên về thực phẩm sạch nêu quan điểm: “Theo tôi, quy định này sẽ gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN, nhất là các DN có các giao dịch mua bán liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn, khi mua sản phẩm của nông dân, DN muốn chuyển khoản 100% số tiền cũng khó vì không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Ngược lại, khi bán hàng, nếu khách hàng là nông dân không thanh toán qua ngân hàng, DN sẽ khó xử lý các giao dịch này bởi nhận tiền mặt sẽ vi phạm”.
Nhiều hộ dân ở nông thôn, miền núi chỉ chấp nhận tiêu tiền mặt
Là DN sản xuất, góp ý về đề xuất này, ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc công ty giấy vệ sinh cũng cho rằng buộc DN thanh toán không tiền mặt với tất cả các giao dịch sẽ khó thực hiện, nhất là với các khoản chi chỉ vài triệu đồng. Chẳng hạn, với các khoản chi tiếp khách dưới 20 triệu đồng, do hiện nay vẫn có thể chi bằng tiền mặt nên thông thường nhân viên sẽ trả trước và lấy hóa đơn về thanh toán. Nếu tất cả khoản chi sẽ phải thanh toán không tiền mặt, không biết giải quyết thế nào với những khoản chi này.
"Nếu đưa thẻ DN để nhân viên chi sẽ không tiện. Nhưng nhân viên cà thẻ bằng thẻ của nhân viên, liệu có được cơ quan thuế chấp nhận đưa vào chi phí của DN hay không?", ông Linh băn khoăn.
Từ góc nhìn chuyên gia thuế, ông Trần Minh - một chuyên gia tư vấn về thuế nêu quan điểm: “Tôi ủng hộ ban hành quy định doanh nghiệp phải thanh toán toàn bộ chi phí qua ngân hàng. Bên cạnh đó phải có quy định buộc ngân hàng ghi rõ nội dung giao dịch, tài khoản và tên của các bên giao dịch. Hiện nay có tình trạng sao kê ghi một đàng, giấy báo có ghi một nẻo gây khó khăn khi xác định tính chất khoản chi”…
Tuy nhiên, ông Trần Minh cũng cho rằng nếu buộc DN phải dùng các phương thức thanh toán hiện đại với tất cả các giao dịch thì nhiều loại dịch vụ sẽ bị làm khó. Trừ một vài đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, tại nhiều địa phương và các vùng sâu vùng xa, nhiều dịch vụ và hàng hóa vẫn chưa thể thanh toán không dùng tiền mặt bởi hạ tầng về thanh toán chưa phát triển, chưa kể thói quen thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản, cà thẻ tín dụng... của người tiêu dùng còn hạn chế.
“Nếu áp dụng cứng nhắc quy định này sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cả người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ” – ông Minh nói thêm.
Có thể nói, dù được đánh giá là đề xuất có ý nghĩa lớn trong đột phá việc mở rộng và thực thi chiến lược thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, kinh tế số của quốc gia, nhưng tính khả thi trong việc áp dụng vào thực tế lại vẫn còn rất nhiều vấn đề cần bàn. Bởi như doanh nghiệp nêu, khi rất nhiều dịch vụ, con người vẫn phải dùng tiền mặt, thì doanh nghiệp sẽ làm sao để áp dụng thanh toán online, lấy hóa đơn, hay sẽ tốn kém thêm để thực thi hay hợp thức các giao dịch chưa thể thanh toán không tiền mặt?
Ông Dũng "lò vôi" đã lên tiếng giải thích việc hiến đất để phòng, chống dịch Covid-19 sau khi chịu nhiều sự gièm...
Nguồn: [Link nguồn]