Đầu tư vào chất lượng giao dịch, ngân hàng tăng trưởng mạnh
Càng vào giai đoạn cuối năm, các nhà băng càng chạy đua nước rút để về đích. Từ kết quả hoạt động bán niên của các ngân hàng Việt Nam cho thấy có sự phân hóa sâu sắc, khi phong độ dẫn đầu tiếp tục được củng cố ở những ngân hàng tập trung cho chất lượng.
Tăng trưởng vượt trội đến từ đâu?
Trong bối cảnh năm 2019, chính sách thắt chặt tín dụng vẫn được Ngân hàng nhà nước đặt làm mục tiêu bên cạnh hoạt động tăng cường quản lý chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu, câu hỏi được quan tâm là tăng trưởng vượt trội của các ngân hàng đến từ đâu?
Trong danh sách Top 2 về lợi nhuận ngành ngân hàng, hai cái tên vẫn tiếp tục được xướng lên là Vietcombank và Techcombank. Tại Vietcombank, lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng đến từ danh mục cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh, giải ngân tập trung vào phân khúc cho vay cá nhân và tỷ trọng cho vay dài hạn tăng.
Trong khi đó, sau 6 tháng đầu năm, Techcombank có lợi nhuận trước thuế đạt kỷ lục gần 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 32%, doanh thu đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong đó thu nhập lãi thuần đạt gần 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28%; thu nhập phí tăng 19% so với cùng kỳ. Như vậy, Techcombank đã có 15 quý tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận liên tiếp.
“Chúng tôi đã tập trung vào đầu tư công nghệ để phục vụ được lượng lớn khách hàng và giao dịch đang tăng trưởng rất nhanh”, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank trao đổi với giới phân tích mới đây.
Tập trung vào chuyển đổi số đã đem lại những kết quả bất ngờ. Đơn cử, gần 1 triệu tỷ đồng đã giao dịch qua kênh online của Techcombank trong 6 tháng đầu năm 2019, gấp 3 lần cùng kỳ 2018. Thay vì mất 1 tuần để làm thẻ tín dụng, giờ đây khách hàng hiện hữu đã sử dụng các sản phẩm của Techcombank có thể mở thẻ tín dụng qua kênh giao dịch online, và chỉ mất dưới 15 phút để thực hiện toàn bộ các thủ tục này.
Tương tự là sản phẩm tiền gửi online cá nhân, 6 tháng đầu năm lượng hợp đồng online tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đầu năm 2018 tỷ lệ tổng huy động có kì hạn trên kênh online của ngân hàng chiếm khoảng 12% trên tổng huy động, con số này (Quý II/2019) hiện đạt gần 30%. Techcombank đặt mục tiêu đưa sản phẩm tiền gửi online cá nhân này vào cuối năm đạt tới 40% tổng huy động. Như vậy, mất chưa tới 3 phút thực hiện thao tác, khách hàng sử dụng các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm trên kênh online của Techcombank còn được hưởng lãi suất cao hơn.
“Gần 1 triệu tỷ đồng chuyển khoản qua kênh online của Techcombank đã được ngân hàng miễn phí giao dịch. Đây chính là cách Techcombank chọn làm để giúp người dân thay đổi thói quen dùng tiền. Nếu tính từ khi triển khai chương trình E-Banking 0 đồng vào tháng 9/2016 đến hết Quý I/2019, Techcombank đã miễn khoảng 600 tỷ đồng tiền phí cho khách hàng chuyển khoản điện tử” - Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ.
Kênh dẫn vốn hiệu quả
Những dữ liệu thu thập được từ các ngân hàng dẫn đầu đã chứng minh rất rõ rằng sự khác biệt về chất lượng nợ và mô hình kinh doanh sẽ tiếp tục tạo ra sự phân hóa về lợi nhuận giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã sạch nợ VAMC, chất lượng nợ tốt và có hoạt động tập trung vào phân khúc bán lẻ sẽ gia tăng lợi nhuận nhanh hơn các ngân hàng đang gặp khó khăn trong hoạt động xử lý nợ.
Các mảng hoạt động tiềm năng của ngành ngân hàng trong năm 2019 tập trung rõ rệt ở ngân hàng bán lẻ, ngân hàng giao dịch và đặc biệt nửa đầu năm nay có sự trỗi dậy ở mảng ngân hàng đầu tư. Hiện tại, nguồn vốn vay của doanh nghiệp đến chủ yếu dựa vào tín dụng của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, với chính sách thắt chặt tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả.
Tại Techcombank, hoạt động ngân hàng đầu tư đã dẫn dắt thị trường nhiều năm trước. Năm 2018, Techcombank đã tư vấn cho các doanh nghiệp phát hành 62 ngàn tỷ trái phiếu, tăng trưởng 46% so với năm 2016. Lượng trái phiếu này sau đó được phân phối cho các khách hàng tổ chức và cá nhân, với khối lượng trái phiếu được phân phối đạt 24,4 ngàn tỷ, tính trên nửa đầu năm 2019.
Chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm của Techcombank tập trung vào 6 lĩnh vực kinh tế chính, chiếm khoảng 48% GDP của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng 16%, hơn gấp đôi mức tăng trưởng GDP. Quan trọng hơn nó bao phủ phần lớn nhu cầu của người Việt Nam, từ những nhu cầu dài hạn như mua nhà, mua ôtô cho đến những nhu cầu hàng ngày như thanh toán tiêu dùng, thực phẩm, đi lại, bán lẻ…
“Khách hàng có nhiều nhu cầu, trong đó tín dụng chỉ là một phần, và Techcombank mong muốn cung ứng giải pháp toàn diện cho cácnhu cầu đó. Chúng tôi kết nối các lĩnh vực kinh tế với nhau, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị từ người tiêu dùng cuối cho đến những nhà sản xuất, nhà phân phối. Quản lý dòng tiền, quản trị rủi ro được các khâu trong chuỗi giá trị, đang đem lại giá trị cao nhất cho khách hàng và lợi nhuận, vì vậy, sẽ tự đến”, Tổng Giám đốc Techcombank cho hay.
Giai đoạn cuối năm 2019 sẽ là cuộc đua quyết liệt giữa các ngân hàng. Tiềm năng của thị trường còn rộng lớn nhưng mức độ tăng trưởng được giới chuyên gia nhận định sẽ không dàn đều, mà tiếp tục phân hóa mạnh theo chiến lược và các giải pháp thực thi.Trong đó lợi thế sẽ nghiêng về các ngân hàng đã có những bước đi vững chắc tập trung vào nguồn lực con người và công nghệ.