"Đầu nậu" nhà ở xã hội hoành hành thu lời bất chính, người nghèo khóc ròng

Theo tìm hiểu, điều tra của nhóm PV, thời gian gần đây nhiều chủ căn hộ, thậm chí là "tay chân" của chủ đầu tư ngang nhiên rao bán nhà ở xã hội với giá thương mại. Trong khi đó, người có nhu cầu thật mua nhà ở xã hội lại không thể tiếp cận được bởi nhiều lý do khác nhau. Nhà ở xã hội đang trở thành miếng "bánh ngon" cho... nhà có điều kiện, có vốn kiếm lời bất chính.

Thu gom bán lại kiếm lời?

Trong vai người cần mua nhà ở xã hội, PV tìm đến dự án nhà ở xã hội An Phú Đông, đường Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM. Khi PV vừa bước vào tầng hầm giữ xe, lập tức người bảo vệ ở đây vồ vập nói: “Cậu có nhu cầu mua nhà không? Tòa nhà đang có mấy căn nhà ở xã hội, trước đó có người mua nay muốn bán lại theo hình thức lập vi bằng”.

Theo giải thích của người bảo vệ, người mua sẽ mua lại suất nhà ở xã hội đó còn giấy tờ thủ tục thì vẫn đứng tên chủ cũ, khi đến thời hạn 5 - 10 năm sẽ làm thủ tục sang tên.

"Đầu nậu" nhà ở xã hội hoành hành thu lời bất chính, người nghèo khóc ròng - 1

Nhà ở xã hội. (Ảnh minh hoạ).

Sau khi PV đồng ý xem nhà, người bảo vệ liền cầm chìa khóa lên mở căn hộ để PV xem. Căn nhà này đã hoàn thiện phần nội thất cơ bản như sàn gỗ, sơn tường, đã có bếp... Người bảo vệ cho biết, căn hộ này được rao giá 1,4 tỷ đồng, diện tích gần 60m2. Một lúc sau, ông chủ của căn hộ này xuất hiện và cho biết: “Tôi đã mua 2 căn hộ tại dự án này, hiện không có nhu cầu ở nên bán lại. Thủ tục mua bán thì lập vi bằng, khi đến hạn sẽ chuyển tên sang sổ ngay”.

Sau khi PV xem nhà xong, trước khi ra về, bảo vệ toà nhà này cho biết thêm, hiện còn một số căn hộ khác, có thể giới thiệu cho PV mua tiếp. Những ngày sau đó, bảo vệ còn liên tục gọi điện giới thiệu những căn khác cũng là nhà ở xã hội tại dự án này, đang rao bán với giá 1,3 – 1,5 tỷ đồng, tùy diện tích, vị trí...

Trong khi đó, PV liên hệ qua số điện thoại nóng của chủ đầu tư là công ty Cổ Phần địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group, địa chỉ tại 63 - 65 Điện Biên Phủ phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên tên Trang tiếp thị: “Hiện chỉ còn 1 căn nhà ở xã hội duy nhất và đang bán với giá là là gần 1,5 tỷ đồng. Để mua nhà ở xã hội, điều kiện là chưa có nhà ở, có tạm trú hoặc hộ khẩu tại TP.HCM và được hưởng các gói ưu đãi của TP.HCM như, vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi”.

Từ những màn tiếp tiếp thị, rao bán trên, nhiều người đặt dấu hỏi có hay không, tình trạng chủ đầu tư tiếp tay cho hành vi ngang nhiên bán nhà ở xã hội với giá thương mại? Đặc biệt hơn, lực lượng bảo vệ toà nhà đang kiêm luôn “cò” bán nhà ở xã hội tại dự án này?

Cũng theo tìm hiểu của PV, dự án bán nhà ở xã hội An Phú Đông có quy mô diện tích dự án là gần 4.300m2, với diện tích xây dựng là 1.700m2, mật độ xây dựng là 40%, mật độ cây xanh gần 18%. Tuy nhiên thực tế ghi nhận của PV cho thấy, toàn bộ phần diện tích đất cơ bản đã được xây dựng hết, mảng cây xanh hầu như không có, bao quanh dự án này đều là tường giáp ranh và đất trống còn lại rất ít ỏi.

Hơn thế nữa, thời điểm PV có mặt tại dự án này, nhiều hạng mục đang bị xuống cấp, khu vực đường vành đai, vỉa hè bao quanh căn hộ đang được đội thi công đục cắt, chắp vá. Một cư dân mua nhà tại dự án này cho biết: “Chung cư này mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn nhưng đã xuống cấp, chắc chắn là có vấn đề về chất lượng công trình. Chúng tôi rất lo lắng và đề nghị chủ đầu tư, cơ quan chức năng kiểm định. Khu này đất yếu, nếu không có các biện pháp xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến cư dân về sau”.

