Để tín dụng tiêu dùng đẩy lùi được “tín dụng đen”

Nhu cầu về tài chính cá nhân rất đa dạng, nên chỉ khi mỗi người dân hiểu về hệ lụy của tín dụng đen, biết về các dịch vụ tài chính chính thức, hợp pháp và có khả năng tiếp cận thì hoạt động tín dụng đen mới có thể được đẩy lùi- đây là một trong những mục tiêu và cũng là giải pháp quan trọng được xác định tại buổi Tọa đàm: “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo Đầu tư Tổ chức sáng 15-3 tại Hà Nội.

Nhu cầu tài chính cá nhân là nhu cầu tất yếu

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là một lĩnh vực kinh doanh đang có tốc độ phát triển nhanh, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính của các cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống tài chính tiêu dùng chính thức có sự quản lý nhà nước, thì hệ thống cho vay tiêu dùng phi chính thức tạo ra hệ lụy xấu hay còn được gọi với tên khác là “tín dụng đen” cũng bùng nổ và tạo nhiều hệ lụy xấu với đời sống kinh tế - xã hội tại một số địa phương trong cả nước. Bởi vậy, việc phát triển thị trường tài chính tiêu dùng chính thức, hợp pháp là vấn đề đang được cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia kinh tế đặt ra.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, quy mô của tín dụng được cung ứng bởi hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên đến 7,2 triệu tỷ đồng, tương đương 131% GDP tính đến cuối năm 2018. Trong lĩnh vực tín dụng, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây.

“Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ; quan niệm lệch lạc khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen là không công bằng, hay kiến thức về tài chính-tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế…”, TS Lực tham luận tại tọa đàm.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong nền kinh tế, hộ gia đình là thành phần rất quan trọng bởi vừa là bên cung cấp vừa là bên sử dụng vốn, cụ thể, vay trực tiếp và gián tiếp qua các tổ chức trung gian.

Cụ thể, cơ cấu dư nợ hiện như sau: cho vay mua và sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng rất lớn (50%); cho vay mua hàng hóa tiêu dùng lâu bền đứng thứ hai, chiếm 24%; cho vay mua phương tiện như ôtô, xe máy chiếm 15%; cho vay mua hàng điện tử, công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ 1%; cho vay phục vụ học tập, du lịch, chữa bệnh chiếm khoảng 3%. Hiện, các công ty tài chính tín dụng tiêu dùng chủ yếu cho vay dưới hình thức mua hàng trả góp; cho vay qua thẻ tín dụng và thấu chi tài khoản còn chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 5%), nhưng tốc độ tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ và doanh số phát sinh lãi trên thẻ tăng rất nhanh qua các năm.

Để tín dụng tiêu dùng đẩy lùi được “tín dụng đen” - 1

Cần tuyên truyền để người dân biết nhiều hơn về tín dụng chính thức.

“Nhu cầu tài chính cá nhân là nhu cầu tất yếu của tất cả các tầng lớp dân cư. Để phục vụ nhu cầu chính đáng đó và cũng là để hạn chế sự phát triển của hoạt động tín dụng đen, các tổ chức tài chính mà chủ đạo là ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng cần phải được hỗ trợ và có giải pháp mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ trên mọi địa bàn, mọi tầng lớp dân cư”, ông Cung nhấn mạnh.

Đẩy mạnh thị trường tài chính tiêu dùng bằng cách nào?

Để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng chính thức, TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần thực hiện 5 giải pháp. Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng: cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng...

Thứ hai, mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân. Thứ ba, giáo dục nhận thức cho người dân.

Thứ tư, giảm thiểu rủi ro tín dụng tiêu dùng. Thứ năm, tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh giải pháp tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính.

Từ phía doanh nghiệp, ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam cho rằng, để phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý trong cuộc chiến đẩy lùi tín dụng đen, dưới góc độ doanh nghiệp, các công ty tài chính tiêu dùng cần có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện ở 5 lĩnh vực, trong đó quan trọng là tăng cường khả năng tiếp cận với người dân.

"Vì sao người dân quen chọn tín dụng đen? Lý do thật đơn giản, vì tín dụng đen quá dễ tiếp cận. Trên cột điện, trên tường, trên trụ điện, chúng ta có thể dễ dàng thấy những mẩu quảng cáo được dán chồng chồng lớp lớp mời gọi vay nóng kèm số điện thoại liên lạc", ông Xô nhấn mạnh. Ông cũng cho biết, các công ty tài chính tiêu dùng cần đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu và truyền thông để người dân biết đến thương hiệu và dịch vụ, đồng thời mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng.

Khi người dân có đầy đủ thông tin và thêm lựa chọn khi cần vay, họ sẽ giảm dần thói quen tìm đến tín dụng đen.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà An ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN