Đề xuất lương tối thiểu vùng tăng 7 - 8% vào năm 2020
Sáng 14/6, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã nhóm họp phiên đầu tiên bàn về tăng lương tối thiểu cho năm 2020. Đại diện phía người lao động trong Hội đồng đề xuất mức tăng lương tối thiểu năm tới từ 7-8%, trong khi đại diện phía doanh nghiệp đề xuất không tăng, còn phía cơ quan quản lý nhà nước mong sớm chốt được mức lương trong tháng 7 này.
Trao đổi với phóng viên bên lề cuộc họp, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) – đại diện người lao động cho biết: Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 đã đáp ứng khoảng 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nên năm 2020 vẫn phải tăng đề đạt mức sống tối thiểu (như Nghị quyết 27/NQ-T.Ư).
Cùng đó, kinh tế năm 2019 tiếp tục tăng trưởng tốt, nên Tổng LĐLĐ hy vọng có thể tăng lương đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2020. Do đó, điều quan trọng là xác định mức sống tối thiểu. “Do đó, chúng tôi đề xuất mức tăng lương cho năm tới là 7,06% hoặc 8%”, ông Quảng nói.
Còn đại diện cho giới chủ sử dụng lao động trong Hội đồng Tiền lương - ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Mức lương tối thiểu vùng năm tới ra sao còn phải xem tình hình ra sao. Vì chỉ số giá tiêu dùng năm nay tiếp tục duy trì dưới 4%, năng suất lao động vẫn như năm 2018. Dù kinh tế có phục hồi, nhưng sức khoẻ doanh nghiệp vẫn nhiều tiềm ẩn khó khăn.
“Hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đề nghị VCCI không chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng 2020”, ông Phòng nói, và cho rằng, hiện cơ bản doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu vùng. Việc tăng lương sẽ khiến chi phí gián tiếp của doanh nghiệp tăng, trong bối cảnh phải cắt giảm chi phí để tăng cạnh tranh.
Lương tối thiểu vùng năm 2020 có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp – Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia kỳ vọng, năm nay có thể thống nhất mức lương tối thiểu năm 2020 trong tháng 7. Hiện các chỉ số để đánh gia cho quyết định mức lương đã có, như tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đàu năm đã được Quốc hội đánh giá; tình hình sức khoẻ doanh nghiệp; các số liệu về đời sống người lao động…
“Chúng ta cần bàn bạc kỹ lưỡng các phương án. Hàng năm, các bên đại diện cho giới sử dụng lao động, người lao động trình bày phương án lương khác nhau, điều đó là bình thường. Chính vì vậy, Hội đồng tiền lương Quốc gia mới có sự bàn bạc, thương lượng để đi đến một mức thống nhất trình Chính phủ”, ông Diệp nói.
Được biết, từ nhiều năm nay, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhóm họp bàn về tăng lương, các phiên họp đều diễn ra căng thẳng, với các quan điểm, mức tăng trái ngược giữa đại diện người lao động và đại diện giới chủ sử dụng lao động.
Trước đó, từ 1/1/2019, lương tối thiều vùng được điều chỉnh tăng 5,3% so với năm 2018 (tương đương tăng từ 160.000 - 200.000 đồng trên 4 vùng lương). Theo đó, lương tối thiểu năm nay áp dụng tại vùng 1 là 4,18 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 3,71 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,25 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 2,92 triệu đồng/tháng. |
Trong kỳ đàm phán lương tối thiểu vùng diễn ra tới đây, mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ phải tăng cao hơn...