Đầu tháng 10 sẽ cấp phép thí điểm Mobile Money

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Những thủ tục cấp giấy phép thí điểm Mobile Money đang được hoàn tất để tiến tới đầu tháng 10 sẽ cấp phép triển khai dịch vụ này.

Tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để lên môi trường số thì việc thanh toán điện tử được coi là nền tảng. Cách nhanh nhất để thanh toán điện tử phủ được toàn dân thì mobile money là giải pháp tốt nhất.

Những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 sẽ cấp phép thí điểm triển khai dịch vụ này 

Những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 sẽ cấp phép thí điểm triển khai dịch vụ này 

"Hiện nay, những thủ tục cuối cùng đang được hoàn tất để đầu tháng 10 này, giấy phép thí điểm mobile money sẽ được cấp và hy vọng sẽ tạo thành cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số", Bộ trưởng Hùng cho hay.

Theo Cục Viễn thông, khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money tương tự như các hình thức thanh toán khác có thể sẽ phải trả một mức phí nhất định. Tuy nhiên, mức phí sẽ được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xem xét phù hợp với mặt bằng chung của các khoản thanh toán có giá trị nhỏ để khuyến khích người dân sử dụng và phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng cho biết, điểm khác biệt giữa tài khoản Mobile Money với các phương tiện hiện nay là không cần phải có tài khoản ngân hàng, không cần phải đến các điểm giao dịch ngân hàng, các máy rút tiền ATM… để rút tiền, nạp tiền và chuyển tiền theo nhu cầu của khách hàng.

Điểm khác biệt này sẽ giúp người dân và hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong việc người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có sự hiện diện của ngân hàng được tiếp cận với hệ thống thanh toán.

Đồng thời, Mobile Money cũng được kỳ vọng hỗ trợ phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo ra cơ hội để phát triển các dịch vụ thanh toán khác. Người dân dễ dàng làm quen với phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt và từng bước trở thành khách hàng tiềm năng của các ngân hàng, tổ chức tài chính.

Lãnh đạo Cục viễn thông cũng khẳng định, Mobile Money là một công cụ có tính phổ cập, để đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn là một trong những mục tiêu quan trọng của tài chính toàn diện.

Cơ quan quản lý viễn thông cho biết mục tiêu chính của Mobile Money là tận dụng hạ tầng viễn thông sẵn có để tiết kiệm chi phí xã hội và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện không sử dụng tiền mặt cho các đối tượng là người dân nghèo, người yếu thế ít có khả năng sử dụng các phương tiện tài chính hiện đại như thẻ ngân hàng, ứng dụng mobile banking...

Về quản lý thanh khoản của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch bụ Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước sẽ là đơn vị trực tiếp quản lý, đảm bảo quyền lợi cho các ngân hàng thương mại.

Bộ trưởng Bộ TTTT cũng thông báo với cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị là các phần mềm phòng chống Covid-19 chính thức của Chính phủ đã được tích hợp vào một App duy nhất. Hiện nay có nhiều App tự phát trên thị trường đáp ứng các nhu cầu khác nhau, nhưng chính thức của Chính phủ thì chỉ có một là PC-Covid.

Năm 2019, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VNPT (công ty mẹ của Vinaphone) đều đã đăng ký thêm ngành nghề "trung gian thanh toán", dọn đường cho việc cung cấp Mobile Money. Ngoài đăng ký thêm ngành nghề, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, nhân sự để sẵn sàng cung ứng dịch vụ.

Theo ước tính, Mobile Money được coi là cơ hội mang lại cho các nhà mạng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Doanh thu này vừa là dư địa mới, vừa bao gồm cả doanh thu thanh toán nhỏ của các ngân hàng.

Trước đó Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money có hiệu lực từ ngày 9/3/2021 và sẽ được thực hiện trong 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm.

Giá vàng hôm nay 28/9: Tăng rồi lại giảm, không có động lực bứt phá

Giá vàng lại laonh quanh về ngưỡng 1.750 USD/ounce, chưa thể bứt phá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương (Dân Việt)
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN