Dàn "hậu cung" và khối tài sản gây choáng của cố tỷ phú "thần bài" Hà Hồng Sân
Trong 50 năm kiểm soát sòng bạc tại Macau, "thần bài" Hà Hồng Sân đã biến nơi này từ một thành phố nhỏ trở thành một trong 4 kinh đô cờ bạc nổi tiếng nhất thế giới và cung cấp việc làm cho 1/3 dân số Macau.
Ngày 26/5, tỷ phú Stanley Ho (Hà Hồng Sân), người được mang biệt danh "Thần bài", đã qua đời ở tuổi 98 tại đặc khu Hong Kong (Trung Quốc).
Thường xuyên nằm trong danh sách các tỷ phú hàng đầu châu Á trong nhiều năm, ông Stanley Ho giúp đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) trở thành "thiên đường cờ bạc" của toàn thế giới.
"Thần bài", tỷ phú Hà Hồng Sân vừa qua đời
Hà Hồng Sân (sinh ngày 25/11/1921) sinh ra trong một gia đình nổi tiếng tại Hong Kong. Tổ tiên ông mang dòng máu đa sắc tộc, từ Do Thái, Anh, Hà Lan đến Trung Quốc. Ông là con thứ 9 trong số 13 người con của gia đình.
Hà Hồng Sân là cháu trai của Hà Đông (Robert Hotung), một trong những ông trùm đầu tiên ở Châu Á và là người giàu có nhất ở Hồng Kông vào đầu thế kỷ 20. Cha ông là Hà Thế Quang, thành viên cao cấp trong Tập đoàn Tung Wah Group of Hospitals, một thương nhân giàu có. Mẹ là bà Kí Hưng Vân, con gái của một gia đình quý tộc.
Hà Hồng Sân từng theo học trường Queen's College, sau đó học tại khoa Khoa học Trường Đại học Hồng Kông.
Hà Hồng Sân mang 4 dòng máu Do Thái, Anh, Hà Lan và Trung Quốc
Vào năm 1934, cha ông tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Hong Kong. Gia đình phá sản, ông Hà thời đó thậm chí phải chật vật dựa vào tiền học bổng để trang trải việc học hành. Cuối năm 1941, ông tới Macau chỉ với 10 đôla Hong Kong (khoảng 1,3 USD). Vậy nhưng chỉ 9 năm sau đó, Hà Hồng Sân đã trở thành một trong những đại gia trẻ nhất khu vực Hong Kong và Macau (Trung Quốc).
Trong những năm xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ hai, tỷ phú Hà Hồng Sân kiếm những đồng tiền đầu tiên nhờ việc buôn bán hàng xa xỉ từ đại lục sang Macau. Năm 1943, ông đã thành lập một công ty buôn dầu hỏa và một công ty xây dựng.
Hà Hồng Sân lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới Forbes vào năm 1992
Tuy nhiên, bước ngoặt cuộc đời đến với Stanley Ho vào năm 1961, khi chính phủ Australia và Bồ Đào Nha tuyên bố ngành công nghiệp cờ bạc phải thông qua hệ thống nhượng quyền thương mại. Tỷ phú Hà Hồng Sân bắt được cơ hội vàng khi cùng các đối tác của mình giành được quyền kinh doanh đánh bạc ở Macau.
Sau đó, ông đã thành lập công ty SJM Holdings chuyên quản lý và điều hành các sòng bạc tại Macau và bước những bước đầu tiên trên con đường "vua cờ bạc".
Tỷ phú Hà Hồng Sân bên người vợ thứ 4
Việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa kinh tế khiến số lượng người có của cải ngày càng tăng, đi cùng với đó là nhu cầu đối với bộ môn "đỏ đen" (việc đánh bạc ở Trung Quốc đại lục vẫn bị cấm). Đây là yếu tố đã giúp các sòng bạc của SJM Holdings kinh doanh phát đạt và liên tục mở rộng.
