Đại gia tuần qua: Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ "dừng cuộc chơi"

Theo thông báo, Fitch không còn có đủ thông tin cần thiết để đưa ra mức xếp hạng cũng như đưa ra các phân tích về Vingroup.

Vingroup dừng tham gia xếp hạng tín nhiệm của Fitch

Tuần qua, hãng xếp hạng tín nhiệm FitchRatings bất ngờ đưa ra thông báo ngừng đánh giá xếp hạng tín nhiệm đối với tập đoàn Vingroup.

Fitch cho biết nguyên nhân vì Vingroup chủ động lựa chọn dừng tham gia vào quá trình đánh giá, do đó Fitch không còn có đủ thông tin cần thiết để đưa ra mức xếp hạng cũng như đưa ra các phân tích về Vingroup.

Đại gia tuần qua: Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ "dừng cuộc chơi" - 1

Hãng xếp hạng tín nhiệm FitchRatings bất ngờ đưa ra thông báo ngừng đánh giá xếp hạng tín nhiệm đối với tập đoàn Vingroup.

Trước đó, trong lần xếp hạng gần đây nhất vào tháng 10/2018, Fitch giữ nguyên xếp hạng B+ cho Vingroup nhưng hạ mức triển vọng từ ổn định xuống tiêu cực. Theo đánh giá, việc hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm do Vingroup vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast, khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên.

Trao đổi với báo chí thời điểm đó, lãnh đạo Vingroup cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực ôtô có "độ rủi ro cao" nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là không tránh khỏi.

Vietjet muốn mở sàn thương mại điện tử

Tuần qua, nhiều tờ báo trong nước dẫn thông tin từ Nikkei Asian Review cho hay, Vietjet dự tính sẽ hợp tác với các đối tác để tung ra dịch vụ thương mại điện tử trong 2 năm tới.

Lãnh đạo đơn vị này tiết lộ, nền tảng thương mại điện tử của Vietjet gồm các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, khách sạn, hàng tiêu dùng... Hãng bay giá rẻ muốn mời các đối tác trong những lĩnh vực trên gia nhập nền tảng và sử dụng công nghệ blockchain để chia sẻ các giao dịch giữa các bên.

Theo Nikkei, Vietjet đang nỗ lực để tăng doanh thu từ các hoạt động phụ trợ trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao gây áp lực lên ngành kinh doanh hàng không. 

Năm 2018, doanh thu thu từ các hoạt động phụ trợ của hãng như bán thêm suất ăn, đồ lưu niệm... đạt hơn 8.400 tỷ đồng, tăng khoảng 10 lần so với năm 2014. Số thu mảng này chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng doanh thu Vietjet.

Bầu Đức chi mạnh hơn 2.800 tỷ mua lại nợ trước hạn

Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) vừa công bố mua lại 2.820 tỷ đồng trái phiếu VPBank trước hạn để cơ cấu nợ.

Đại gia tuần qua: Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ "dừng cuộc chơi" - 2

HAG và HNG đã mua lại 2.820 tỷ đồng trái phiếu VPBank trước hạn để cơ cấu nợ.

Cụ thể, HAGL đã mua lại 1.120 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm 991 tỷ đồng đáo hạn tháng 12/2021 và 129 tỷ đồng đáo hạn tháng 12/2020 . 

HNG thì mua lại 1.700 tỷ đồng trái phiếu, bao gồm 306,5 tỷ đồng đáo hạn tháng 12/2020 và 1.394 tỷ đồng đáo hạn tháng 12/2021. Đây là những khoản để cơ cấu nợ, bổ sung nguồn vốn cho các dự án đầu tư bao gồm trồng và chăm sóc cây cao su, cọ dầu, mía đường tại Lào và Campuchia.

Hai công ty trên đều cho biết việc mua lại trái phiếu nhằm mục đích cơ cấu nợ tuy nhiên không thông báo chi tiết.

Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ lại muốn làm cảng biển

Tập đoàn Hoa Sen vừa thông qua chủ trương góp vốn theo hình thức mua cổ phần để thành lập Công ty CP Cảng Quốc tế Hoa Sen. Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen góp 4,9 tỷ đồng, tương đương với 49% vốn điều lệ của Cảng Quốc tế Hoa Sen.

Ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen sẽ là người đại diện theo ủy quyền số cổ phần của Tập đoàn Hoa Sen tại doanh nghiệp dự kiến thành lập.

Công ty này có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, bao gồm các công việc dịch vụ đại lý vận tải đường biển, dịch vụ môi giới hàng hải, logistics, giao nhận hàng hóa…

Đại gia tuần qua: Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ "dừng cuộc chơi" - 3

Tập đoàn Hoa Sen vừa thông qua chủ trương góp vốn theo hình thức mua cổ phần để thành lập Công ty CP Cảng Quốc tế Hoa Sen.

Doanh nghiệp mới thành lập cũng kinh doanh thêm khoảng 30 ngành nghề khác bao gồm bán lẻ ô tô con, buôn bán nhiên liệu, vận tải hành khách (taxi, ven biển, thủy nội địa, viễn dương), du lịch, vận tải hàng hoá...

Trước đó, Tập đoàn Hoa Sen đã thoái vốn tại dự án Cảng quốc tế Gemadept Hoa Sen do hiệu quả kinh doanh thấp.

FLC chi 11.000 tỷ đồng xây quần thể du lịch hơn 1.000ha

Tập đoàn FLC đã tổ chức lễ khởi công quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi.

Theo giới thiệu, quần thể nằm bên bờ biển huyện Bình Sơn. Dự án có quy mô 1.026ha, trong đó các hạng mục khởi công bao gồm 4 phân khu khách sạn, resort cao cấp và hai phân khu đô thị biển. Tổng mức đầu tư giai đoạn đầu ước tính 11.000 tỷ đồng.

Cùng với việc hãng hàng không Bamboo Airways chuẩn bị mở đường bay kết nối sân bay Chu Lai với các điểm đến trong nước và quốc tế, lãnh đạo FLC cho rằng quần thể nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi đi vào hoạt động sẽ tạo nên sự đột phá về lượng du khách đến với Quảng Ngãi.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ FLC, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết FLC đang theo đuổi chiến lược đầu tư vào những tỉnh thành mà du lịch còn chưa được khai phá. 

Đại gia tuần qua: Ngồi trên núi tiền, vì sao ông Trịnh Văn Quyết than buồn?

Ông Trịnh Văn Quyết đã lên tiếng sau khi nhiều nhà đầu tư băn khoăn vì sao FLC đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Doanh nhân và 1001 cách làm giàu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN