“Di sản” PVC của Trịnh Xuân Thanh lỗ hơn 4.000 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ
Nhiều năm sau vụ án Trịnh Xuân Thanh, tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam ngày càng lún sâu vào vũng lầy thua lỗ, bào mòn toàn bộ số vốn 4.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC – mã: PVX) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 cho thấy tình hình kinh doanh ảm đạm.
Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 607 tỷ đồng, tăng 31% so với quý cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty lỗ 34,6 tỷ đồng, trong khi quý cùng kỳ lãi gộp gần 23 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, PVC lỗ sau thuế gần 59 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 23 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp này, nâng số lỗ luỹ kế cuối kỳ của doanh nghiệp lên 4.022 tỷ đồng – vượt quá mức vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng (trong đó, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp hơn 2.178 tỷ đồng, chiếm 54,47% vốn).
Năm 2021, PVC chỉ đặt mục tiêu đạt 1.383 tỷ đồng doanh thu, giảm 15% so với thực hiện 2020 và không đặt kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của PVC đạt 6.838 tỷ đồng, giảm 14% so với đầu kỳ, phần lớn là tài sản ngắn hạn 5.004 tỷ đồng, chiếm 73%.
Vũng lầy thua lỗ tại PVX được cho là "di sản" mà Trịnh Xuân Thanh để lại.
Khoản phải thu ngắn hạn của công ty là 2.364 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản phải thu khách hàng sau loại trừ công nợ nội bộ như công ty mẹ PVC (1.769 tỷ đồng), công ty Cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy DK (241 tỷ đồng), công ty CP XL đường ống bể chứa ĐK (131 tỷ đồng),…
Nợ phải trả cuối kỳ là 6.117 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả người bán ngắn hạn là 3.360 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn - dài hạn 1.026 tỷ đồng.
Phía lãnh đạo PVC cho biết, để khắc phục khó khăn và giảm lỗ trong thời gian tới, công ty tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc tổng thể doanh nghiệp theo định hướng công ty mẹ tham gia trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xây lắp.
PVC cũng có kế hoạch thoái vốn tại các đơn vị không thuộc chuỗi ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp. Rà soát, đối chiếu và thu hồi công nợ, xây dựng kế hoạch chi tiết việc thu hồi và xử lý công nợ cho từng tháng, từng quý nhằm thu hồi vốn, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm tối đa chi phí tài chính do bị chiếm dụng vốn.
Đồng thời, PVC sẽ tích cực đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để cơ cấu lại các khoản nợ, đàm phán giảm lãi suất vay vốn và thu xếp đủ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và giải toả các khoản bảo lãnh trong thời gian tới.
Ông Trịnh Xuân Thanh – cựu Chủ tịch PVC - bị tuyên án tù chung thân về tội Tham ô tài sản khi giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế Nhà nước, được giao dự án mang tầm quan trọng chiến lược đã lợi dụng vị trí đặc thù để gây sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ. Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2007 - 2013, ông Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC. Được coi là “thuyền trưởng” nhưng trong giai đoạn này ông Thanh đã lèo lái để PVC chìm trong thua lỗ, nợ nần triền miên, gây thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng. “Nút thắt” lớn nhất của PVC là dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng đang được khắc phục. Dự án này do PVN làm chủ đầu tư, còn PVC là tổng thầu EPC. PVN đã rót vào dự án này 32.000 tỷ đồng. Chính sai phạm của lãnh đạo PVC thời kỳ Trịnh Xuân Thanh cùng năng lực tài chính, kỹ thuật yếu... khiến dự án rơi vào tình cảnh ngổn ngang sau gần 9 năm triển khai. Để tiếp tục "giải cứu" dự án này, phía PVN tiếp tục chi 2.500 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu của tập đoàn để giải ngân cho dự án. Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể dự án đạt 86,8%, trong đó hiết kế đạt 99,9%; mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo đạt 94,4%; thi công đạt 84,2%; chạy thử đạt 13%. Với tiến độ này, trong cuộc kiểm tra mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, tiến độ còn chậm, cần đẩy nhanh hơn nữa mới bảo đảm mục tiêu tiến độ đề ra. |
Nguồn: [Link nguồn]
Chi phí quảng cáo, khuyến mãi của ông lớn bia rượu Sabeco đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng lợi nhuận đạt...