Đề xuất thêm phương án tín dụng với người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thay vì chỉ đề xuất cho người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần với phần người lao động đóng, phần doanh nghiệp đóng chỉ được hưởng khi tới tuổi nghỉ hưu, chuyên gia đề xuất thêm phương án giải quyết bằng tín dụng với người muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang lấy ý kiến, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất, với người lao động nghỉ việc và không đóng BHXH sau 12 tháng được hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, về mức hưởng BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến, có thể giữ mức hưởng như quy định hiện hành: Thời gian tham gia BHXH trước năm 2014, mỗi năm đóng được hưởng bằng 1,5 tháng lương tháng tính đóng BHXH; sau năm 2014, mỗi năm đóng được tính bằng 2 tháng lương.

Phương án còn lại, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, khi hưởng BHXH một lần, người lao động chỉ được nhận số tiền bằng 1 tháng lương bình quân tính đóng BHXH cho 1 năm đóng; số tiền còn lại được bảo lưu để đóng tiếp sau này. Đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu, nếu chưa đủ năm đóng để nhận lương hưu sẽ nhận BHXH một lần, hoặc đóng bù năm còn thiếu để có lương hưu, hoặc nhận trợ cấp xã hội hàng tháng.

Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần, chỉ được nhận phần mình đóng, không gồm phần ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Bộ LĐ-TB&XH chính thức đề xuất chỉ cho người lao động hưởng BHXH một lần với phần mình đóng, phần doanh nghiệp cùng đóng bảo lưu tới khi nghỉ hưu.

Bộ LĐ-TB&XH chính thức đề xuất chỉ cho người lao động hưởng BHXH một lần với phần mình đóng, phần doanh nghiệp cùng đóng bảo lưu tới khi nghỉ hưu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Minh Huân - chuyên gia trong lĩnh vực lao động - cho rằng, với phương án 2 kể trên (chỉ hưởng BHXH một lần bằng 1 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH), về cơ bản chỉ cho người lao động hưởng phần mình đóng. Riêng phần doanh nghiệp cùng đóng cho người lao động được bảo lưu để hưởng khi tới tuổi nghỉ hưu, hoặc tính cộng dồn nếu người lao động tiếp tục tham gia BHXH sau đó. Đề xuất này khác quy định hiện hành, khi hiện người lao động hưởng BHXH một lần được tính để nhận cả phần mình đóng và doanh nghiệp cùng đóng.

Theo ông Huân, đa số người lao động khi muốn nhận BHXH một lần đều gặp khó khăn về kinh tế do thiếu hoặc không chưa có việc làm ổn định. “Tâm lý người lao động khi gặp khó khăn về kinh tế đều muốn giải quyết nhu cầu trước mắt, không quan tâm tới lương hưu sau này. Do đó, nếu vẫn cho phép hưởng BHXH một lần, người lao động vẫn rút dù mức hưởng thấp, vì họ đã vào thế rất khó khăn”, ông Huân nói.

Vị chuyên gia trên đề xuất, tiếp tục giữ quy định về BHXH một lần như Điều 60 Luật BHXH năm 2014 (không được rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động, trừ trường hợp đi nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo). Hoặc thêm giải pháp hỗ trợ về tín dụng trên cơ sở số tiền BHXH đã đóng thay cho hưởng BHXH một lần, để người lao động giải quyết được khó khăn kinh tế trước mắt, nhưng vẫn bảo lưu được thời gian đóng BHXH (sau này có lương hưu, trợ cấp lúc về già).

Trường hợp áp dụng chính sách giữ lại 1 phần tiền đóng (phần doanh nghiệp đóng) khi người lao động hưởng BHXH một lần như đề xuất kết trên của Bộ LĐ-TB&XH, theo ông Huân, cần có giải pháp về bảo toàn giá trị khoản tiền giữ lại đó (như cộng thêm lợi nhuận từ đầu tư quỹ, lãi suất từ gửi ngân hàng).

Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 từng gây nhiều tranh cãi khi không cho phép người lao động nghỉ việc và dừng đóng BHXH 12 tháng trở lên được hưởng BHXH một lần (khi chưa hết tuổi lao động). Chỉ khi tới tuổi nghỉ hưu, nếu không đủ điều kiện nhận lương hưu mới được hưởng BHXH một lần.

Trước thời điểm điều luật trên có hiệu lực, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 93/2015/QH13 về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần. Nghị quyết tiếp tục cho phép người lao động hưởng chế độ BHXH một lần khi nghỉ việc và dừng đóng từ 12 tháng trở lên. Mức hưởng cho mỗi năm đóng bằng 1,5 tháng lương tính đóng BHXH với thời gian đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng lương cho những năm đóng sau 2014.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhân viên và ngân hàng sẽ bị xử nghiêm nếu ”ép” người vay mua bảo hiểm

Ngày hôm nay (20/2), Bộ Tài chính cho biết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có chỉ đạo mới nhất để xoá bỏ tình trạng nhân viên ngân hàng 'ép' người vay mua bảo hiểm. Đây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN