Đấu giá đất "ế" vì khởi điểm cao, cần phân biệt giá phổ biến và giá cá biệt
Theo đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần phân biệt giá phổ biến, giá cá biệt trong tính giá đất.
Khởi điểm quá cao so với mặt bằng chung
Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi mới tổ chức đấu giá 116 lô đất, đoạn từ đường sắt Bắc - Nam đến đường Hoàng Văn Thụ thuộc dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang - Cầu Mới (TP Quảng Ngãi) và dự kiến thu ngân sách khoảng 285 tỷ đồng. Nhưng đáng nói, phiên đấu giá không thành công, tất cả các lô đất đều "ế" khách.
Khu dân cư với 116 lô đất, đoạn từ đường sắt Bắc - Nam đến đường Hoàng Văn Thụ thuộc dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang - Cầu Mới (TP Quảng Ngãi) biến thành bãi chăn thả trâu bò sau nhiều lần đấu giá không thành công
Nguyên nhân được xác định do hạ tầng khu đất đấu giá chưa đấu nối hoàn chỉnh, giá khởi điểm quá cao so với mặt bằng của địa phương. Cụ thể: Lô đất diện tích 100 m2 có giá khởi điểm đấu giá thấp nhất là 985,3 triệu đồng (9,85 triệu đồng/m2). Trước tình trạng trên, Sở TN&MT Quảng Ngãi yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này tổ chức rà soát, đánh giá khả năng đấu giá thành công đối với 116 lô đất nói trên.
Tương tự tại Hà Tĩnh, Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật thông báo đấu giá quyền sử dụng đất đối với 9 lô đất thôn Hoà Bình, xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ. Trong đó 8 lô cùng diện tích 160m2/lô, giá khởi điểm 3,5 tỷ đồng, bước giá 176 triệu đồng, riêng lô số 24 diện tích 262,21m2 có giá 4,7 tỷ đồng, bước giá 237 triệu đồng (khởi điểm từ 18 -22 triệu đồng/m2). Nhưng phiên đấu giá không thành công do không có người mua hồ sơ.
Đại diện Phòng tài chính kế hoạch huyện Đức Thọ cho hay, việc xây dựng mức giá khởi điểm của 9 lô đất kể trên căn cứ vào giá thị trường. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận rằng kế hoạch bỏ phiếu đấu giá 9 lô đất ở xã Lâm Trung Thủy lần 1 đã thất bại vì không có người tham gia.
"Huyện đưa ra giá khởi điểm như vậy người dân thấy phù hợp thì mua, không thấy phù hợp thì không tham gia. Nhưng sắp tới nếu thêm 2 lần thông báo bán hồ sơ đấu giá vẫn không có người tham gia thì sẽ tham mưu huyện hạ giá khởi điểm xuống thấp hơn", vị đại diện nói.
Cũng trên địa bàn huyện Đức Thọ, Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh ra thông báo đấu giá quyền sử dụng 12 lô đất tại khu vực Nhà Lay Trên, thuộc thị trấn Đức Thọ. Nhưng chỉ bán ra được 2 hồ sơ tham gia đấu giá.
Cần phân biệt giá phổ biến, giá cá biệt
Ông Bùi Ngọc Nhật, Bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ lý giải, nguyên nhân cuộc đấu giá không tổ chức được thành công như kế hoạch là vì người dân cho rằng mức giá khởi điểm chưa phù hợp nên ít người tham gia đấu giá.
"Năm ngoái, tại khu vực đất nêu trên cũng có hơn 10 lô đất được đưa ra đấu giá. Giá các lô đất bán dao động từ 1,6 - 1,7 tỉ đồng. Căn cứ vào tình hình thị trường, thị trấn đề xuất với huyện Đức Thọ mức giá khởi điểm cho 12 lô đất giá tương đương đợt trước. Tuy nhiên sau đó huyện đưa ra mức giá cao hơn địa phương đề xuất", ông Nhật nói.
Cũng theo ông Nhật, tới đây sẽ tiếp tục thông báo bán đấu giá thêm hai lần nữa, nếu vẫn không bán đấu giá thành công thì địa phương sẽ đề xuất giảm giá khởi điểm xuống.
Trao đổi với PV Báo Giao thông liên quan đến nội dung này, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, tới đây pháp luật cần quy định lại về giá đất để tính giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất. Theo ông Chính, giá khởi điểm để tổ chức đấu giá phải là giá phổ biến trên thị trường. Còn giá của 1 lô đất mà người đấu giá trúng sau quá trình đấu giá là giá cá biệt. Giá cá biệt không thể đại diện cho thị trường. Do đó người dân không thể căn cứ vào giá cá biệt để đòi bồi thường thêm, cũng như Nhà nước không thể lấy giá cá biệt để làm cơ sở thanh tra, kiểm tra, kết luận về hoạt động định giá đất.
Giá nhà tăng cao, nguồn cung khan hiếm, người có nhu cầu ở thực khó tiếp cận, trong khi đó loạt dự án đầu tư xong bỏ hoang...
Nguồn: [Link nguồn]