Đại gia Việt phân phối xe xăng và ô tô điện: Ai đang thắng lớn?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhiều đại gia Việt trong lĩnh vực phân phối ô tô điện và xe xăng đang có những triển vọng kinh doanh khá tích cực.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các đại gia Việt trong ngành phân phối ô tô cũng nói lên nhiều điều khi ô tô xăng đang có doanh số tốt hơn ô tô điện.

Lỗ hàng chục tỉ đồng

Anh Quang Minh, 28 tuổi sống tại TP.HCM rất thích ô tô điện vì sức mạnh, và công nghệ vượt trội.

Ban đầu anh dự định tìm chiếc ô tô điện giá rẻ mà một hãng nước ngoài vừa chào bán. Nhưng khi đi sâu vào tìm hiểu, anh cảm thấy khó sử dụng chiếc xe này. Nguyên nhân, hãng bán xe, còn sạc thì khách tự lo liệu.

Trong khi đó, nhân viên tư vấn hãng xe điện nói rằng anh hoàn toàn có thể sạc tại nhà. Nhưng ngôi nhà mà anh Minh đang sinh sống lại nằm trong một hẻm nhỏ, mà xe máy di chuyển cũng khó khăn. Phương án sạc điện tại nhà xem như bỏ qua. Mà ngay cả khi thực hiện được, anh Minh tính toán, điện nhà cũng không thể đáp ứng tốc độ sạc.

Anh Minh cũng đã nghĩ đến chuyện gửi xe tại các bãi giữ xe và nhờ đến việc sạc tại đây. Nhưng cũng không khả thi, khi nhiều chỗ giữ xe chỉ nhận trông xe, chứ không cung cấp nguồn điện sạc vì không có đầu sạc tương thích, lo ngại cháy nổ cũng như biểu giá tính tiền điện.

Anh cũng là người thường xuyên đi công tác, nên càng muốn sự thuận tiện trong việc tìm trạm sạc điện. Bởi vì nếu mua ô tô điện nước ngoài, khi đi công tác, anh Minh dễ dàng đối diện với việc xe có thể hết năng lượng trước khi tìm được trạm sạc do bên thứ ba cung cấp.

Chưa kể, nếu có trạm sạc thì anh mất nhiều thời gian tìm kiếm và chờ đợi, mà có khả năng khiến anh bỏ lỡ các cuộc gặp gỡ đối tác quan trọng.

Góc nhìn này có thể đại diện cho một cá nhân nhưng nhìn vào doanh số của một công ty Việt phân phối ô tô điện nước ngoài đang cho thấy sức hút chưa lớn.

Người tiêu dùng Việt vẫn còn e ngại mua ô tô điện nước ngoài vì không có hệ thống trạm sạc phủ sóng khắp nơi. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Người tiêu dùng Việt vẫn còn e ngại mua ô tô điện nước ngoài vì không có hệ thống trạm sạc phủ sóng khắp nơi. Ảnh: PHƯƠNG MINH

TMT là đơn vị đem dòng ô tô điện Wuling về phân phối tại thị trường Việt Nam vào cuối năm 2023. Dòng xe này từng được ban điều hành TMT kỳ vọng sẽ bán được hơn 5.000 chiếc khi gia nhập thị trường Việt Nam vì được đánh giá có giá rẻ và nhiều công nghệ.

Tuy nhiên, TMT chỉ bán được gần 600 xe. Doanh số thấp đã khiến cổ đông TMT phải chất vấn ban lãnh đạo có lãng phí nguồn lực cho sân chơi mới này. Vì trước đây TMT được biết đến là đơn vị phân phối xe tải khá có tiếng trên thị trường.

“Chúng tôi đang thực hiện bước đi thăm dò thị trường, và trong thời gian tới, sẽ đưa ra thêm nhiều mẫu xe điện mới cho thị trường Việt Nam, khi đó, sẽ kỳ vọng gia tăng doanh số ô tô điện. Chi phí đầu tư theo giai đoạn nên không lãng phí nguồn lực” – ông Bùi Quốc Công, Phó chủ tịch HĐQT TMT cho biết.

Dù vậy, từ khi tham gia vào thị trường ô tô điện, trong quý II-2024, TMT đã lỗ hơn 95 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi đến 2,081 tỉ đồng. Theo giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TMT cho biết, nguyên nhân lỗ nằm ở việc người dân thắt chặt chi tiêu khiến sản lượng ô tô bán ra giảm sâu.