Giấy phép kinh doanh đánh bạc của Stanley Ho hết hạn vào năm 2001, hai năm sau khi Macau được trả về cho Trung Quốc. Sau đó, giới chức Trung Quốc đã cho phép nhiều doanh nghiệp khác được kinh doanh sòng bạc tại Macau.
Tuy nhiên, thay vì cạnh tranh đối đầu với nhau thì tất cả các sòng bạc Macau đã cùng nhau hợp tác để nắm bắt những cơ hội từ tốc độ tăng trưởng kinh tế vũ bão của khu vực châu Á.
Dàn "hậu cung" 4 người vợ và 17 người con của tỷ phú Hà Hồng Sân
Sau khi thành công tại Macau, ông Hà Hồng Sân đã giành được giấy phép kinh doanh đánh bạc tại nhiều quốc gia khác, thậm chí ông đã mở hẳn một sòng bạc tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào năm 2000.
Cũng từ đây người ta nhớ về Hà Hồng Sân là tỷ phú đã có công đưa Macau vượt qua Las Vegas để trở thành "thiên đường cờ bạc" của toàn thế giới.
Vượt ra lĩnh vực kinh doanh sòng bạc, Stanley Ho đã trở thành một "ông trùm" trong lĩnh vực bất động sản và có nhiều đóng góp trong sự phát triển của đặc khu Hong Kong.
Trong 50 năm kiểm soát sòng bạc tại Macau, Hà Hồng Sân đã biến nơi này từ một thành phố nhỏ vùng ven trở thành một trong 4 kinh đô cờ bạc nổi tiếng nhất thế giới. Ông cung cấp việc làm cho 1/3 dân số Macau và phần lớn chi phí xây dựng cơ sở vật chất thành phố là từ túi tiền của ông trùm này.
Vấn đề thừa kế tài sản sau khi vị tỷ phú mất được dự báo sẽ là một câu chuyện sóng gió.
Có thể nói, ông đã nuôi một nửa số người sống vùng đất này. Sáu thập kỷ sau, 4 trong 17 người con của Hà Hồng Sân đã trở thành người đứng đầu ngành kinh tế tại Macau.
Hà Hồng Sân lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới Forbes vào năm 1992 với giá trị tài sản ròng ít nhất là 1,1 tỷ USD (25,6 nghìn tỷ VND theo tỷ giá hiện tại). Ông đã trụ trong danh sách này trong một thời gian dài, cho đến khi xuất hiện lần cuối vào năm 2011.
Vào thời điểm đó, khối tài sản của ông đã giảm xuống sau một loạt các hoạt động chuyển nhượng cồ phần cho các thành viên trong gia đình.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 2018, khối tài sản của Stanley Ho ước tính rơi vào khoảng 50 tỷ HKD (khoảng 6,4 tỷ USD).
Hà Hồng Sân có một người vợ chính thức và 3 người tình, tổng cộng có 17 người con (6 trai, 11 gái). Mỗi người vợ của ông đều có tài sản riêng, bao gồm thừa hưởng từ chồng và việc kinh doanh của họ. Trong đó, người vợ thứ 2 là Lam Quỳnh Anh và người thứ 4 Lương An Kì sở hữu nhiều tài sản nhất.
Công chúng lại được phen ngạc nhiên khi ông không chọn người thừa kế là một trong 6 người con trai. Thay vào đó, Hà Siêu Quỳnh, cô con gái thứ 4, được ông chọn làm người tiếp quản vị trí của mình.
Tuy nhiên, dư luận dự đoán, với dàn “hậu cung” và các cậu ấm, cô chiêu như thế này, vấn đề thừa kế tài sản sau khi ông mất được giới truyền thông dự báo sẽ là một câu chuyện sóng gió của gia tộc giàu có này.
Stanley Ho – ông vua sòng bạc Macau - đã qua đời lúc 1 giờ chiều ngày 25/5 tại Bệnh viện Hồng Kông.
Nguồn: [Link nguồn]