Dịch vụ “phá hủy quá khứ” gây sốt: Chi phí rẻ, khách kéo đến ùn ùn, làm không hết việc

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Buông bỏ quá khứ, nhẹ lòng tương lai: dịch vụ phá hủy ảnh cưới đang ngày càng thu về một lượng khách hàng cực lớn.

Trong cuộc sống ngày nay, khi những mối quan hệ tan vỡ, những kỷ niệm đẹp một thời cũng trở nên nặng nề. Việc giữ lại những bức ảnh cưới, những kỷ vật gắn liền với một quá khứ đã qua, đôi khi lại là gánh nặng tinh thần. Chính vì vậy, dịch vụ phá hủy ảnh cưới đã ra đời tại Trung Quốc như một giải pháp giúp mọi người buông bỏ quá khứ, nhẹ lòng bước tiếp trên con đường mới.

Ảnh: Tin tức Hồng Tinh

Ảnh: Tin tức Hồng Tinh

Cách tính phí rất đơn giản - dựa trên trọng lượng bức ảnh. Dù trước kia, đó là bức ảnh cưới trị giá hàng nghìn NDT hay hàng chục nghìn NDT, giờ đây chúng đều sẽ trở thành những mảnh vụn chỉ trong nháy mắt.

Lưu Vĩ là một trong những người chuyên cung cấp dịch vụ này kể từ tháng 3 năm ngoái. Và chỉ trong năm 2023, họ đã giúp khách hàng tiêu hủy gần 450 bộ ảnh cưới.

Thị trường siêu màu mỡ từ dịch vụ phá hủy ảnh cưới 

Anh Vĩ cho biết, do khung ảnh cưới hầu hết được làm bằng acrylic, pha lê và kim loại nên sẽ rất khó để người bình thường tự mình xử lý, cũng như khó tìm được phương pháp tái chế phù hợp. Quan trọng hơn, anh cho rằng việc vứt bỏ ảnh cưới ra bãi rác còn có nguy cơ rò rỉ quyền riêng tư.

Ảnh: Lưu Vĩ

Ảnh: Lưu Vĩ

Ban đầu, đối tượng khách hàng cho dịch vụ này là nữ giới ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà anh Vĩ không ngờ tới là khi trò chuyện với một phụ nữ sống ở nông thôn, anh mới phát hiện việc hủy ảnh cưới ở nông thôn thực chất cũng là một vấn đề lớn. Vừa khó tiêu hủy hoàn toàn, vứt đi sợ gây ra tin đồn từ hàng xóm láng giềng, ngoài ra nhiều gia đình vẫn còn giữ quan niệm “đốt ảnh cưới là xui xẻo”. 

Sau một cuộc khảo sát thị trường nhỏ, Lưu Vĩ và đội nhóm của anh nhận ra rằng việc kinh doanh dịch vụ phá hủy ảnh cưới là một thị trường rộng lớn và màu mỡ. Họ bắt đầu đăng tải clip và hình ảnh trên hai nền tảng video nổi tiếng tại Trung Quốc là Douyin và Xiaohongshu. Rất nhiều khách hàng nhìn thấy sau đó đã liên hệ với họ. 

Anh Vĩ sẽ trao đổi trực tiếp với khách hàng để xác định trọng lượng và chi phí. Sau đó, khách hàng sẽ đóng gói và gửi ảnh cưới đến nhà máy tiêu hủy ở tỉnh Hà Bắc. Sau khi nhận được ảnh cưới, anh Vĩ cũng sẽ xác nhận lại yêu cầu tiêu hủy với khách hàng, sau đó phun sơn che mặt nhân vật trong hình, rồi cho ảnh cưới vào máy tiêu hủy. Cuối cùng, những mảnh vụn ảnh cưới sẽ được gửi đến nhà máy điện để phân hủy ở nhiệt độ cao, cuối cùng sẽ “tan thành mây khói” theo đúng nghĩa đen. 

Toàn bộ quá trình từ khi nhận hàng, dỡ hàng cho đến phun sơn và tiêu hủy đều sẽ được ghi hình lại để gửi cho khách hàng. Hoặc, khách hàng có thể chứng kiến quá trình tiêu hủy trực tiếp hoặc qua cuộc gọi video. Phần lớn khách hàng của anh là phụ nữ từ 24 - 40 tuổi đã ly hôn. 

Ảnh: Lưu Vĩ

Ảnh: Lưu Vĩ

Dĩ nhiên, cũng có một số khách hàng đổi ý ngay phút chót khi gia đình họ “gương vỡ lại lành”. Sau đó, Lưu Vĩ đã cho ra mắt thêm dịch vụ lưu trữ ảnh cưới để dành cho những khách hàng tương tự.

Anh Vĩ cho biết, gói dịch vụ rẻ nhất của anh là 59 NDT (193.000đ) và đắt nhất là 219 NDT (718.000đ). Nhưng đối với gói đắt nhất, công ty sẽ hoàn lại phí chuyển phát nhanh 60 NDT (198.000đ). Mức trung bình của khách hàng là khoảng 130 NDT (426.000đ). Công ty đã đạt được mức hòa vốn chỉ sau vài tháng hoạt động.

Nguồn: [Link nguồn]

Từ đầu tháng Chạp Tết Giáp Thìn, nhu cầu chụp ảnh lưu niệm tăng chóng mặt, khiến một số đội ngũ chụp ảnh bội thu, đạt 48 triệu đồng/ngày. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Nguyễn (Theo jfdaily) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN