Đằng sau dự báo người Việt giàu nhanh nhất thế giới: 10 năm tới, nhiều người vẫn giàu từ đất

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Dự báo người Việt Nam sẽ giàu lên nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới đang gây chú ý trong những ngày gần đây. Bên cạnh nhóm tỷ phú, triệu phú và tăng trưởng tài sản đạt tới 125% trong 10 năm tới có thể đến từ tầng lớp trung lưu; sự thịnh vượng của Việt Nam sẽ có những đóng góp từ những ngành nghề mới, có dư địa lớn như công nghệ, thương mại và cả dòng chảy thu hút FDI.

Giàu lên nhờ bất động sản

CNBC mới đây dẫn báo cáo của Công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) và Hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners (Thụy Sĩ) cho thấy, Việt Nam sẽ chứng kiến ​​mức tăng trưởng tài sản đột biến nhất thế giới, lên đến 125% trong 10 năm tới. Theo thông tin đưa ra, Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú có tài sản hơn 1 triệu USD và 58 người có tổng tài sản từ 100 triệu USD trở lên. Andrew Amoils, nhà phân tích của New World Wealth đánh giá, 125% là tốc độ tăng nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào, xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 10 năm qua, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 2.190 USD lên 4.100 USD.

Quan sát trên thị trường chứng khoán, nhóm 10 người giàu nhất Việt Nam hiện nay phần lớn xuất phát từ hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Vị trí đầu tiên là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vingroup (94.052 tỷ đồng). Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sunshines Homes đứng vị trí thứ 3 (23.418 tỷ đồng). Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sovico xếp hạng 4 (23.095 tỷ đồng).

Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản khác có giá trị tài sản lớn trên thị trường chứng khoán như ông Bùi Thành Nhơn (Novaland), ông Nguyễn Văn Đạt (Phát Đạt), bà Nguyễn Thị Nga (BRG), ông Đặng Thành Tâm (Kinh Bắc), ông Nguyễn Văn Tuấn (Gelex)...

Những người giàu nhất sàn chứng khoán (thứ tự từ trái qua phải: Ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, ông Đỗ Anh Tuấn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Hồ Hùng Anh)

Những người giàu nhất sàn chứng khoán (thứ tự từ trái qua phải: Ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, ông Đỗ Anh Tuấn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Hồ Hùng Anh)

Kế đó là các chủ nhà băng với khối tài sản đồ sộ như ông Hồ Hùng Anh (Techcombank) và gia đình, ông Ngô Chí Dũng (VPBank), ông Đặng Khắc Vỹ (VIB)... Đại gia đến từ các ngành sản xuất, công nghệ có phần lép vế về số lượng, ghi nhận một số cái tên nổi bật như ông Trần Đình Long (Hòa Phát), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan), ông Trương Gia Bình (FPT)...

Số người giàu từ bất động sản chiếm tỷ lệ lớn, theo các chuyên gia, là hiện tượng thường thấy ở các quốc gia, đang phát triển. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (trường ĐH Kinh tế TPHCM) nhận định, ở các quốc gia mới nổi, nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu nhờ vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đổi đất lấy hạ tầng. Việt Nam cũng trong bối cảnh tương tự, và không có thế mạnh các ngành công nghiệp, chủ yếu gia công. “Người giàu lên từ sản xuất kinh doanh thực sự giàu lên không nhiều. Chúng ta có tiếng trên thị trường quốc tế về dệt may giày da nhưng chủ yếu gia công, chưa có thương hiệu tên tuổi”, ông Huân phân tích.

Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú có tài sản hơn 1 triệu USD và 58 người có từ 100 triệu USD. Ảnh: Như Ý

Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú có tài sản hơn 1 triệu USD và 58 người có từ 100 triệu USD. Ảnh: Như Ý

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tại Việt Nam hiện nay sự giàu có bắt nguồn từ thương mại (trong đó có kinh doanh bất động sản), nhiều hơn là sản xuất kinh doanh. Hiện, tăng trưởng kinh tế nước ta thuộc nhóm cao nhất thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người lại thuộc nhóm 25% quốc gia thấp nhất, có khoảng cách xa so với các quốc gia phát triển; Chưa kể năng suất lao động chưa cao. Ông Hiếu cho rằng, dự báo người Việt có thể giàu nhanh nhất thế giới còn những yếu tố phải theo dõi trong thời gian tới, tiến tới thịnh vượng, giàu còn chặng đường xa.

Kiểm soát tài sản, chênh lệch giàu nghèo

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, cùng với hoạt động xuất khẩu, Việt Nam cũng có nhiều người giàu lên nhờ dòng vốn FDI đổ vào nhiều trong các năm qua. Đi kèm với đó là các rủi ro. “Nếu chỉ dựa vào xuất khẩu, bỏ quên thị trường nội địa, tăng trưởng sẽ gặp khó như những gì diễn ra năm 2023. Với FDI, Việt Nam thu hút vốn tốt, nhưng chưa tiếp cận được công nghệ, không có sự chuyển giao. Những vấn đề này cho thấy, muốn tăng trưởng bền vững, chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào nhu cầu và sản xuất hàng hóa nội địa - trụ cột của một nền kinh tế, nền tảng tạo ra sự thịnh vượng cho đất nước”, ông Hiếu chỉ rõ.

Ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng, trong 10 năm tới, những ngành có dư địa tăng trưởng, ghi nhận nhiều người giàu, có tài sản tăng nhanh vẫn là ngân hàng, bất động sản. Tuy nhiên, trong tương lai, Việt Nam sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tầng lớp người giàu xuất hiện đa dạng đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Những ngành mới sẽ trỗi dậy, như thương mại, xuất nhập khẩu, công nghệ....

Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích, CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT nhận định, mức tăng trưởng tài sản 125% trong 10 năm tới tại Việt Nam là khả thi. Dự báo của các tổ chức lớn cho thấy, từ 2025, Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.

Thêm vào đó, cơ cấu dân số vàng sẽ hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng tài sản. “Nhìn qua các nước láng giềng, có thể thấy, câu chuyện của Việt Nam hiện nay rất giống với Trung Quốc thời kỳ 2008-2009. Không chỉ Việt Nam, Trung Quốc, mà các quốc gia ở thời kỳ dân số vàng, GDP đầu người ở mức 3.000 - 4.000 USD sẽ bước vào giai đoạn tăng rất nhanh. Dân số vàng, GDP tăng nhanh, cơ sở hạ tầng... tạo đà thu hút FDI, tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng”, ông Phương phân tích.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ chứng kiến tăng trưởng mạnh ở tầng lớp trung lưu, một bộ phận người có thu nhập trung bình chuyển sang thu nhập trung bình cao. Mức độ gia tăng tài sản chủ yếu nằm ở nhóm này, và nhóm người giàu. Vấn đề đặt ra khi số người giàu tăng lên quá nhanh là việc kiểm soát tài sản, chênh lệch giàu nghèo, phân tầng giai cấp, cần bài toán về quản lý kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Trước khi Chủ tịch Nguyễn Văn Hậu bị bắt, Tập đoàn Phúc Sơn đã có nhiều lần thay đổi vốn điều lệ đăng ký kinh doanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN