Đến Việt Nam, du khách nước nào chi tiêu mạnh tay nhất?
Theo Tổng Cục thống kê, du khách từ Philippines có mức chi tiêu cao nhất 2.257,8 USD.
Theo niên giám thống kê năm 2022 của Tổng Cục thống kê phát hành, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, kinh tế-xã hội năm 2022 Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tốc độ tăng GDP đạt 8% so với năm trước. Khu vực dịch vụ khôi phục, tăng trưởng mạnh đạt 9,99% cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Một số ngành như bán buôn bán lẻ, vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng… có tốc độ tăng cao. Đặc biệt, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 40,61 % đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.363,3 ngàn tỉ đồng, tăng 21,7% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, năm 2022 đánh dấu sự trở lại của ngành du lịch sau dịch COVID-19 khi Việt Nam đón hơn 3,6 triệu lượt khách, gấp 23,3 lần so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ bằng khoảng 20% so với năm chưa xảy ra dịch.
Năm 2022 doanh thu các cơ sở lưu trú đạt 57,8 ngàn tỉ đồng gấp 2,4 lần so với năm trước. Ảnh: TÚ UYÊN
Trong đó, khách đến từ châu Á đạt 2.595,8 ngàn lượt, gấp 19,5 lần so với năm trước; tiếp đến là khách từ châu Âu đạt 508,4 ngàn lượt gấp 31,8 lần…
Lượng khách du lịch tăng cao góp phần giúp doanh thu của cơ sở lưu trú và lữ hành tăng so với năm 2021.
Theo đó, năm 2022 doanh thu các cơ sở lưu trú đạt 57,8 ngàn tỉ đồng, gấp 2,4 lần và doanh thu các công ty lữ hành đạt 35,5 ngàn tỉ đồng, gấp 3,9 lần.
Tổng Cục thống kê cho biết, năm 2019 trung bình một lượt khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu đạt 1.151,7 USD, tăng 10,2 USD so với năm 2017.
Về mức chi tiêu, khách từ năm quốc gia gồm Philippines, Bỉ, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Úc chi mạnh tay nhất.
Cụ thể, mức chi tiêu khách từ Philippines đạt 2.257,8 USD, tiếp đến là khách từ Bỉ 1.995,3 USD, thứ ba khách từ Hoa Kỳ chi tiêu 1.709,7 USD.
Đáng chú ý, so với năm 2017 khách từ Philippines tăng chi tiêu 1.133,1 USD, khách từ Hoa Kỳ tăng chi lên đến 374,5 USD, khách Úc tăng chi tiêu 275,1 USD.
Khách từ Đan Mạch và Bỉ giảm nhẹ chi tiêu lần lượt 28 USD và 94,9 USD khi đến Việt Nam.
Mỗi khách đến Việt Nam chi trung bình 142,7 USD cho mua sắm. ẢNH: TÚ UYÊN
Nhóm du khách ít chi tiêu nhất khi đến Việt Nam là Lào với 343,5 USD, và giảm 36,7 USD so với năm 2017.
Tiếp theo mức chi tiêu của khách từ Campuchia 734,9 USD, giảm 59 USD so với 2017. Vị trí thứ thứ ba là khách Indonesia chi tiêu 804,9 USD nhưng so với năm 2017 tăng lên 200 USD.
Thứ tư là khách Hàn Quốc chi tiêu 838,4 USD, giảm hơn so với năm 2017. Đáng chú ý, năm 2019 khách Thái Lan chỉ chi tiêu 846,6 USD giảm đến 385,5 USD so với năm 2017.
Mức chi tiêu của khách Trung Quốc 884,3 USD tăng 140,7 USD so với 2017.
Bình quân một lượt khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu thuê phòng nhiều nhất với 346,2 USD, ăn uống 251,9 USD, đi lại 184,6 USD, tham quan 103,2 USD, mua sắm hàng hóa 142,7 USD.
Trong khi chi phí y tế khoảng 13,1 USD, các chi phí khác chiếm 109 USD.
Theo Tổng Cục thống kế, năm 2023 kinh tế thế giới gia tăng khả năng suy thoái bất ổn… kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt.
Vì vậy, Chính phủ, bộ ngành, địa phương cần có chính sách, giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Đảo này đã có sự thay đổi choáng ngợp, cuộc sống của người dân ngày càng giàu có.
Nguồn: [Link nguồn]