Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, lo đóng cửa hàng loạt

Sản xuất đình trệ, doanh thu giảm, nhiều doanh nghiệp đề nghị được giãn nợ, miễn thuế... để có thể trụ vững qua cơn biến động vì dịch Covid-19

Chiều 12-2, tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP HCM về kế hoạch sản xuất của các hội ngành nghề trên địa bàn TP HCM năm 2020, đặc biệt là 4 ngành công nghiệp trọng yếu, một số hội ngành nghề đã đề xuất TP sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 (viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona).

Lo đóng cửa hàng loạt

Theo phản ánh của các hội ngành nghề, hiện một số DN thuộc lĩnh vực lương thực thực phẩm, dệt may, da giày, cao su nhựa... rơi vào khó khăn do sản phẩm không tiêu thụ được hoặc thiếu nguyên liệu sản xuất.

Nêu trường hợp một DN sản xuất trứng quy mô lớn đã phải giảm giá 50% mặt hàng trứng gà tươi để giải quyết tồn kho, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, cho biết nhiều DN bị giảm doanh thu nên rất cần TP hỗ trợ giãn nợ, giãn quay vòng lãi suất để giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn biến động. Nếu được, có thể tính đến giải pháp miễn thuế cho những DN bị ảnh hưởng trực tiếp.

Do nguyên liệu nhập chủ yếu từ Trung Quốc, DN may mặc gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 Ảnh: TẤN THẠNH

Do nguyên liệu nhập chủ yếu từ Trung Quốc, DN may mặc gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 Ảnh: TẤN THẠNH

Cùng kiến nghị này, đại diện Hội Cao su nhựa cho hay hiện một số đơn hàng nguyên phụ liệu DN ngành cao su nhựa đặt từ Trung Quốc đang tạm ngưng, không biết khi nào mới tái khởi động. "Đa số nguyên phụ liệu ngành này nhập từ Trung Quốc vì giá rẻ, thời gian giao hàng nhanh. Một số DN bắt buộc phải sử dụng nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu... nhưng giá cao hơn, làm khả năng cạnh tranh giảm sút. Tình hình này kéo dài thêm 1 tháng nữa thì không biết bao nhiêu DN đóng cửa" - vị đại diện này lo lắng.

Các DN ngành da giày, dệt may cũng đang "đứng ngồi không yên" vì nguyên phụ liệu chỉ còn đủ để sản xuất đến hết tháng 3, đồng thời đề xuất TP xem xét cho hình thành cụm công nghiệp phụ trợ sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành để chủ động nguồn hàng, giảm phụ thuộc vào DN Trung Quốc.

Trao đổi với các DN, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Phạm Thành Kiên khẳng định sẽ tổng hợp kiến nghị của DN và báo cáo UBND TP HCM xem xét. Cũng theo ông Kiên, thời gian tới, sở sẽ tăng cường gặp gỡ các hội ngành nghề để lắng nghe, nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN trên địa bàn, từ đó có những hỗ trợ kịp thời nhằm tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Cần Thơ: Thất thu ở nhiều lĩnh vực

Cùng ngày, UBND TP Cần Thơ cũng có cuộc họp với các sở, ngành nghe báo cáo về tác động của Covid-19 đối với kinh tế TP.

Theo ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xã hội TP Cần Thơ, đối với ngành du lịch, số lượng khách đến TP trong tháng 1-2020 giảm 3,9%, khách lưu trú giảm 4,2% so với cùng kỳ. Dự báo trong tháng 2, khách lưu trú sẽ giảm khoảng 50%.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, nhìn nhận ngành sản xuất bia, ăn uống giải khát, nhà hàng có khả năng sẽ giảm nguồn thu khoảng 50%. Riêng đối với ngành giao thông vận tải, vận chuyển hành khách đường bộ giảm 23%, đường thủy giảm 23,3%, xe buýt giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp tất cả sở, ngành để đánh giá tổng hợp việc ảnh hưởng của dịch bệnh, đưa ra giải pháp tham mưu cho Thành ủy, UBND TP. "Kịch bản như ngành y tế nêu là đỉnh dịch sẽ xảy ra vào cuối tháng 2. Do đó, các đơn vị được giao phải đưa ra giải pháp, để dịch giảm đến đâu thì phát triển kinh tế đến đó" - ông Nam nói.

DN Đức: Cần được cập nhật thông tin rõ ràng

Nhằm đánh giá những tác động của Covid-19 tới cộng đồng DN Đức tại Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã tiến hành cuộc khảo sát 84 nhà đầu tư Đức tại Việt Nam từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Kết quả: Phần lớn các DN Đức (76%) đang chịu nhiều ảnh hưởng từ khi Covid-19 bùng phát. Các kịch bản của những diễn biến tiếp theo trong đại dịch này đều cho thấy những tác động không nhỏ tới sự tăng trưởng của kinh tế nói chung và các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Đức tại Việt Nam nói riêng. 55% DN Đức đã có các biện pháp phòng chống để ứng biến với các tác động của dịch.

Một trong những biện pháp cấp bách đang thực hiện là dừng toàn bộ các chuyến công tác sang Trung Quốc (47%) . 38% DN Đức tạm thời không tiếp các khách hàng và đối tác tới từ Trung Quốc để bảo đảm phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh. 41% hạn chế tiếp các khách hàng vừa đi Trung Quốc về hoặc quá cảnh tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Đối với các quốc gia có trường hợp nhiễm bệnh, 38% DN hạn chế các chuyến công tác tới những nước đó.

Đánh giá về hiệu quả của các biện pháp hạn chế, phòng ngừa của Chính phủ Việt Nam, 44% các nhà đầu tư Đức cho rằng phản ứng của Chính phủ Việt Nam kịp thời và có hiệu quả, hỗ trợ họ trong việc hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh và tới sức khỏe của các nhân viên.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Đức cũng đưa ra kiến nghị giúp họ nắm rõ hơn và cập nhật hơn tình hình dịch bệnh cũng như điều chỉnh kế hoạch hoạt động của DN trong thời gian tới. 

Đa dạng hóa thị trường và đối tác

Trong báo cáo đánh giá sơ bộ tác động dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia phân tích Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định dịch bệnh đã tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng như điện tử, dệt may, da giày, sản xuất - chế biến nông sản, ôtô - xe máy, sắt thép, lọc hóa dầu, bán lẻ... Đây đều là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm của Việt Nam và đang bị ảnh hưởng lớn do thiếu nguồn cung đầu vào trong khi xuất khẩu giảm.

Nhiều DN FDI tại Việt Nam thuộc những ngành nêu trên cũng bị ảnh hưởng tương tự. Một số DN FDI như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda... đang gặp phải 2 khó khăn lớn là thiếu nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc và thiếu lượng lao động do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ Trung Quốc.

Nguy cơ kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của Covid-19 là tương đối cao. Do đó, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia khuyến nghị các giải pháp ứng phó trung dài hạn gồm việc nghiên cứu, lập và thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác là cấp bách. Điều này nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài thị trường hay đối tác.

Th.Phương

Nguồn: [Link nguồn]

Làm việc từ xa, đo nhiệt độ, cách ly: Doanh nghiệp TQ “oằn mình” đối phó Covid-19

Người Trung Quốc bắt đầu làm việc trở lại từ 10/2 sau khi dịch viêm phổi cấp do Covid-19 mới buộc nước này phải kéo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN