Đại gia tuần qua: Nữ CEO đầu tiên của Grab tại Việt Nam từ nhiệm
Giám đốc điều hành Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân sẽ rời vị trí lãnh đạo công ty từ cuối tháng 4 tới.
Nữ CEO của Grab Việt Nam từ nhiệm
Theo thông tin từ Grab, bà Nguyễn Thái Hải Vân sẽ từ nhiệm khỏi vị trí Giám đốc Điều hành của Grab Việt Nam sau hơn 2 năm đảm nhận chức vụ này. Bà Nguyễn Thái Hải Vân gia nhập Grab vào tháng 11/2019, thay thế ông Jerry Lim. Bà là nữ CEO đầu tiên của Grab tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân
Trước đó, bà Vân làm việc tại tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh Unilever, giữ vai trò hoạch định chiến lược thương mại và điều phối hoạt động kinh doanh tiếp thị của nhiều ngành hàng của tập đoàn này ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Trong hơn 2 năm bà Vân giữ vị trí điều hành, Grab đã mở rộng nhiều dịch vụ cũng như số lượng tỉnh, thành hoạt động trong cả nước. Song song đó, ứng dụng gọi xe này cũng gặp nhiều khó khăn trong vận hành khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương trên cả nước giãn cách xã hội thời gian dài.
Một cổ phiếu họ nhà Vin tăng sốc
Trái ngược với mức tăng không mấy khởi sắc của 2 cổ phiếu quyền lực nhất Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đồng thời cũng nằm trong rổ VN30 là VIC và VHM, cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) lại được giới đầu tư chú ý với mức tăng ấn tượng hơn 26% tương đương 60.000 đồng chỉ trong vòng vài phiên gần đây.
Trong phiên sáng ngày 11/3, VEF tăng 13,8% và giao dịch quanh mức giá 270.000 đồng/cp. Khối lượng cổ phiếu VEF được giao dịch là 56.200 cổ phiếu. Ghi nhận vào phiên 10/3, VEF đã tăng kịch trần với tỷ lệ 15% nâng mức giá lên 246.900 đồng/cp.
Một cổ phiếu họ nhà Vin tăng sốc.
Phiên giao dịch 10/3 cũng ghi nhận mức thanh khoản tăng đột biến trên 100.000 cổ phiếu. Trong khoảng thời gian trước đó, thanh khoản của mã này chỉ ở mức dưới 25.000 cổ phiếu, thậm chí nhiều phiên dưới 5.000 cổ phiếu.
Dược biết, cơ cấu cổ đông của công ty khá cô đặc. Với quy mô vốn điều lệ khoảng 1.666 tỷ đồng, cổ đông lớn của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam là Tập đoàn Vingroup (VIC) với tỷ lệ sở hữu lên tới 83,32% vốn. Ngoài ra một cổ đông lớn khác của VEFAC là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tỷ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ.
Thaiholdings của bầu Thuỵ báo lãi 1.433 tỷ đồng
Công ty cổ phần Thaiholdings của đại gia Nguyễn Đức Thuỵ vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 với những kết quả tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Từ hoạt động kinh doanh chính, đến mua bán doanh nghiệp hay cả thị trường chứng khoán cũng đều đem về lợi nhuận cho Thaiholdings.
Nổi bật nhất là doanh thu thuần khi các hoạt động kinh doanh của Thaiholdings đem về 8.242 tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần so với năm 2020. Nhờ đó, lợi nhuận gộp cũng tăng 1,87 lần so với cùng kỳ, lên 319 tỷ đồng.
Thaiholdings của bầu Thuỵ báo lãi 1.433 tỷ đồng.
Các hoạt động mua bán doanh nghiệp và chuyển nhượng dự án được thực hiện sôi động năm qua, tiếp tục đóng góp quan trọng trong lợi nhuận của Thaiholdings, thể hiện qua doanh thu tài chính 1.082 tỷ đồng và thu nhập khác 779 tỷ đồng.
Báo cáo của Thaiholdings cho thấy, thương vụ chuyển nhượng khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Bình Minh Group đem về khoản lãi 806,66 tỷ đồng. Các thương vụ khác đem về thêm gần 840 tỷ đồng cho Thaiholdings. So với năm trước, tổng doanh thu tài chính và thu nhập khác của Thaiholdings tăng gấp rưỡi, lên 1.861 tỷ đồng.
Vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng tiếp tục nhận thù lao 0 đồng
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCI) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 với nội dung đáng chú ý liên quan đến thù lao của ban lãnh đạo.
Ngoại trừ các thành viên độc lập thuộc HĐQT dự kiến được nhận 20 triệu đồng/tháng/người, các nhân sự còn lại trong HĐQT công ty sẽ không hưởng thù lao.
HĐQT hiện tại của Chứng khoán Bản Việt bao gồm 7 thành viên. Chủ tịch công ty là bà Nguyễn Thanh Phượng. Chồng bà Phượng cũng tham gia HĐQT Chứng khoán Bản Việt. Bà Phượng cùng các thành viên trong ban lãnh đạo công ty đã duy trì truyền thống không nhận thù lao gần 10 năm nay.
Theo báo cáo quản trị năm 2021, hiện Chủ tịch Chứng khoán Bản Việt Nguyễn Thanh Phượng sở hữu 4,1% cổ phần công ty. Còn Tổng Giám đốc Tô Hải và gia đình nắm giữ 28% cổ phần Bản Việt.
Về phần ban điều hành, ông Tô Hải và các phó tổng giám đốc công ty chỉ nhận thưởng khi lợi nhuận năm 2022 cao hơn 2021. Số tiền thưởng là 8% phần lợi nhuận vượt cùng kỳ.
Sếp lớn ngân hàng nhận thù lao khủng
Báo cáo tài chính của Vietcombank tiết lộ năm 2021, trong bối cảnh lãi sau thuế kỷ lục hơn 21.900 tỷ đồng, ngân hàng này đã chi 35 tỷ đồng để trả cho thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) và Ban điều hành (BĐH). Mức này tăng 9% so với năm 2020.
Cụ thể, với mức trả 13,7 tỷ đồng cho HĐQT, mỗi thành viên ước tính trung bình nhận về 1,37 tỷ đồng/năm, tương đương 114 triệu đồng/tháng. Còn với BKS, mức gần 4 tỷ đồng chi ra thì bình quân mỗi thành viên nhận về 1,3 tỷ đồng/năm. Với BĐH, mức chi trả là 17 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên nhận về 1,73 tỷ đồng/năm, tương đương 145 triệu đồng/tháng, theo số liệu từ báo cáo tài chính.
Theo danh sách, ông Shorijo Mizoguchi (Phó Tổng Giám đốc, được bổ nhiệm từ tháng 4/2021, trùng thời điểm miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc ông Eiji Sasaki) kiêm nhiệm là thành viên HĐQT và BĐH Vietcombank. Do đó, tính trên số liệu của báo cáo tài chính, cá nhân này có thể nhận tối đa 259 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, thu nhập của các cấp trưởng phòng, giám đốc chi nhánh được hạch toán chung vào thu nhập bình quân nhân viên. Năm qua, Vietcombank có quy mô nhân sự lên đến 21.671 người và với mức chi 9.586 tỷ đồng, bình quân thu nhập mỗi cá nhân đạt 38,2 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020 và cao nhất trong số các ngân hàng quốc doanh.
Trong ngày dân chơi tháo chạy, khối tài sản của gia đình đại gia này cũng đã bị thổi bay tới hơn 2.400 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]