Điều kiện, thủ tục để doanh nghiệp được giảm mức đóng BHXH bắt buộc
Theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện thì được đề xuất áp dụng mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp hơn mức đóng bình thường.
Điều kiện, thủ tục để doanh nghiệp được giảm mức đóng BHXH bắt buộc. (Ảnh minh họa)
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020.
Đối tượng áp dụng của Nghị định 58/2020 là người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) trong BHXH bắt buộc.
Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH cho người lao động quy định tại Điều 2 Luật BHXH (trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình) bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Đồng thời, được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.
Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNĐ với mức 0,5% mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH.
Doanh nghiệp được giảm mức đóng BHXH bắt buộc
Cũng theo Nghị định 58/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp được đề xuất áp dụng mức đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn mức đóng bình thường (chỉ phải đóng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thay vì 0,5%) khi đáp ứng 4 điều kiện dưới đây.
Thứ nhất, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thứ 2, trong vòng 3 năm liền trước năm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội.
Thứ 3, thực hiện báo cáo định kỳ tai nạn lao động, an toàn, vệ sinh lao động, chính xác, đầy đủ, đúng hạn trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
Thứ 4, tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện trên cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đề xuất bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
- Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58.
- Bản sao chứng thực Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động được thực hiện bởi tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều 7 Nghị định 58.
Bước 2: Nộp hồ sơ đề xuất
Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề xuất về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua một trong các hình thức sau đây: Nộp trực tiếp hoặc nộp trực tuyến hoặc nộp qua đường bưu điện.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ gửi hoặc trả kết quả trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp.
Thời hạn áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN là 36 tháng, kể từ tháng quyết định áp dụng mức đóng có hiệu lực.
Trong vòng 60 ngày trước ngày hết thời hạn áp dụng mức đóng trên, nếu doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tiếp tục mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ thì tiếp tục thực hiện thủ tục đề xuất nêu trên.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ Quyết định điều chỉnh, áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức đóng quy định tại Điều 4 của Nghị định này, căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong từng thời kỳ; tổ chức triển khai thực hiện Nghị định này.
Cơ quan này cũng hướng dẫn nội dung, chương trình và việc tổ chức bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ đánh giá an toàn, vệ sinh lao động, việc miễn giảm các nội dung huấn luyện đã học, đối với chuyên gia đánh giá an toàn, vệ sinh lao động; hướng dẫn về cách tính tần suất TNLĐ. Đồng thời, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về việc đánh giá để điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Ngoài ra, cơ quan này tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN; tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay chỉ còn chưa đầy một nửa trong số khoảng 50 cửa hàng của chuỗi đậu...