Di sản Hà Văn Thắm: Nội bộ “đấu đá”, ôm cục lỗ gần 2.900 tỷ đồng

Năm năm sau thời điểm Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (OGC) bị bắt kéo theo hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp này vào vòng lao lý, OGC vẫn đang vật lộn với khoản lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng. Gần đây, tình hình của tập đoàn này lại trở nên “nóng” khi các nhóm cổ đông nội bộ mâu thuẫn gay gắt.

Bất ngờ từ nhóm cổ đông Hà Bảo, tổ chức hai ĐHCĐ chỉ cách nhau 3 ngày

Sự căng thẳng trong nội bộ OGC bắt nguồn từ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018, khi đó OGC đã công bố 2 văn bản từ cơ quan chức năng cho biết, toàn bộ 68,8 triệu cổ phiếu OGC của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (công ty của Hà Văn Thắm sở hữu 28,3% cổ phần có quyền biểu quyết của OGC, ủy quyền cho bà Nguyễn Thanh Hương là đại diện) và 3,3 triệu cổ phiếu OGC của Hà Văn Thắm đã bị cơ quan chức năng kê biên phục vụ cho thực hiện bản án của Tòa án.

Vì vậy Hà Văn Thắm và DN tư nhân Hà Bảo không được sử dụng tài sản này để tham gia thỏa thuận dưới bất kì hình thức nào, trong đó bao gồm cả quyền thỏa thuận với các cổ đông khác tại OGC, không được thực hiện quyền chủ sở hữu, quyền định đoạt, quyền cổ đông tại OGC từ thời điểm bản án có hiệu lực cho đến khi Hà Văn Thắm thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.

Di sản Hà Văn Thắm: Nội bộ “đấu đá”, ôm cục lỗ gần 2.900 tỷ đồng - 1

Tập đoàn Đại Dương chưa thoát khỏi rối ren sau khi lãnh đạo vướng vòng lao lý

Tại phiên họp này, OGC đã không thực hiện thủ tục đăng ký tư cách cổ đông cho Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo. Nhóm cổ đông này sau đó đã gửi đơn kiện lên TAND quận Ba Đình yêu cầu hủy Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018 với lý do Tập đoàn đã vi phạm thủ tục đăng ký cổ đông dự họp, không được tổ chức trong vòng 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Bất ngờ sau đó, TAND quận Ba Đình đã ban hành Quyết định Thay đổi Biện pháp Khẩn cấp Tạm thời số 146/2018/QĐ-BPKCTT hủy Nghị quyết Đại hội cổ đông 2018 của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương.

Theo nhận định của Tòa, mặc dù Hà Bảo bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vì DN ngừng hoạt động 1 năm, được coi là đang trong quá trình giải thể DN, nhưng người đại diện theo pháp luật của DN vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ đối với các bên liên quan. Do đó, đại diện chủ sở hữu của Hà Bảo là bà Nguyễn Thanh Hương, theo ủy quyền vẫn có các quyền và nghĩa vụ theo pháp luật. Việc loại bỏ tư cách cổ đông, không cho Hà Bảo tham gia họp ĐHCĐ thường niên lần 3 năm 2018 của OGC là không có căn cứ.

Như vậy, nhóm cổ đông Hà Bảo sẽ có quyền biểu quyết các vấn đề của OGC tại hai cuộc họp đại hội cổ đông trong tháng 4. Đáng lưu ý, Hà Bảo đang là nhóm cổ đông lớn nhất tại OGC khi nắm gần 28,3% vốn.

ĐHCĐ bất thường của OGC sẽ diễn ra vào 24/4, được triệu tập theo đề nghị của nhóm cổ đông nắm giữ 10,2% cổ phần nhằm bãi nhiệm, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Cụ thể, về Hội đồng quản trị, Đại hội sẽ tiến hành lấy ý kiến về việc bãi nhiệm bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Hà Trọng Nam (bị đề nghị do có những hành vi không đúng chuẩn mực của người quản lý doanh nghiệp) và miễn nhiệm ông Nguyễn Thành Trung, ông Nguyễn Giang Nam (chủ động xin từ nhiệm). Bên cạnh đó, Đại hội cũng dự kiến trình lên danh sách ứng cử viên cho Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát lần lượt bao gồm bà Nguyễn Thị Thu Thùy, ông Mai Hữu Đạt và bà Nguyễn Hương Nga.

Và chỉ sau đó 3 ngày, vào 27/4, Ocean Group sẽ tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.

Kinh doanh yếu kém, lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh, sau hai năm 2016 và 2017 lỗ hơn 1000 tỷ, OGC đã có khoản lợi nhuận sau thuế hơn 48 tỷ đồng trong năm 2018. Tuy nhiên, công ty này vẫn đang ôm khoản lỗ lũy kế hơn 2.860 tỷ đồng.

Theo Báo cáo kiểm toán năm 2018 của OGC, công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về con số 3.665 tỷ đồng ở khoản mục phải thu dài hạn. Theo đó, kiểm toán không thể thu thập được bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi của các khoản này, không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số dư gốc và lãi phát sinh tương ứng hay không, hiện trên báo cáo đã trích lập dự phòng hơn 4.000 tỷ.

Kiểm toán cũng nhấn mạnh tại thời điểm 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của OGC nhỏ hơn nợ ngắn hạn 285 tỷ đồng, số lỗ lũy kế lên tới 2.861 tỷ trên vốn 3.000 tỷ. Những yếu tố này cùng với các yếu tố ngoại trừ nói trên khiến kiểm toán cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Kế hoạch năm 2019, OGC đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng, bằng 1/3 so với kết quả thực hiện năm 2018. OGC cho rằng các chỉ tiêu kinh tế hợp nhất của toàn Tập đoàn có số liệu ảnh hưởng trọng yếu chiếm tới 90% là từ CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH). Trong khi đó, khách sạn Sunrise Hội An đã bị kê biên để xử lý khoản nợ của Công ty IOC (công ty con của OCH).

Con “tàu đắm” Vinalines gian nan tìm đường hồi sinh

Dự kiến trong nửa cuối năm 2019, Vinalines sẽ chuyển sang mô hình Công ty cổ phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN