Dịch COVID-19: Doanh nghiệp sốt ruột chờ ngân hàng giải cứu
“Quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Khách hàng vượt qua khó khăn thì ngành ngân hàng mới khỏe mạnh” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú.
Hàng loạt ngân hàng (NH) đã tung ra các chương trình như giảm lãi suất, giãn nợ, giảm phí… để chia sẻ, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Tuy vậy, để sự hỗ trợ này đến với cộng đồng kinh doanh, ngành NH còn nhiều việc phải làm.
Lãi suất cho vay giảm mạnh
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết: Để hỗ trợ khách hàng, chung tay với cộng đồng chia sẻ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Vietcombank triển khai hàng loạt giải pháp. Ví dụ, giảm 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn…
Đồng thời, NH này còn cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho nhiều đối tượng khách hàng.
Tương tự, để chia sẻ khó khăn với ngành nông nghiệp trong nước khi giá bán trên thị trường đột ngột giảm mạnh, NH Kienlongbank sẽ áp dụng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại cây ăn trái. Đó là thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối… đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian áp dụng giảm lãi suất từ ngày 1-2 đến 30-4-2020.
“Trong thời gian này, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay, miễn tiền phạt quá hạn nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới” - đại diện Kienlongbank cho hay.
NH VPBank cũng đánh giá trước mắt có khoảng 1.000 doanh nghiệp bị thiệt hại lớn do dịch bệnh, chủ yếu nằm các lĩnh vực liên quan đến vận tải, du lịch, nhà hàng, xuất khẩu nông sản... Chính vì vậy, NH này quyết định giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.
Hàng loạt NH khác như Agribank, NamABank, SCB, BIDV… cũng vào cuộc giảm lãi suất, giãn nợ cho khách hàng. Chẳng hạn, lãnh đạo NH Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết đang tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,50%/năm cho khoản vay ngắn hạn và từ 8%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Đáng chú ý, ngoài gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng, MB còn chủ động đánh giá dòng tiền, lên phương án cấu trúc giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh, nhanh chóng vượt qua khủng hoảng.
Nhiều ngân hàng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ người kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Trong ảnh: Khách hàng đang vay vốn tại một ngân hàng. Ảnh: TL
Nhà kinh doanh đang chờ
Thực tế hàng loạt doanh nghiệp đang gồng mình chống đỡ trước thiệt hại do dịch. Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần May Minh Long Hưng, cho hay công ty đang sản xuất quần áo mùa hè. Thời điểm sau tết là cao điểm đặt hàng của các đại lý. Để đáp ứng đủ yêu cầu đơn hàng của các khách hàng, ngay từ quý IV-2019 công ty đã liên hệ tới các cơ sở cung cấp nguyên liệu đặt hàng trước, chuẩn bị nguồn vốn và nhân lực. Tất cả đều đã sẵn sàng. Thế nhưng dịch COVID-19 bùng phát khiến mọi thứ gần như đóng băng.
“Đây là thực trạng chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng. Nếu các nhà hoạch định chính sách không có phương án gấp rút để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vốn đã yếu nay lại bị giáng thêm đòn nặng thì không biết khi dịch bệnh qua đi, họ làm thế nào để vực dậy được. Bản thân công ty tôi đang chịu lãi vay từ NH với mức 10%-12%/năm và chưa được hưởng mức lãi vay hấp dẫn như các NH tuyên bố” - ông Sinh nói thêm.
Tương tự, anh Minh Long (chủ một sạp kinh doanh hàng nông sản ở quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: Hàng hóa ế ẩm, hàng tồn thì không thu hồi vốn được khiến nguồn thu bị thâm hụt nặng nề. Trong khi tiền thuê sạp thì vẫn phải trả, chi phí lãi vay NH cao vẫn phải gánh; chưa kể đủ thứ thuế, phí vẫn phải nộp.
“Điều này càng khiến những đơn vị kinh doanh như chúng tôi vốn đã khó khăn nay càng thêm khó khăn. Tôi đã cung cấp đủ thứ giấy tờ chứng minh cơ sở kinh doanh của mình bị ảnh hưởng trầm trọng như thế nào cho phía NH để vay vốn với lãi suất ưu đãi. Nhưng đến thời điểm này, tôi chỉ được phía NH hứa sẽ xem xét” - anh Minh Long nói.
Trước thực tế này, đại diện một số NH giải thích đang thống kê những khách hàng chịu thiệt hại do dịch gây ra. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được đầy đủ các thống kê thông báo thiệt hại từ phía khách hàng vay vốn hoặc khách hàng không thuộc nhóm được hỗ trợ. “Chúng tôi sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để giảm lãi suất, giãn nợ vay hay cho vay mới trong thời gian sớm nhất” - đại diện một NH khẳng định.
Đại diện một số công ty cũng bày tỏ băn khoăn về hiệu quả thực tế từ các giải pháp hỗ trợ của NH. Bởi việc hỗ trợ vốn vay và lãi suất vay cho người kinh doanh là rất cần thiết, song nếu chỉ hỗ trợ một thời gian rất ngắn trong khi ảnh hưởng của dịch kéo dài thì việc hỗ trợ không có tác dụng.
“Mặt khác, các NH cần xem xét hiệu quả thực tế, tránh tình trạng chỉ nêu khẩu hiệu hỗ trợ mà không thực hiện. Đặc biệt cần tránh tình trạng thông báo hỗ trợ doanh nghiệp để được nhận gói ưu đãi khủng từ NH Nhà nước, sau đó chỉ cho một số mối ruột vay ưu đãi. Bởi trong quá khứ cũng đã từng có những trường hợp trục lợi từ gói hỗ trợ của các NH” - đại diện một doanh nghiệp đề nghị.
Vốn dồi dào, không được tăng lãi suất Tại hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa diễn ra, Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú nêu rõ: “Quan điểm chỉ đạo của NH Nhà nước là chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Khách hàng vượt qua khó khăn thì ngành NH mới khỏe mạnh”. Phó Thống đốc đánh giá dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistics, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ NH. Do vậy, NH Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NH thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. “Thanh khoản của các NH thương mại hiện đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các NH thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NH Nhà nước sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các NH thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân” - Phó Thống đốc nhấn mạnh. |
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá để góp phần kiểm soát lạm phát (CPI) dưới 4% trong năm 2020 là một nhiệm vụ khó...
Nguồn: [Link nguồn]