Đất nền ế ẩm, môi giới đi bán nước mía và buôn rau

So với cùng kỳ năm 2022, lượng quan tâm, tìm mua đất nền giảm gần 50% khiến môi giới dần mất niềm tin vào thị trường, chuyển sang bán nước và buôn rau củ.

“Trà đá hay nước mía em ơi”, đó là câu nói quen thuộc của anh K (39 tuổi, môi giới đất nền có tiếng ở Bắc Giang) khi thấy người lạ ghé vào hàng nước dựng tạm trước cổng một dự án đất nền tại Bắc Giang.

Anh K cho biết, cách đây hơn 1 năm anh từng đứng ở khu vực này nhưng khi ấy anh chào người lạ bằng câu: “Xem đất nền anh ơi, giá lúa non đầu tư là có lãi, chốt nhanh lãi đậm”. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường trầm lắng, nhà đầu tư thưa vắng, anh phải chuyển sang bán nước cho công nhân xây dựng khu vực xung quanh để có đồng ra đồng vào.

Hình ảnh thưa vắng người tại các dự án đất nền ở Bắc Giang thời điểm hiện tại. (Ảnh minh họa: Lộc Liên)

Hình ảnh thưa vắng người tại các dự án đất nền ở Bắc Giang thời điểm hiện tại. (Ảnh minh họa: Lộc Liên)

Tương tự anh K, ông L (46 tuổi) từ một môi giới nhà đất có tiếng “mát tay”, có số má và thuộc hàng VIP cũng đang tất bật làm thương lái rau củ tại chợ đầu mối ở Hà Nội.

“Cái nghề môi giới BĐS kể ra cũng bạc, thời “sốt đất”, có tháng mối lái được vài lô đất là anh em ăn tiêu xả láng, đi ăn nhà hàng còn mạnh tay bo cho nhân viên đến triệu bạc, giờ đi buôn rau củ, kì kèo từng nghìn đồng với khách. Có hôm tôi còn đi giao rau cho chính cái nhà hàng trước đây hay dẫn đối tác đi liên quan, nhân viên nhận ra người quen mà cũng chả nói câu gì”, ông L ngậm ngùi nói.

Thực tế, ngoài anh K và ông L, không ít môi giới BĐS cũng đang gặp khó khăn vì thị trường nguội lạnh trong thời gian dài.

Chia sẻ tại buổi công bố báo cáo thị trường bất động sản Quý II/2023, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng nhận định nửa năm qua thị trường BĐS trải qua không ít khó khăn, thách thức và chưa thể khắc phục.

Cụ thể, dữ liệu của Batdongsan.com.vn chỉ ra, lượng tìm mua BĐS toàn quốc trong nửa đầu năm 2023 giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, lượng tin đăng bán BĐS cũng giảm 44%.

Đáng chú ý, lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình giao dịch trầm lắng do niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cả nguồn cung và lực cầu BĐS vẫn đang đối diện nhiều thách thức.

Lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Lộc Liên)

Lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Lộc Liên)

Minh chứng là qua khảo sát với gần 1.000 môi giới BĐS cho thấy, khó khăn lớn nhất khiến các giao dịch nhà đất không thể “chốt kèo” chủ yếu do người mua có tâm lý muốn giữ tiền chờ BĐS giảm thêm. Trong khi số khác cảm thấy hoang mang, nghi ngại thị trường BĐS sẽ vẫn còn tiêu cực nên chưa dám bỏ tiền vào.

Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, ở mức 3,58% (so với 8,51% cùng kỳ 2022), lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất vay vẫn ở mức cao trên 13%. Còn kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi.

Do đó, mặc dù Chính phủ đã có những động thái quyết liệt gỡ khó, từ tháo gỡ pháp lý cho hàng loạt dự án, hạ lãi suất điều hành, liên tục giảm lãi suất huy động…nhưng thị trường BĐS vẫn chưa thể vực dậy. Bởi lẽ, các chính sách mà Chính phủ đưa ra chưa kịp thẩm thấu vào thị trường.

Hàng loạt mặt bằng trên đất vàng ở phố cổ Hà Nội ế khách thuê

Dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng nhiều mặt bằng diện tích lớn tại Hà Nội dù đã giảm giá nhưng vẫn khó tìm khách thuê.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lộc Liên ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN