ĐBQH lo ngại nhà máy sông Đuống 5.000 tỷ chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân

Sau vụ nước sạch sông Đà bị đầu độc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lại lo ngại Công ty nước sạch sông Đuống khánh thành khi chưa có kết quả nghiệm thu. Đồng thời, đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu để doanh nghiệp tư nhân kiểm soát toàn bộ hệ thống nước sạch từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ cho người dân trong khi khung pháp lý, hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp và còn nhiều lỗ hổng sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

Nước sạch sông Đà bị “đầu độc”, Nhà máy nước sông Đuống chưa nghiệm thu?

Tiến hành thảo luận về tình hình tội phạm, phòng chống tham nhũng năm 2019, vấn đề về vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải, ảnh hưởng đến hàng chục vạn hộ dân ở Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu tại diễn đàn Quốc hội.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, sự cố nhà máy nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải làm đảo lộn cuộc sống, đe dọa sức khỏe của hàng vạn người dân Thủ đô, bộc lộ nhiều yếu kém. Sự việc cũng cho thấy tắc trách của doanh nghiệp cũng như chính quyền từ Trung ương đến địa phương khi đá trách nhiệm cho nhau, lúng túng trong giải quyết hậu quả.

ĐBQH Thạch Phước Bình ĐBQH lo ngại việc nhà máy mặt sông Đuống chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân.

ĐBQH Thạch Phước Bình ĐBQH lo ngại việc nhà máy mặt sông Đuống chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân.

Theo ông, không chỉ nhà máy nước sạch sông Đà, 4 ngày trước lễ khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng đã gửi văn bản cảnh báo nhà máy này chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, kết quả thử áp, chưa bổ sung đầy đủ các chủng loại ống.

Trước thực trạng trên, ông Bình kiến nghị Chính phủ không nên thoái vốn toàn bộ mà cần phải có lộ trình và phải nắm một phần vốn nhất định trong các công ty cấp nước. Bởi theo ông Bình nước sạch là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người và phát triển kinh tế xã hội.

“Đây cũng là quyền con người đã được hiến định trong hiến pháp. Do đó việc đảm bảo nước sạch cho cộng đồng phải là của nhà nước, không thể giao trách nhiệm cho một hay một nhóm doanh nghiệp làm thay”, ông Bình khẳng định. Mặt khác, ông Bình cho rằng, nếu để doanh nghiệp tư nhân kiểm soát toàn bộ hệ thống nước sạch từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ cho người dân trong khi khung pháp lý, hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp và còn nhiều lỗ hổng sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

“Đối với các doanh nghiệp trước đã có vốn dưới 50% sẽ giữ nguyên, còn đối với các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa thì nhà nước vẫn nên giữ cổ phần trên 50%. Có như vậy mới đảm bảo an ninh nguồn nước sạch cho người dân”, ông Bình nói.

Về an ninh nước sạch, theo quyết định của Thủ tướng, nước sạch thuộc lĩnh vực nhà nước không cần nắm quyền chi phối, tỷ lệ sở hữu được giảm xuống còn dưới 50%; đến năm 2020, nhà nước có thể thoái vốn toàn bộ.

Số liệu của Hội cấp thoát nước Việt Nam cho thấy, hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp nhà nước kinh doanh nước sạch thoái vốn trên 63 tỉnh, thành cả nước. Làn sóng mua bán các doanh nghiệp nước sạch diễn ra rầm rộ với sự vào cuộc của các đại gia trong nước và cả nước ngoài. Ông Bình ví dụ như Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà mua lại Cty TNHH MTV nước sạch Vinaconex thuộc Bộ Xây dựng; hay có đơn vị đã mua hàng loạt Công ty tại nhiều địa phương như ở Hà Nội, Bình Thuận, Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An...

“Sự xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, đủ mọi ngành nghề biến thị trường nước sạch được định giá hàng chục tỷ đô la bị giành giật khốc liệt để lại nhiều hệ lụy tiêu cực”, ông Bình nói.

Hà Nội lên phương án tăng giá nước, đại gia Thái hưởng lợi?