Trao đổi với PV, ông Thái Quốc Dương, Chánh văn phòng của Saigonres Group cho biết: “Do đất nền khu vực này yếu nên bị lún?”. Tuy nhiên, PV truy vấn về chất lượng công trình thì ông Dương cho hay phải có bộ phận chuyên môn trả lời.

Lách luật trục lợi

Qua ghi nhận, điều tra của PV cho thấy, hiện có nhiều người ngang nhiên rao bán nhà ở xã hội tại dự án An Phú Đông của Saigonres Group. Điển hình, người tên H. đang rao bán căn nhà ở xã hội có diện tích 68m2 tại dự án với giá hơn 1,3 tỷ đồng. Khi được hỏi, người này cho biết: “Do có việc gấp nên nhượng lại, giao nhà ngay”.

"Đầu nậu" nhà ở xã hội hoành hành thu lời bất chính, người nghèo khóc ròng - 2

Dự án An Phú Đông được khởi công xây dựng trong bối cảnh Chương trình phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn.

Theo các quy định hiện hành về về nhà ở nhà xã hội của bộ Xây dựng, người mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán hoặc thế chấp sau 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà. Đồng thời, chủ sở hữu cũng đã được cấp sổ đỏ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo các quy định của pháp luật về đất đai. Riêng trường hợp thời hạn chưa đủ 5 năm thì chỉ được thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó. Nếu muốn bán lại, chỉ được bán cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội hoặc các đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định. Giá bán không được vượt quá giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm.

Thế nhưng, những người bán lại lách luật bằng một cách khác, có thể làm các thủ tục hết sức dễ dàng, chứ không sợ rủi ro. Theo đó, những người bán căn nhà ở xã hội sẽ viết di chúc tặng, cho căn nhà và ký hợp đồng ủy quyền cho người mua nhà toàn quyền thanh toán tiền mua, chuyển nhượng căn nhà với chủ đầu tư. Lúc đó, các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết mà không phải lo lắng về thủ tục pháp lý về sau.

Trước tình trạng này, người dân hết sức bức xúc, vì người có nhu cầu ở thật lại không thể mua được nhà, trong khi đó nhiều người lại trục lợi từ kinh doanh nhà ở xã hội. Anh Võ Văn Thắng, ngụ quận 12, TP.HCM sống gần dự án nêu trên cho biết: “Khi dự án này khởi công xây dựng, tôi đã tìm hiểu để mua tuy nhiên lại không đáp ứng đủ điều kiện. Nay thấy người ta rao bán nhà ở xã hội với giá thương mại, tôi hết sức bức xúc”.

Theo luật sư Trần Văn Thành, đoàn Luật sư TP.HCM, người dân muốn mua nhà ở xã hội phải đáp ứng những tiêu chí nhất định và trải qua các bước để thẩm định hồ sơ. Những ai đạt đủ tiêu chuẩn mới được mua, đồng thời họ cũng không được mua bán, chuyển nhượng trong 5 năm đầu. Tuy nhiên, “nhiều nơi đang thả lỏng việc điều kiện mua nhà ở xã hội dẫn tới mất cơ hội mua nhà cho nhiều người có nhu cầu ở thật. Đồng thời, cũng tạo cho một số người, nhóm người trục lợi trong việc mua bán nhà ở xã hội để kiếm lời. Không loại trừ khả năng móc nối của các bên liên quan.

Chủ đầu tư “im lặng là vàng”?

Liên quan đến vấn đề này, PV cũng đã liên hệ đến sở Xây dựng TP.HCM tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời. Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc sở Xây dựng TP.HCM nêu quan điểm: “Phải có các quy định để xử lý trách nhiệm cụ thể và nghiêm khắc đối với các đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng này. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, phải kiên quyết thu hồi nhà để đảm bảo công bằng chính sách cho những người nghèo thật sự”.  

Liên quan đến những vấn đề nêu trên, đặc biệt, sau khi PV đã cung cấp các chứng cứ liên quan đến việc bảo vệ toà nhà “tiếp tay” bán nhà ở xã hội với giá thương mại, ông Thái Quốc Dương, Chánh văn phòng của Saigonres Group khẳng định: “Sẽ báo cáo lãnh đạo và có cuộc gặp để làm với việc PV”. Tuy nhiên, cho đến nay, PV vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ chủ đầu tư.

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về việc này.   

Sau 3 năm tăng trưởng, thị trường bất động sản có xu hướng chững lại

Tăng trưởng liên tục từ năm 2013-2016, thị trường bất động sản từ năm 2017, 2018 có xu hướng chững lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tùng - Hoàng Việt ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN