Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam: Người làm du lịch – lữ hành, vé máy bay lúc này làm gì?
Dịch bệnh bất ngờ tái bùng phát, thêm một lần những người làm trong lĩnh vực lữ hành – du lịch, vé máy bay chịu ảnh hưởng trực tiếp. Dù khó khăn, nhưng dường như đã quen với thực trạng này, nhiều người sẵn sàng chia sẻ công việc “tay trái” để duy trì nghề “tay phải”.
Cách đây ít ngày khi dịch chưa tái bùng phát, lại đúng dịp lễ với kỳ nghỉ dài ngày nên nhiều điểm du lịch đạt 100% công suất phòng, thậm chí xảy ra hiện tượng “cháy phòng” khiến nhiều đoàn khách phải đăng ký trước hàng tuần. Thế nhưng, kể từ khi một số địa phương xuất hiện ca bệnh lây lan ngoài cộng đồng, đã khiến các doanh nghiệp lữ hành – du lịch, hàng không thêm một lần lao đao.
Ảnh hưởng dịch, sân bay thưa vắng bóng khách
Chị Nguyễn Thảo Phương (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) – nhân viên Công ty lữ hành - du lịch, chuyên phụ trách khách đoàn trên địa bàn tỉnh cho biết, kể từ khi dịch tái bùng phát không những không bán được vé mới mà chị còn phải “căng não” để trao đổi và sắp xếp cho những khách đoàn đổi lịch bay.
“Những khách lẻ đi một hai người hoặc gia đình đã đặt vé bay dịp này đa số họ chấp nhận hủy bỏ luôn vé, chỉ những khách đoàn 10 người trở lên mới đề xuất đổi lịch bay. Ngoài ra, kể từ khi bùng dịch, tôi hầu như không bán thêm được vé nào. Cứ tình trạng này, muốn yêu nghề cũng khó” – chị Phương than thở.
Trên một số trang mạng, không ít người làm ngành lữ hành du lịch, vé máy bay cũng đã chia sẻ những thông tin về trạng thái công việc của mình khi xác định tiếp tục đối diện dịch bệnh.
Hình ảnh cắt từ video clip do anh Tuấn Linh chia sẻ
Anh Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Du lịch MrLinh’s Adventures, mới đây đã hài hước đăng tải một video clip. Tại video clip, anh chia sẻ bằng tiếng Anh giới thiệu về bản thân và công ty của mình kèm theo lời nhắn nhủ: “Tiếng Anh của tôi đang trở nên tồi tệ hơn khi tôi không có ai để nói chuyện từ lâu”…
Được biết, sau khi dòng trạng thái trên của anh Linh được chia sẻ, nhiều người là bạn bè đã ngỏ ý mời anh mở lớp dạy Tiếng Anh trực tuyến, vừa đỡ lãng phí kiến thức, vừa giúp anh “có người nói chuyện”.
Nhiều người than thở cả tuần không bán nổi được một vé
Còn chị Thùy Linh – nhân viên bán vé máy bay (Hà Nội) thì đăng tải trạng thái với nội dung: "Có ai cả tuần nay không có khách hỏi vé không ạ? Chứ em ế từ đầu tháng tới giờ rồi chưa được mở hàng”.
Trong tình trạng khó khăn chung, tài khoản tên Toan Nguyen – một nhân viên phòng vé khác ccũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chị Toan Nguyen đăng thông tin sẽ “quay trở lại tập trung với nghề tay phải gắn bó từ 10 năm trước” đó là công việc bán gạo và không quên nhắn nhủ “gạo gì em cũng có, mong các bác ủng hộ để em kiếm bát cơm cho con”…
Công việc bán gạo từ 10 năm trước với chị Toan Nguyen lúc này được coi là nghề "tay phải" thực sự
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn cao điểm lễ 30/4-1/5 (từ 29/4 đến 3/5), sản lượng hạ cất cánh tại 3 cảng hàng không quốc tế lớn gồm Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất đạt xấp xỉ 6.400 lượt và có 929.000 hành khách đi qua các cảng này.
Trong đó, riêng tại cảng hàng không Nội Bài, số chuyến bay lên tới 546 chuyến/ngày (1/5) đến 593 chuyến/ngày (28/4). Mỗi giờ, có khoảng 17 chuyến bay cất cánh. Như vậy ước tính, sân bay lúc nào cũng đông đúc, hành khách đi lại nhộn nhịp, với khoảng 2.000-3.000 khách làm thủ tục.
Sau thời điểm 30/4-1/5, các hãng hàng không và du lịch chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm du lịch hè. Rất nhiều khách hào hứng, và chuẩn bị lên kế hoạch cho những chuyến du lịch. Song, một lần nữa dịch bệnh lại bùng phát, khiến dòng khách đột ngột đứt gãy. Trái ngược với cảnh đông đúc thường thấy, những ngày này, sân bay Nội Bài trở nên vắng lặng.
Để đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại nên sân bay lác đác người. Rất ít chuyến bay cất cánh, nếu có mỗi chuyến cũng chỉ vài chục khách, chỉ là những khách hàng đi công việc riêng hoặc cần gấp.
Top 3 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã có sự thay đổi bất ngờ.
Nguồn: [Link nguồn]