TMT tiếp tục đặt kỳ vọng bán được 1.000 ô tô điện Wuling trong năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, các mẫu ô tô điện nước ngoài vào Việt Nam mà không có trạm sạc sẽ gây bất tiện cho người tiêu dùng.

Xe xăng tăng trưởng mạnh mẽ

Nhiều đại gia Việt phân phối xe xăng của các thương hiệu Mercedes, Toyota, Volvo, Ford vẫn đang thắng lớn trên thị trường.

Sau giai đoạn đầu năm với lực mua thấp do lo lắng trước tình hình kinh tế khiến người tiêu dùng cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu, đặc biệt là cho những khoản đầu tư lớn như mua ô tô. Hiện, tăng trưởng kinh tế tốt hơn, sự hỗ trợ của Nhà nước trong lệ phí trước bạ đã giúp người tiêu dùng tự tin xuống tiền mua xe.

Điều này có thể thấy rõ qua việc ông lớn phân phối xe hạng sang Mercedes là Haxaco đã có sự đảo chiều mạnh mẽ về doanh thu lẫn đánh giá thị trường ô tô.

Nếu như đầu năm 2024, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Haxaco nhận định tình hình kinh tế chưa tăng trưởng mạnh đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu bất chấp giá bán nhiều mẫu xe giảm mạnh. Người tiêu dùng vẫn còn trì hoãn việc mua ô tô trong thời điểm kinh tế khó khăn, có xu hướng giảm mạnh các khoản chi cho các sản phẩm phân khúc cao cấp.

Kinh tế phục hồi đã thúc đẩy sức mua các dòng xe sang.

Kinh tế phục hồi đã thúc đẩy sức mua các dòng xe sang.

Nhưng giờ đây, ông Dũng đã có một quan điểm khác. Kinh doanh ô tô hạng sang đang trong quá trình phục hồi, nhờ đó công ty cũng đang phát triển ổn định.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy Haxaco đang có sự phục hồi mạnh về lợi nhuận. Theo đó, 6 tháng năm 2024, Haxaco lãi ròng 53 tỉ đồng, tăng gần 800% so với cùng kỳ (6,3 tỉ đồng).

Tasco, một đại gia Việt phân phối hàng chục thương hiệu ô tô khác nhau, mới đây đã thâu tóm một công ty phân phối độc quyền dòng xe sang Volvo tại thị trường Việt Nam. Điều này càng gia tăng sức mạnh cho Tasco vì từ khi gia nhập vào thị trường Việt, Volvo đã thiết lập được thị phần khá tốt trong phân khúc xe sang.

Nếu các dòng ô tô đem lại lợi nhuận cho công ty chủ yếu là xe xăng thì Tasco cũng đang bắt đầu nhìn thấy tiềm năng của ô tô điện khi đang bắt đầu gia nhập vào phân phối ô tô điện với thương hiệu Lynk & Co. Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh của đại gia Việt này vẫn tập trung vào dòng xe xăng với doanh thu và lợi nhuận tốt hơn.

Việc kinh doanh trong lĩnh vực phân phối ô tô xăng của Tasco khá thành công khi báo cáo tài chính 6 tháng năm 2024 cho thấy, công ty này đã có lợi nhuận sau thuế lên đến gần 100 tỉ đồng.

Một ông lớn khác khá có tên tuổi trong việc phân phối các thương hiệu Toyota, Ford cũng thắng lớn khi cán đích nửa đầu năm 2024 với lãi ròng hơn 70 tỉ đồng.

Theo giới phân tích, dù còn gặp nhiều thách thức nhưng thị trường ô tô đang có sự phục hồi nhờ vào những chính sách ưu đãi về thuế, phí, lãi suất thấp và việc ra mắt nhiều dòng xe mới, đa dạng phân khúc từ các hãng xe.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết, dựa trên kinh nghiệm các nước, để phát triển mạnh mẽ ô tô điện thì cần hạ tầng trạm sạc xe điện. Điều này chỉ có thể thực hiện được dựa vào sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào phát triển hạ tầng trạm sạc, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm sạc, cung cấp dịch vụ sạc pin chất lượng cao, giá cả hợp lý. Còn người dân nâng cao nhận thức về lợi ích của xe điện, tích cực sử dụng xe điện và góp ý cho việc phát triển hạ tầng trạm sạc.

“Bằng cách làm này, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thành công một hệ sinh thái xe điện bền vững và thân thiện với môi trường”- ông Phương nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Trước khi bắt tay hãng taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập chuỗi sửa xe quy mô lớn hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Mai Linh của đại gia Hồ Huy vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG MINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN