Đằng sau lợi nhuận ngàn tỉ của nhiều ngân hàng
Nhiều ngân hàng báo lãi hàng ngàn tỉ đồng nhưng điều đó thực sự chưa hẳn phản ánh chính xác hiệu quả hoạt động
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của ngành ngân hàng (NH) vừa khép lại, với một loạt NH thương mại tiếp tục báo lãi hàng ngàn tỉ đồng, một số NH thậm chí có lãi vượt mốc 10.000 tỉ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp (DN) khó khăn nhưng ngân hàng lại lãi lớn nhưng thực tế lại không như vậy.
Lợi nhuận tăng, nợ xấu cũng tăng
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của 25 NH niêm yết lớn nhất cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 61.600 tỉ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Vietcombank lãi xấp xỉ 20.500 tỉ đồng; BIDV hơn 13.800 tỉ đồng; MBBank trên 12.700 tỉ đồng; VietinBank cũng đạt hơn 12.500 tỉ đồng; Techcombank vượt 11.200 tỉ đồng… Nhiều NH thương mại khác như ACB, VIB, HDBank, LPBank, TPBank, VPBank, Sacombank cũng báo lãi vài ngàn tỉ đồng.
Nhiều ngân hàng báo lãi hàng ngàn tỉ đồng .Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, nếu tính đủ cả những cái tên có lợi nhuận sụt giảm tới 90% so với cùng kỳ, bức tranh sẽ khác. Trong đó, chất lượng tài sản của toàn ngành có dấu hiệu suy giảm với tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ 1,9% tại thời điểm cuối quý I lên mức 2,1% cuối quý II/2023.
Trong những lần trao đổi, câu chuyện được lãnh đạo các NH đề cập nhiều nhất không phải lợi nhuận, mà là nợ xấu. Nỗi lo nợ xấu lấn át cả niềm vui lợi nhuận của các NH. Nợ xấu tăng trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn, lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên gia Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dẫn thống kê từ tốp 25 NH niêm yết lớn nhất hệ thống cho thấy tỉ lệ nợ xấu đến cuối quý II đã tăng lên 2,1% nhưng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lại giảm từ mức 106% xuống còn 98%. Điều này có nghĩa nợ xấu tăng nhưng các NH lại giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Báo cáo cập nhật nhanh ngành NH của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, cũng cho thấy nợ xấu có xu hướng tăng tại nhiều NH thương mại trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm tốc.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, cho hay trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi, các DN hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, từ đó làm cho nợ xấu gia tăng dù NH Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ. Thực tế tỉ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30-6 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là không nhỏ.
Hiệu quả chỉ ở mức trung bình
Thống kê từ một số tổ chức tài chính trong nước cho thấy xét về hiệu quả hoạt động trong năm 2022, các chỉ số về khả năng sinh lời của ngành NH chỉ ở mức trung bình trong nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số trung bình ngành về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt mức tương đối cao 18,52% (chỉ thấp hơn ngành công nghệ thông tin là 22,25%).
Ngành NH có đặc thù là DN kinh doanh tiền tệ nên tỉ lệ đòn bẩy của các NH rất lớn (tổng tài sản lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu). ROE của ngành NH cao còn do 2 yếu tố không phản ảnh chính xác kết quả lợi nhuận của các NH, mà thực tế làm cho lợi nhuận của NH thấp hơn. Cụ thể là các khoản lãi dự thu của các NH còn rất lớn, khi không ít khách hàng đã phát sinh nợ quá hạn nhưng vẫn được hạch toán lãi dự thu. Điều này dẫn đến hạch toán thu nhập chưa sát với thực trạng tín dụng và nợ xấu.
Để phản ánh sát hơn khả năng sinh lời của ngành NH, theo các chuyên gia, cần xem xét thêm chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA). Số liệu của Vietstock Finance cho thấy trong năm 2022, trung bình ngành NH có ROA là 1,58%, thấp hơn trung bình toàn thị trường (2,37%) và chỉ cao hơn ngành bảo hiểm (1,1%), sản xuất nông nghiệp (-0,7%)… Ngành xây dựng và bất động sản dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2022 nhưng có mức ROA cao hơn cả ngành NH.
Đến quý I/2023, trong khi nhiều ngành ROA đều tăng trở lại riêng ngành NH lại có mức ROA trung bình giảm sâu, chỉ đạt 0,41%. Những con số trên cho thấy, khả năng sinh lời của ngành NH trong tương quan với các ngành kinh tế khác không quá cao.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhận định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng đặt ra thách thức cho các NH trong việc kiểm soát chất lượng tài sản. Do một số áp lực được đẩy về tương lai khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NH Nhà nước về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực, nhất là trong trường hợp các NH không kiểm soát tốt chất lượng tài sản, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sẽ có rủi ro tăng nợ xấu.
Nợ xấu trong tầm kiểm soát
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định nợ xấu dù tăng nhưng trong tầm kiểm soát, đặc biệt khi Thông tư 02 cho phép NH thương mại cơ cấu thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ trong vòng 1 năm tới thời điểm 30-6-2024. Thông tư 02 sẽ giúp cho tỉ lệ nợ xấu không bị tăng quá cao, giúp DN và bên vay có thể tiếp tục tiếp cận vốn để sản xuất, kinh doanh. "Các NH vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp với thực chất khoản vay, theo lộ trình 50% năm 2023 và đủ 100% hết năm 2024. Điều này có ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận của NH nhưng không nhiều do họ đã chủ động tăng trích lập dự phòng trong 3 năm qua và năng lực tài chính khá vững chắc" - TS Cấn Văn Lực nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với kết quả kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu MWG cũng đi ngược đà tăng chung của thị trường.