Công ty WHA Utilities & Power (WHAUP) (Thái Lan) vừa mua 34 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Công ty Nước mặt sông Đuống. Số cổ phiếu  này tương đương 34% cổ phần, với tổng giá trị hơn 2.073 tỷ đồng tại Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tại đây, Công ty Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên là Chủ tịch HĐQT với 51% cổ phần đang là cổ đông lớn nhất. Hai cổ đông còn lại là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (nắm giữ 10%) và Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và du lịch (nắm giữ 5%).

Doanh nghiệp Thái Lan chi hơn 2.000 tỷ đồng "thâu tóm" Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Doanh nghiệp Thái Lan chi hơn 2.000 tỷ đồng "thâu tóm" Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Tháng 9 vừa qua, Aqua One và WHAUP đã ký biên bản hợp tác chiến lược về phát triển nhà máy nước mặt sông Đuống trong năm năm tới. Hiện, dự án nước mặt sông Đuống đang cung cấp nước cho các khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần Đông Anh, Hai Bà Trưng, và Hoàng Mai; đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề. Dự án đang trong giai đoạn 1, có tổng mức đầu tư đầu tư 5.000 tỷ đồng với công suất 54,75 triệu mét khối nước sạch mỗi năm.

Được biết, lãnh đạo Hà Nội mới đây, giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Giá có thể tăng còn tăng tiếp trong thời gian tới trong bối cảnh Hà Nội cho biết đang bù lỗ tiền tỷ mỗi ngày cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.

Từ 7/2017, Hà Nội tạm tính giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT) với lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.

Mức giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống hiện cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà (hiện ở mức khoảng 5 ngàn đồng/m2). CTCP Nước sạch sông Đà hiện đang cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3 và đang có lãi lớn hàng ngàn tỷ.

Như vậy, cơ hội kiếm lời của người Thái là rất lớn và có thể còn gia tăng bởi giá nước Sông Đuống hiện ở mức cao so với nước sông Đà và giá có thể tăng tiếp trong thời gian tới.

Không chỉ nổi tiếng với việc bán nước giá cao, Nhà máy nước mặt sông Đuống còn dính lùm xùm khi đi vào hoạt động hồi đầu tháng 9/2019 nhưng chưa được nghiệm thu.

Chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân là vi phạm lớn

Trao đổi với báo chí xung quanh việc công trình nhà máy nước mặt sông Đuống- giai đoạn 1 chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã bán nước cho nhiều khu dân cư, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến an toàn sinh mạng nên cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá. Đặc biệt phải kiểm tra đánh giá về sản phẩm cuối cùng mới có thể đưa vào sử dụng.

“Quy định công trình cấp 1 trở lên do Bộ Xây dựng thẩm quyền về chất lượng công trình; kiểm tra về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và đánh giá kết quả nghiệm thu. Việc nghiệm thu sẽ kiểm tra về kết quả xây dựng có đạt yêu cầu không, công nghệ có đạt yêu cầu không, đã có nghiệm thu về chất lượng nguồn nước chưa… Trên cơ sở xem xét tất cả đã đủ điều kiện rồi thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sẽ ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư về công trình này và công trình mới đủ điều kiện để đưa vào khai thác” – PGS.TS Trần Chủng phân tích. 

Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, về nguyên tắc cơ quan Nhà nước chưa ra văn bản nghiệm thu công trình thì chưa được đưa vào sử dụng: “Việc công trình chưa được chấp nhận nghiệm thu mà đã đưa vào sử dụng là vi phạm. Luật đã quy định như vậy rồi mà chủ đầu tư không tuân thủ thì đương nhiên vi phạm mà là vi phạm lớn. Một nhà máy nước lớn như nhà máy sông Đuống chưa được nghiệm thu đã cung cấp bán nước cho dân thì không được, là không ổn” – ông Chủng nhấn mạnh.

Bí ẩn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức chuyển lỗ thành lãi

Thị trường chứng khoán vừa áp sát mốc 1.030 điểm tuy nhiên đã thất bại vào phút cuối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng - Đình Phong ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN